''Tiết tấu buồn trong tiếng vỗ tay vui''

NGUYỄN VĂN HÒA 06:14, 07/09/2023

40 bài trong Tiết tấu thơ được nhà thơ dành cả những tâm huyết, sự trăn trở của mình vào đó. Mỗi nơi anh qua, mỗi vùng đất anh đến, những gì anh nghe thấy, anh chứng kiến hay cả những dự cảm về mọi điều diễn ra trong đời sống đều được Nguyễn Tấn On ghi lại một cách chân thực, sinh động. Chính điều này đã tạo nên những dấu ấn nhất định đối với độc giả khi đọc thơ anh.

Bìa tập thơ Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On, NXB Hội Nhà văn, 2023
Bìa tập thơ Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On, NXB Hội Nhà văn, 2023

Điều thú vị và cũng là tín hiệu đáng mừng cho Tiết tấu thơ: đây là tập thơ song ngữ Việt - Anh. Tâp sách được dịch bởi dịch giả, nhà thơ Võ Thị Như Mai. Đó là yếu tố thuận lợi để thơ Nguyễn Tấn On có dịp để mở rộng đối tượng tiếp nhận và cũng là cơ hội tốt để thơ anh có sự lan tỏa.

Bao trùm trong Tiết tấu thơ của Nguyễn Tấn On chủ yếu là giọng trầm, buồn. Ở đó thể hiện một cái tôi trữ tình yêu thương da diết, một cái tôi đầy suy tưởng về những điều hiện hữu, về quá khứ đã qua và cả những dự cảm về tương lai. Cái hay ở thơ Nguyễn Tấn On là anh thường dùng những thủ pháp nghệ thuật: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, nhân hóa... một cách linh hoạt để chuyển tải những nỗi niềm một cách vi tế nhất. Thực tại đời sống có muôn vàn ẩn số, ám dụ, ẩn dụ nhưng bằng logic thông thường con người không giải mã được trọn vẹn. Vì thế, đôi lúc trong sáng tạo thi ca, nhà thơ phải dùng biểu tượng. Biểu tượng: mặt trời, nắng, mưa, đêm, mùa thu, biểu tượng quê hương - đất nước... được Nguyễn Tấn On sử dụng trong thơ anh như là cách để giải thích, sáng tạo, tái sinh, liên tưởng trong sự kết hợp văn hóa, sự đa dạng của đời sống. 

Đọc những câu thơ trong bài Người vẽ mùa thu gợi cho ta cảm giác thương nhớ ngút ngàn, sự hoang hoải, trống vắng, niềm tiếc thương và cả thái độ trân trọng. Quá khứ thương đau nhưng không thể nào tắt đi niềm tin yêu, hi vọng vào sự hồi sinh ở phía trước. “Người đàn bà quên gương lược/ để tóc tự tình mưa gió vui...// ... Mặt trời lên/ người đàn bà vẽ mùa thu/ bằng âm thanh/ bằng ký tự/ bằng nhịp thở/ hồi sinh”. Một sự bất thường đã xảy ra: mùa thu không có lá vàng rơi rụng nhưng lại là mùa của những linh hồn ra đi vất vưởng, ai oán, nức nở khi chưa kịp giã biệt bất cứ điều gì...

Nắng quê nhà là bài thơ hay, để lại nhiều cảm xúc đối với người đọc; bởi nhà thơ đã nói lên tiếng lòng thành thực của chính mình về quê nhà bằng tình yêu và nỗi nhớ trong trẻo, da diết. “Ta về tắm nắng nhà quê/ Cây rơm khuyết chỗ con bê rút ngày/ Rủ em về ngay - hôm nay/ Con chào mào hót rất hay em à// Cây ổi đỏ ruột vườn nhà/ Bánh xèo mẹ đổ nhân là nấm rơm/ Bếp quê chín lửa sôi cơm/ À ơi! Sợi khói, mùa thơm thảo về// Về nhe em, nắng nhà quê/ Thả diều, đánh vụ thích ghê gió đồng/ Về đây tập ta bơi sông/ Con chuồn chuồn cắn, hồng hồng đêm mơ”. Nhưng chắc chắn rằng đó chỉ là kỷ niệm, bởi bây giờ quê hương đã đổi khác, cảnh như lạ như quen càng làm cho đứa con “tha phương” trở lại thêm bùi ngùi.

Nhớ đến quê hương, nhà thơ còn nhớ đến hình ảnh của mẹ, của cha đang mòn mỏi trong ngóng đứa con xa trở về thăm nhà. Trong tâm tưởng của một người đứng tuổi như Nguyễn Tấn On, không bao giờ anh nguôi quên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Vì thế, dù trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào, nhà thơ cũng phải “Tìm về” chốn cũ. Đó là cách để cho lòng được an yên, là cách để xoa dịu những vết thương lòng, là cách hóa giải những ẩn ức đã và đang hiện hữu trong tâm hồn... Phải là người nặng lòng với quê hương, với những điều bình dị, gần gũi của quê nhà mới có thể viết lên những vần thơ da diết, chan chứa hoài niệm đến thế.

Nhà thơ Nguyễn Tấn On có nhiều bài thơ viết về Sài Gòn, anh xem đó là thành phố cưu mang, thành phố nghĩa tình, thành phố mà ở đó gắn với bao nhiêu ký ức đẹp, không thể nào nguôi quên. Nhắc về Sài Gòn, nhớ về Sài Gòn đó cũng chính là lời cảm ơn chân thành nhất xuất phát tận trong đáy sâu tâm hồn anh. Nhất là trong những tháng ngày đại dịch COVID-19 bao phủ, hoành hành. Nhiều bài thơ chắt lắng, đậm chất trữ tình về đất và người Sài Gòn được ra đời, tạo nên những tình cảm đặc biệt. 

Nguyễn Tấn On có những bài thơ cô đọng, bật lên từ những cảm xúc bất chợt trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Con nhà thơ vẫn bám trụ ở Sài Gòn, không về Đà Lạt. Vì thế, khi nghe tin con bị F0, nhà thơ chết điếng vì quá lo lắng, bởi cái chết vì nhiễm bệnh ngày càng nhiều, không biết rồi sẽ có mệnh hệ gì với con? May thay, con anh đã vượt qua cơn hiểm họa. Đó là điều may mắn nhưng cái quan trọng hơn cả đó là nhờ vòng tay bao dung, chở che của Sài Gòn. Sài Gòn đổi thay trên các phương diện khác nhau của một thành phố năng động, đầu tàu về kinh tế của cả nước nhưng có một điều thật đáng quý đó là tình người, là sự bao dung, sẻ chia trước sau vẫn không hề thay đổi. Thậm chí mỗi ngày được hun đúc thêm, bồi đắp thêm. 

Mưa người dưng là một bài thơ mới đọc qua tưởng như tất cả là lời tự sự giản đơn của tác giả nhưng đọc kỹ lại thấy có nhiều điều trăn trở, nhiều thông điệp mà nhà thơ muốn ký gửi. Điệp khúc mưa trở đi trở lại liên tục (15 lần), mưa gắn liền với bao nhiêu sự việc, mưa trở thành một biểu tượng trùng phức, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Đà Lạt, thành phố nơi Nguyễn Tấn On đang sinh sống cũng để lại trong anh tình cảm đặc biệt. Để rồi nhà thơ có sự so sánh rất đáng yêu, giãi bày những nỗi niềm sâu kín của mình về đất và người nơi đây. Anh nhớ em như anh nhớ Đà Lạt, một sự so sánh rất đặc biệt. Ở đây nỗi nhớ em được đặt ngang hàng với nỗi nhớ một thành phố núi nơi anh đang trú ngụ. Nỗi nhớ vừa trừu tượng, miên man, vừa hữu hình, cụ thể. Gắn liền với nỗi nhớ về em là những địa danh được nhà thơ nhắc đến, những đặc trưng về địa hình, khí hậu... có sự ảnh hưởng nhất định đến con người. Tình yêu và nỗi nhớ về em luôn hiện diện và đan cài trong tình yêu Đà Lạt. Bởi ở đó có quá nhiều những kỷ niệm!

Con người trong thơ Nguyễn Tấn On là hiện diện của nỗi cô đơn, của sự khao khát khám phá, hướng đến những điều nhân bản, tốt đẹp. Ở đó, bạn đọc dễ nhận ra nhân vật trữ tình luôn tự tâm tình, đối thoại thông qua những hình ảnh, câu chữ, biểu tượng đầy ám gợi: phố tình thân, phố cưu mang, nắng quê nhà, nỗi buồn sủi tăm, mưa người dưng, tiếng dương cầm tắm gội cùng mưa, anh nhớ em như anh nhớ Đà Lạt...

Ta nợ Em - Mùa Thu gợi ra nỗi niềm trăn trở của nhân vật trữ tình thông qua những hình ảnh liên tưởng tự nhiên nhưng đầy bất ngờ và thú vị. Một cách chuyển tải vô cùng hồn nhiên, thật đáng yêu, ở đó có cả sự e ngại, dại khờ vì không có chút gì toan tính thiệt hơn mà chỉ thuần khiết một tình yêu trong sáng.

Viết cho ai, viết về điều gì, thơ Nguyễn Tấn On cũng tự nhiên, hồn hậu. Lời thơ chậm rãi, nhấn nhá kiểu như vừa đi vừa kể một câu chuyện nhưng rất đỗi chân thành. Sự chân thành ấy đã là bản chất, là cốt cách của một người làm thơ như Nguyễn Tấn On. Anh sống chan hòa, điềm đạm, luôn yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh anh, nhất là bạn bè và những người thân yêu ruột thịt.

Viết cho người bạn văn Nguyễn Thanh Đạm đã tạm biệt trần gian đi về cõi khác, Nguyễn Tấn On dành cho bạn bằng những lời nghẹn ngào, hụt hẫng. Nguyễn Tấn On ví von một cách đầy hình tượng, nhà thơ gọi đó là “Nỗi buồn sủi tăm”.

Thơ Nguyễn Tấn On với những cảm xúc lắng đọng, mở ra không gian tâm tưởng đầy lãng mạn với những hình ảnh vừa gẫn gũi, giản dị nhưng đôi khi cũng mơ hồ, hư ảo đầy chất suy tưởng. Dù thơ anh đã tạo được vị thế nhất định trong lòng công chúng yêu thơ và sự đánh giá cao của những bạn bè, đồng nghiệp nhưng Nguyễn Tấn On vẫn rất mực khiêm tốn, với những lời rất đỗi chân thành, tha thiết: “Xin đừng gọi tôi - nhà thơ/ tôi chỉ gieo vần từ nỗi lòng thành hạt/ khi niềm vui, nỗi buồn tìm chút sẻ chia/ tôi ôm thơ vào lòng/ khao khát/ tiết tấu buồn trong tiếng vỗ tay vui”.

Nguyễn Tấn On cũng có một nguyện ước đáng để những người yêu thích và nghiên cứu văn chương suy ngẫm - khi anh đã ý thức một cách sâu sắc về cuộc đời, về thơ trong một cái nhìn đa diện, đa chiều. Để rồi, người thi sĩ Nguyễn Tấn On phải thốt lên lời tâm huyết, khẩn cầu: “Thơ ta xin thả lên trời”.

... Thơ. Không có ranh giới/ Giữa lãnh thổ quốc gia/ Nhưng. Nhà thơ phải có/ Đất nước quê hương mình.