Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) phía Bắc không chỉ tạo sự gắn kết chị em nói riêng và Nhân dân nói chung, mà còn góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Bảo Lâm.
Nghệ thuật hát then, đàn tính trên địa bàn huyện dần được mở rộng |
KHÔI PHỤC CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Ngoài các DTTS gốc Tây Nguyên, Bảo Lâm cũng là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc miền núi phía Bắc như Nùng, Tày, Mông, Mường... Nói đến văn hóa truyền thống, nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì đâu đó đã dần mai một. “Giờ đây khi cuộc sống dần ổn định, ấm no thì nhìn lại, chúng tôi cũng vô cùng mong muốn có thể giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho bà con, nhất là thế hệ trẻ”, chị Lâm Thị Dương (xã B’Lá) chia sẻ.
Như lớp người đầu tiên đến lập nghiệp tại B’Lá, chị Dương cũng là người nặng lòng muốn gầy dựng lại những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày. Khi có chủ trương chọn địa bàn xã B’Lá để triển khai Mô hình “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS phía Bắc”, chị Dương là một trong những người nhiệt tình nhất và đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB). May mắn, tại địa phương cũng có nhiều người chung suy nghĩ ấy.
Từ đó, các hoạt động sinh hoạt của CLB, tập luyện lại những giai điệu hát then, đàn tính được tổ chức thường xuyên, mỗi tuần một lần. Đây cũng là một trong những sân chơi được thu hút chị em phụ nữ quan tâm. Tính đến nay, sau 2 năm thành lập, CLB đã thu hút được 40 thành viên. “Như dịp Tết Cổ truyền 2024 vừa qua, xã đã tổ chức lễ hội vui xuân vào ngày 11 tháng Giêng. Đây có lẽ là dịp vui xuân rộn rã, quy mô nhất, quy tụ được những người con em từ xa trở về. Mỗi người rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống, chơi các trò chơi dân gian, thưởng thức những món ăn truyền thống. Chúng tôi rất vui vì những giá trị truyền thống đang dần được tìm lại và giữ gìn”, chị Dương chia sẻ.
Phụ nữ đóng vai trò to lớn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống |
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Lâm cho biết, từ mô hình đầu tiên ở xã B’Lá, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Bảo Lâm tiếp tục chỉ đạo và nhân rộng Mô hình hình “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS phía Bắc” tại Thôn 7, Thôn 12, xã Lộc Ngãi có 47 thành viên và xã Lộc Tân với 42 thành viên. Kể từ khi thành lập đến nay, mô hình đã tổ chức sinh hoạt được 267 buổi với các nội dung, chủ đề phong phú; tổ chức ngày hội mang tính văn hóa riêng của dân tộc phía Bắc nhằm tái hiện lại Chợ phiên ở Tây Bắc.
Trong các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm mô hình cũng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua do địa phương phát động... tuyên truyền cho các thành viên cần chủ động, tích cực hơn trong tham gia học tập, làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực hàng ngày. Tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ những phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan...; kế thừa và phát huy những phong tục tập quán, tín ngưỡng lành mạnh trong đời sống tinh thần của người dân như: tục thờ cúng tổ tiên, những nghi thức trong đám cưới, Vu lan báo hiếu, tảo mộ…
Hội LHPN xã Lộc Ngãi, B’Lá, Lộc Tân phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mở 3 lớp dạy học “Hát then, đàn tính” với 71 học viên và hỗ trợ cho mô hình xã B’ Lá: 12 bộ trang phục áo dài Tày, 10 cây đàn tính và 5 bộ sóc nhạc; xã Lộc Ngãi: 25 bộ trang phục áo dài dân tộc Tày. “Nhìn chung các CLB đã tạo sự phấn khởi cho chị em các dân tộc phía Bắc, góp phần phát triển văn hóa, văn nghệ của địa phương, tạo khí thế, động lực cho chị em lao động sản xuất, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Có thể nói đây là một mô hình có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn bản sắc riêng của các dân tộc phía Bắc được các cấp Hội, Đảng ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao”, Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lâm Nguyễn Thị Thu Hoài đánh giá.
Những món ăn truyền thống đặc sắc |
PHÁT HUY VAI TRÒ, VỊ THẾ CỦA PHỤ NỮ
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Bảo Lâm, nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, Hội LHPN huyện cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ các xã, thị trấn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Làm sao để mỗi hội viên phụ nữ là một nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình, mà hơn thế, thông qua đó để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc. Qua đó, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với truyền thống, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc phía Bắc trên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng.
Trong 2 năm thực hiện mô hình, Hội LHPN huyện và cơ sở đã tổ chức được 5 gian hàng trưng bày giới thiệu 30 sản phẩm mang nét văn hóa truyền thống của DTTS phía Bắc; tổ chức Hội thi Tuyên truyền pháp luật với các chủ đề: phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống đuối nước; vệ sinh an toàn thực phẩm đã thu hút hơn 500 hội viên phụ nữ tham gia.
Vẻ đẹp của những giá trị truyền thống |
Để bảo tồn và phát huy giá trị của những trang phục truyền thống thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên tổ chức tuyên truyền khuyến khích các thành viên trong gia đình, người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các dịp liên hoan, lễ hội, cưới hỏi và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân nhất là giới trẻ để họ thấy được nét đẹp văn hóa qua những bộ trang phục dân tộc mình, cùng nhiều phong tục tập quán mang tính cộng đồng. Từ đó giúp người dân càng thêm yêu, quý và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Không những thế, qua tham gia sinh hoạt, các chị còn tập trung giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn.
Có thể khẳng định rằng, việc tổ chức sinh hoạt mô hình là một sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khỏe và sự tự tin cho hội viên phụ nữ, tạo sự gắn kết các chị em với nhau. Mô hình đã phát huy và giữ gìn bảo tồn nét văn hóa riêng của các DTTS phía Bắc nhằm xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang; phát huy và giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc phía Bắc, thực hiện nếp sống văn minh. Từ việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã tạo sự gắn kết chị em nói riêng và Nhân dân nói chung, tạo khí thế thi đua lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và trên toàn địa bàn huyện nói chung.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin