Thiêng liêng nơi về nguồn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ 

QUỲNH UYỂN 01:25, 30/04/2024

Giữa bốn bề thông xanh trên đồi Công Sự, Phường 11, một nhà bia tưởng niệm được dựng lên trang nghiêm ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại đất này cho Đà Lạt nở hoa, cho đất nước thống nhất.

Tìm lại những cái tên thân thuộc
Tìm lại những cái tên thân thuộc

Con đường bê tông dẫn lên đỉnh đồi, nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Đông Bắc Đà Lạt ẩn mình giữa rừng thông mát lành. Lần theo từng dòng chữ khắc 130 cái tên những người con đến từ mọi miền đất nước, tuổi đời còn rất trẻ đã về đây, cùng Nhân dân Phường 11, Phường 12 chiến đấu và nằm lại với suối, rừng trong những ngày Đà Lạt còn hoang sơ, lạnh lẽo. Giữa bàn thờ bia tưởng niệm là ảnh Bác Hồ, hai bên có đôi câu đối khiến ai cũng xúc động nghẹn lòng: “Hương ngàn nén nhớ thương liệt sĩ/ Hoa ngàn bông tưởng niệm anh hùng”.

Họ ra đi từ những miền quê Kinh Bắc, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây, Hà Tĩnh, Hà Nam, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi… và ngã xuống tại đồi Phụng Sơn, hồ Than Thở, chân đồi mới Sào Nam, đồi Cô Năm, suối Dọc, ngã ba Đường Tình, bờ sông Đa Sa, đồi Hòn Bồ, đồi sân banh Tự Tạo không bao giờ trở về. Ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng Ban Liên lạc truyền thống cách mạng hướng Đông Bắc Đà Lạt kể, Đại đội Đặc công của ông đặt chân đến Đà Lạt từ cuối năm 1969, đóng ở căn cứ Suối Dọc. Từ 63 chiến sĩ đặc công của 2 tỉnh Hà Bắc và Hải Hưng (cũ) trong đội biệt động C850, đến ngày đất nước thống nhất, đơn vị chỉ còn 17 người, 46 đồng đội đã nằm lại nơi này. Mỗi lần chứng kiến đồng đội nằm xuống, ông đều đau xót, cứ nghĩ rằng rồi có một ngày sẽ đến lượt mình nên lại càng tăng thêm tinh thần chiến đấu. Chỉ khi ngày giải phóng, trong niềm hạnh phúc vỡ òa, lúc này nhớ đến từng gương mặt đồng đội, lòng ông nghẹn lại, nước mắt tuôn trào… 

Ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng Ban Liên lạc truyền thống cách mạng hướng Đông Bắc Đà Lạt thắp hương tưởng nhớ đồng đội ở nhà bia tưởng niệm
Ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng Ban Liên lạc truyền thống cách mạng hướng Đông Bắc Đà Lạt thắp hương tưởng nhớ đồng đội ở nhà bia tưởng niệm

Trong chiến tranh chống Mỹ, Phường 11 và Phường 12 là cửa ngõ ra vào Đà Lạt, là nơi tiếp cận gần nhất với các mục tiêu quan trọng của địch gồm Trường Võ bị Quốc gia, Trường Cảnh sát cơ bản; Trung tâm Huấn luyện cảnh sát Quốc gia... Do vậy, địch không chỉ lập nhiều đồn bốt, án ngữ để kiểm soát và bảo vệ mà còn tiến hành dồn dân lập thành các ấp chiến lược để dễ kiểm soát, quản lý, theo dõi, tách “cá ra khỏi nước”. Trước sự kiểm soát gắt gao của địch, người dân các ấp Sào Nam, Tây Hồ, Tự Tạo, Trại Mát... đã tìm mọi cách cho gạo, muối vào túi nilon rồi giấu vào bao đựng phân cá; gói kỹ thuốc men rồi giấu vào bình bơm thuốc sâu... khi đi làm vườn để qua mặt địch.

Góp sức làm nên chiến thắng, trong 10 năm từ 1965 - 1975, Phường 11 và Phường 12 có hơn 570 người tham gia hoạt động cách mạng, kề vai sát cánh cùng bộ đội đặc công đánh địch ngay trong lòng địch. Có hơn 30 gia đình cơ sở cách mạng (Phường 11, Phường 12) đã đào hơn 50 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội bám trụ; vận chuyển gần 3.000 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu.

Toàn cảnh nhà bia tưởng niệm 130 liệt sĩ hy sinh tại hướng Đông Bắc
Toàn cảnh nhà bia tưởng niệm 130 liệt sĩ hy sinh tại hướng Đông Bắc

Ông Lê Ngọc Cam nhớ lại những ngày chiến đấu ở vùng đất này, được đồng bào Nhân dân Phường 11, Phường 12 chở che, nhường cơm sẻ áo: Cán bộ, chiến sĩ ngày thì ở hầm bí mật, đêm mới hoạt động, đến vườn nhà ai xin rau, khoai, sắn không có mặt chủ vườn, chỉ cần để lại một mảnh giấy, hoặc ký hiệu cho bà con ai cũng sẽ sẵn lòng. Mỗi lần nghe tiếng súng là đồng bào Nhân dân các ấp lại giật mình thon thót, lo cho các chiến sĩ vừa đi ra từ những căn hầm, đang đối mặt với địch. Sáng ra, bà con lại cùng nhau đi theo con Suối Dọc, vạch những triền cỏ lau, vào rừng thông tìm người…

Được hưởng niềm vui chiến thắng, được sống trọn vẹn đất nước hòa bình, thống nhất, lòng ông Nguyễn Duy Dũng luôn nhớ đến đồng đội; nhớ những năm tháng đồng bào Nhân dân, các gia đình cơ sở cách mạng che chở. Hơn 30 năm qua, ông không ngừng đi tìm đồng đội, tham gia tất cả các đợt quy tập mộ liệt sĩ về các nghĩa trang. Năm 1994, ông đã vận động thành lập Ban Liên lạc truyền thống cách mạng hướng Đông Bắc. Được sự hỗ trợ các doanh nghiệp, những tấm lòng vàng, năm 2001 - 2004, Ban Liên lạc đã xây dựng nhà bia tưởng niệm 130 liệt sĩ hy sinh trong những trận đánh ở hướng Đông Bắc. Trong đó có 27 người con của hai Phường 11 và 12 thoát ly kháng chiến, 6 người là đội viên du kích mật - là 6 đoàn viên thanh niên của các chi đoàn Thái Phiên, Sào Nam, Tây Hồ, Trại Mát đã hy sinh khi tham gia hoạt động, công tác ngay trên mảnh đất quê hương mình. 4 liệt sĩ của Phường 11, Phường 12 hy sinh trong cuộc chiến chống Fulro những năm 1975 - 1978 cũng được ghi danh vào nhà bia tưởng niệm.

Mỗi năm, các cựu chiến binh, cựu đội viên du kích, cựu đoàn viên, thanh niên, các thân nhân liệt sĩ, các gia đình cơ sở cách mạng tổ chức lễ dâng hương tại nhà bia tưởng niệm vào 3 ngày 26/3, 27/7, 22/12. Cùng ngồi quây quần ăn chung bữa cơm trên đồi, niềm vui như gặp lại người thân xen lẫn nỗi ngậm ngùi nhớ về những người đã khuất, nhớ những năm tháng hào hùng. Những năm tháng đó các chị Thuận, chị Thảo, chị Thế, các anh Ánh, anh Hoàng Anh, anh Châu… còn là đoàn viên, thanh niên đã yểm trợ cùng với lực lượng bộ đội đặc công, du kích mật tạo nên mũi tấn công bí mật bất ngờ; giờ đây mái đầu ai cũng bạc.

Để khu tưởng niệm ngày thêm xanh tươi, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban Liên lạc hướng Đông Bắc Đà Lạt đã tổ chức trồng cây quanh khu đồi đặt nhà bia tưởng niệm; tổ dân phố Tự Tạo cùng thanh thiếu niên, các đoàn thể đã tham gia trồng gần 1.000 cây mai anh đào và phượng tím tôn tạo cảnh quan khu tưởng niệm.

Từ 20 năm qua, nhà bia tưởng niệm 130 liệt sĩ trên đồi Công Sự không chỉ là nơi trở về tưởng nhớ đồng đội, mà còn là nơi về nguồn của nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn hai phường hướng Đông Bắc. Nhà bia không chỉ là minh chứng cho sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng mà còn thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của lớp lớp thế hệ với các cha, anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đứng trước những dòng tên, đọc hai câu thơ in trên nhà bia: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa nguyên khí quốc gia” (Trần Thế Tuyển), khiến các thế hệ hôm nay rưng rưng xúc động và biết ơn.