Ấn tượng Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đức Trọng

NHẬT MINH 06:28, 11/06/2024

UBND huyện Đức Trọng vừa tổ chức “Ngày hội Văn hóa các dân tộc” và Phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” tại làng nghề dệt truyền thống thôn K’Long, xã Hiệp An. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Tuần lễ Vàng Du lịch tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3 năm nay.

Các nghệ nhân biểu diễn tại Ngày hội
Các nghệ nhân biểu diễn tại Ngày hội

Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc lần này, có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, diễn viên đến từ các 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong chương trình, các nghệ nhân, diễn viên đã tham gia hội thi ẩm thực dân gian, trình diễn trang phục truyền thống. Đi kèm với trang phục là những vũ điệu xoang, diễn xướng cồng chiêng, dân ca, dân vũ… Đặc biệt, trong không gian ngày hội còn có những gian hàng trưng bày những sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc K’Ho, thôn K’Long, xã Hiệp An. Những năm qua, việc duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn xã Hiệp An luôn được lãnh đạo xã, huyện và linh mục tại nhà dòng Don Bosco K’Long rất quan tâm, coi trọng và xem như một việc làm không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống cư dân bản địa mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn. 

Cũng trong khuôn khổ của Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đức Trọng, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn K’Long, xã Hiệp An đã vinh dự nhận Bằng công nhận Làng nghề truyền thống do UBND tỉnh trao tặng. Cũng tại ngày hội, người dân và du khách còn được tham quan các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP. “Tôi thật sự rất vui khi được tham gia Ngày hội lần này, vì qua đó, tôi đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ nhân trên địa bàn huyện” - nghệ nhân Ma Tuyết đến từ xã Tà Hine, cho biết.

Trong số 21 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Đức Trọng, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng, tạo nên những giá trị văn hoá vừa đặc biệt, vừa rất riêng, nhưng lại có những nét giao thoa, tạo nên những giá trị đặc biệt của vùng đất này. 

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đức Trọng đã tích cực triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đến nay, huyện Đức Trọng còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, văn hoá cồng chiêng và nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng khác.

Ngày hội là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự chung tay của toàn thể Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Phát biểu tại ngày hội, đồng chí Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, nhấn mạnh: Bên cạnh những bản sắc văn hoá của các dân tộc, huyện Đức Trọng còn có nhiều cảnh quan đẹp như: Thác Pongour, thác Bảo Đại, thác Liên Khương, thác Gougah cùng các công trình: hồ sinh thái Nam Sơn, Thủy điện Đại Ninh, làng Gà Đarahoa, cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng, Núi Voi - làng Gà, làng chùa Đại Ninh, làng nghề dệt thổ cẩm thôn K’ Long và nhiều điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP. Cùng với đó, còn có nhiều nhà hàng, quán ăn; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phong phú; đây là tiềm năng để huyện Đức Trọng phát triển du lịch. Khách du lịch đến với Đức Trọng nói riêng, Lâm Đồng nói chung, ngoài tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm tham quan, sẽ hòa mình vào không gian văn hoá độc đáo của các dân tộc, tìm hiểu các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, từ việc sinh hoạt hằng ngày, thưởng thức ẩm thực; đặc biệt là các vũ điệu múa xoang, cồng chiêng, làn điệu dân ca, chắc chắn sẽ mang đến những ấn tượng độc đáo, khó quên với mỗi du khách khi có dịp đến với Đức Trọng nói riêng và Lâm Đồng nói chung.

Cũng tại ngày hội, huyện Đức Trọng đã phát động động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”. “Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" là hoạt động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững, với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện". Tham gia hưởng ứng chương trình này, tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện cần tăng cường phối hợp, liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu du lịch; khuyến mại, giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng” - đồng chí Lê Nguyên Hoàng, nói thêm.