Tháng Bảy, khi mùa hạ đã bắt đầu cạn dần, khi những cơn mưa đầu mùa đến rồi đi bất chợt thì cũng là lúc lòng ta lắng động bồi hồi nhớ về tháng tri ân. Tháng Bảy về, có những khoảng lặng không thể nào quên đối với những ai là người Việt Nam đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hình chữ S. Tháng Bảy, ta bâng khuâng, dành một khoảng lặng để tưởng nhớ công ơn của những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng Bảy, có một ngày không thể nào quên. Tháng Bảy có một ngày mà ta nhớ hơn cả chữ nhớ đó chính là Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tháng Bảy - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ |
Nhà tôi ở gần lắm dòng sông Thạch Hãn và Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị. Tháng Bảy, 2 di tích này đông khách đến lạ thường. Từng đoàn người hành hương đổ về Quảng Trị, họ lặng người thắp những nén nhang để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc. 48 năm trôi qua kể từ ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất, non sông liền một dải, vết thương của chiến tranh dần được chữa lành nhưng ký ức của những ngày “rủ bùn đứng dậy” vẫn còn đó. Dưới sức nặng của thời gian, hầu như mọi thứ đều bị xóa nhòa. Vậy nhưng, lòng biết ơn, công lao to lớn, sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của dân tộc vẫn còn tươi nguyên giá trị. Thân xác của các anh ngã xuống, ký gửi vào lòng đất mẹ để đổi lấy hòa bình, hạnh phúc cho hàng triệu người. Trong chuyến về quê thăm lại Thành cổ Quảng Trị, tôi gặp một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, chứng kiến những việc ông làm mà nhiều du khách và bản thân tôi cảm thấy ấm lòng. Ông bảo, những dịp lễ, tết, ngày rằm, đặc biệt là vào tháng Bảy ông đều đến thắp hương và mang chút lễ mọn kính dâng lên để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại tượng đài Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị. Chút lễ mọn, nén hương cuối ngày thắp vội ở Thành cổ của người cựu chiến binh năm xưa là cả tấm lòng, là sự kính cẩn vô hạn, niềm tiếc thương của người còn sống dành cho người đã mãi mãi nằm xuống tại mảnh đất anh hùng. Đó là những đồng đội của ông đã hy sinh ở mảnh đất này trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ông vẫn mãi nhớ về đồng đội của mình, ký ức về những ngày ở chiến hào, cùng vượt một dòng sông, cùng chia nhau từng ngụm nước... tất cả như còn đọng lại, hiện về và đó chính là kỷ niệm mà ông không bao giờ quên. Ông nói mà nước mắt lại rưng rưng trên đôi gò má.
Tôi chưa kịp hỏi nhiều về người cựu binh của Thành cổ Quảng Trị năm xưa khi hoàng hôn đã buông xuống một cách vội vã trên mảnh đất thiêng này. Vậy nhưng hình ảnh của người cựu chiến binh ấy khiến tôi nhớ mãi không nguôi.
Tháng Bảy không chỉ có những cựu chiến binh mà còn có các đoàn khách hành hương đến với mảnh đất Quảng Trị. Nếu như du khách đến với Đà Nẵng, Huế hay Quảng Bình là để khám phá những danh thắng nổi tiếng của đất nước thì khi về với Quảng Trị họ sẽ lắng lòng để nghe “những buổi ngày xưa vọng nói về”. Đến với Quảng Trị vào những ngày tháng Bảy, du khách không thể không đến những địa điểm về nguồn nổi tiếng như Thành cổ Quảng Trị, thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải; đến với Nghĩa trang Quốc gia Đường 9; Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để thắp nén tâm nhang và tri ân công lao của hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã vĩnh viễn "ra đi từ đó không về". Quảng Trị, nơi đã có hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống để giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Họ đã bỏ lại tuổi xuân, khát vọng cuộc đời, tình yêu của tuổi trẻ để đổi lấy hòa bình cho đất nước, cho non sông. Đó là bức thư còn dang dở của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi cho mẹ, cho người vợ mới cưới của mình bằng những từ ngữ quá đổi yêu thương. Đó là những dự cảm chính xác đến lạ kỳ, là thái độ bình thản và dường như người chiến sĩ ấy biết trước cái chết của mình trước lúc đưa hàng hóa qua sông Thạch Hãn.
Tháng Bảy - mùa tri ân diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Tháng Bảy được cảm nhận như một khúc tráng ca hào hùng và rất đỗi thiêng liêng. Là sự thành kính tri ân đối với người đã khuất, là sự biết ơn vô hạn đối với những thương binh - liệt sĩ, những người đã đổ máu xương để đổi lấy hòa bình, tự do cho dân tộc. Sự hy sinh của các anh mãi mãi được hậu thế khắc ghi, như bản hùng ca bất tử, như Màu hoa đỏ trước hoàng hôn với “Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hoa bóng cây che”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin