Xóm làng đón tết

05:12, 26/12/2019

Khi trời hửng nắng hồng hào, khi những con đường đất ứ nước đã khô ráo thì xóm làng bắt đầu lao xao, chộn rộn. Và khi biết tết đang ở rất gần thì cả xóm, ai nấy đều ở trong tâm thế háo hức, mọi thứ sẽ được chuẩn bị tinh tươm, đẹp đẽ hết mức có thể để nghinh đón... mùa xuân.

Khi trời hửng nắng hồng hào, khi những con đường đất ứ nước đã khô ráo thì xóm làng bắt đầu lao xao, chộn rộn. Và khi biết tết đang ở rất gần thì cả xóm, ai nấy đều ở trong tâm thế háo hức, mọi thứ sẽ được chuẩn bị tinh tươm, đẹp đẽ hết mức có thể để nghinh đón... mùa xuân.
 
Đường quê chờ đón xuân về. Ảnh: Đỗ Thành Công
Đường quê chờ đón xuân về. Ảnh: Đỗ Thành Công
 
Những vườn rau vươn cao, xanh mướt để bắt nắng. Chừng nửa tháng Chạp thì xóm làng dậy mùi tết. Lò bánh tráng thơm phức mùi những chiếc bánh trắng đục, nóng hổi mới ra lò. Bên lò cốm, sau những tiếng nổ “bùm, bùm” thì những hạt nếp phồng to, thơm lựng bung xòe trong chiếc túi “khổng lồ”. Đó chính là thời điểm trống ngực cô bé tôi cũng đập thình thịch. Bồi hồi, chờ đợi. Và buổi chiều, khi có tiếng bác trưởng thôn gọi sáng mai mỗi nhà cử một người tham gia lao động cuối năm thì tôi hoàn toàn tin, tết đã chính thức về bên rìa xóm, chỉ rình đường làng, ngõ xóm sạch đẹp để bất ngờ ùa vào mọi ngõ, đậu lung linh trước cửa nhà.
 
Sáng hôm đó quả là một ngày đặc biệt, mấy bác, mấy chú gọi là ngày “tổng vệ sinh thôn xóm”. Mỗi nhà cử một người đi lao động, chỉ thông báo có vậy, giả như nhà nào không có người đi thì cũng không có bất kì sự kiểm điểm, phê bình, cưỡng chế, trách phạt gì. Nhưng thật lạ, cuối năm bận rộn tối mặt chuyện đồng chuyện nhà nhưng ngày hôm đó không cần điểm diện cũng biết đầy đủ, không trai gái thì già trẻ, tuổi nào việc nấy. Như nhà tôi, nếu không điều động được anh Năm đi rong rào, chặt cây, cuốc cỏ thì mẹ cắt tôi cầm chổi mang thúng đi, và dặn phải chí thú làm, đừng có nghễnh ngãng.
 
Quả là một buổi lao động tự nguyện siêu hiệu quả. “Đội quân tổng lao động” rất khí thế. Đường làng, ngõ xóm trở thành nhiệm vụ chung. Ai cũng nhiệt tình làm. Đi đến đâu, rộn ràng, huyên náo đến đó. Những cây cao, che khuất tầm nhìn được đốn ngã, những hàng rào xiêu vẹo được đỡ lên chắc chắn, những ổ gà, ổ voi được san lấp, cào bằng và cỏ hai bên đường được giẫy sạch. Chặt, phát, giẫy, quét - nói chung, nơi “đội quân tổng lao động” đi qua, mọi con đường đều trở nên chỉnh tề, sạch đẹp. Tôi cứ đi qua rồi ngoái đầu nhìn lại sau lưng, cảm giác tết đang rón rén đi sau lưng mình. Nói tới đây bỗng thấy lòng ấm áp, cảm giác hân hoan, hạnh phúc khi nhớ lại những buổi lao động ngày đó, không chỉ những đường lớn, ngay cả những hẻm nhỏ, nơi dù chỉ có một ngôi nhà (đường riêng) nhưng nếu đó là ngôi nhà neo đơn thì mọi người sẽ xông vào làm, y như nhiệm vụ đương nhiên. Và cô bé tôi còn xung phong cầm chổi vào tận nhà quét vườn, quét con đường trước ngõ nhà nếu được gia chủ đồng ý.
 
Và chiều hôm đó, tan học về, tôi sẽ bỏ em gái ngồi phía sau, đạp xe chạy một vòng khắp xóm. Thiệt là hay, những con đường cũ như được mặc bộ áo mới sạch như lau, như gã người rừng râu tóc lồm xồm được cắt tỉa, sửa sang - tóm lại những ngày cuối tháng Chạp nhìn đâu cũng thấy mới mẻ, nghe đâu cũng thấy thơm tho.
 
       ***
 
Bây giờ đổi khác, thời đại công nghiệp, ra chợ có đủ đầy bánh mứt cho mâm cỗ tết nên cuối năm, đường bê tông sạch đẹp... nên đã ít hơn mùi tết như ngày xưa nữa. 
 
Nhưng tôi, năm nào cũng vậy, khi thấy nắng ửng hồng lên cao, khi thấy khắp nơi lao xao không khí tết lại thấy nhớ những cái tết ngày xưa, tôi lại thấy mình lăng xăng cầm chổi quét đường làng ngõ xóm, rạo rực chờ... xuân.
 
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN