Chữ Nôm hội nhập với các văn tự thế giới

05:02, 10/02/2020

Hán Nôm là một ngành khoa học chỉ có ở Việt Nam gắn liền với Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), một đơn vị có chuyên môn "cổ học"...
 

Hán Nôm là một ngành khoa học chỉ có ở Việt Nam gắn liền với Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN), một đơn vị có chuyên môn “cổ học”. Viện đã chủ động triển khai hợp tác quốc tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp bối cảnh mới.
 
Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm hiểu tư liệu Hán Nôm của Việt Nam tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp).
Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm tìm hiểu tư liệu Hán Nôm của Việt Nam tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp).
 
Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã coi ứng dụng công nghệ thông tin là thế mạnh để vẽ phông (font) chữ cho gần 10 nghìn chữ Nôm và đưa vào bảng mã quốc tế (Unicode) để chữ Nôm của Việt Nam hội nhập với các văn tự thế giới, dễ dàng soạn thảo điện tử. Từ năm 1998, VNCHN đã triển khai kế hoạch số hóa tài liệu, lưu trữ và chuẩn bị phục vụ thư viện điện tử. Đến năm 2016, đã số hóa được khoảng 800 nghìn trang. Riêng trong hai năm 2017 và 2018, viện được đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị hiện đại, số hóa được gần 1,6 triệu trang, tăng gấp hai lần sản phẩm của 20 năm trước, đạt hơn một nửa tổng số trang tài liệu cổ được lưu trữ. Thời gian tới, viện sẽ đẩy mạnh phát triển theo xu hướng nhân văn số, bao gồm: Số hóa toàn bộ tài liệu; áp dụng công nghệ nhận diện văn tự tự động với tài liệu Hán Nôm đã được số hóa để tạo thành cơ sở dữ liệu chữ Hán, chữ Nôm có thể tìm kiếm ở dạng điện tử, đẩy nhanh khả năng tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu cho các nhà nghiên cứu; lập bản đồ di tích trực tuyến theo hình thức tương tác với độc giả; tập trung các bảng biên mục tài liệu Hán Nôm trong và ngoài nước vào một phông chữ tra cứu trực tuyến được tích hợp trên mạng chính thức, giúp độc giả tra cứu một cách thuận tiện.
 
Thế giới đã và đang nỗ lực số hóa để cung cấp rộng rãi và miễn phí rất nhiều tư liệu cổ, thể hiện tầm nhìn chiến lược và viễn kiến học thuật, tạo điều kiện cho việc liên kết và đối thoại học thuật ở bình diện liên quốc gia, việc giữ “khư khư” tài liệu cho riêng mình không còn phù hợp. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động tin học hóa ở VNCHN đã thể hiện sự bắt nhịp với thế giới ở phương diện này. Thí dụ, VNCHN đã phối hợp trung tâm nghiên cứu của các nước và vùng lãnh thổ: Pháp, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để xuất bản các bộ tùng thư đồ sộ, bao gồm: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm (22 tập, 2005 - 2009), Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (thơ văn đi sứ Trung Quốc, 25 tập, 2010, in tại Thượng Hải), Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành (20 tập, 2011, in tại Thượng Hải). Đây là các bộ sách xuất bản nguyên bản tài liệu Hán Nôm của người xưa để lại, có tính công bố tư liệu, tạo được tiếng vang trong giới học thuật trong nước và quốc tế. Đáng mừng, các công trình nghiên cứu trên đi sâu nghiên cứu về tư liệu, xuất bản bằng ngoại ngữ.
 
Cùng với đó, là sự đầu tư chuyên sâu trong nghiên cứu, nhiều công bố quốc tế như bài báo ISI/Scopus, bài tạp chí, bài kỷ yếu, chương sách ở nước ngoài và tổ chức các sự kiện học thuật góp phần phát triển ngành học cổ điển Hán Nôm. Theo đó, đã xuất bản được một số tạp chí chuyên đề về chữ Hán ở Hàn Quốc (Tạp chí Hán tự nghiên cứu, chín bài tiếng Trung, 2016); một số chuyên đề về văn hiến Hán Nôm ở Hàn Quốc (Tạp chí Nghiên cứu văn hiến Đông Á, năm bài tiếng Trung, 2017); đặc biệt là có chùm ba bài về văn tự học xuất bản bằng tiếng Anh trên Tạp chí Journal of Chinese Writing Systems (2019) ở Anh quốc, đạt thứ hạng Scopus. Viện phối hợp với đối tác Trung Quốc để tổ chức các hội thảo với chủ đề về từ điển cổ Hán Nôm và văn tự Hán Nôm ở Hàng Châu và Trịnh Châu, sau đó xuất bản được hai quyển sách có giá trị tại Bắc Kinh (2017, 2019).
 
Đến nay, viện là thành viên đối tác chính của dự án về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam do GS, TS P.Pa-pin chủ trì. Khoản tài trợ của Dự án cho viện tương đương hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, mang lại điều kiện làm việc và cơ hội công bố cho ngành nghiên cứu văn bia ở VNCHN nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra, hiện nay, cán bộ của viện đang chủ trì bảy đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, sản phẩm đầu ra của mỗi đề tài sẽ là khoảng từ một đến ba bài tạp chí quốc tế thứ hạng cao, đây cũng là nguồn bổ sung công bố quốc tế cho VNCHN.
 
Với nỗ lực chung, VNCHN đang thực hiện tốt sứ mệnh trở thành nhịp cầu trung chuyển giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc, đồng thời bắt rễ từ văn hóa truyền thống của dân tộc để tiến nhanh và vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế về học thuật.
 
(Theo nhandan.com.vn)