Ba công trình mới nghiên cứu về văn học và văn hóa dân gian đáng quan tâm

02:03, 01/03/2020

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2009 - 2019), quý IV năm 2019, Chi hội Văn học dân gian (VHDG) Lâm Đồng đã xuất bản 3 tác phẩm - công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian (NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành) rất đáng quan tâm...

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập (2009 - 2019), quý IV năm 2019, Chi hội Văn học dân gian (VHDG) Lâm Đồng đã xuất bản 3 tác phẩm - công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian (NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành) rất đáng quan tâm. Đó là: "Nghiên cứu văn học và văn hóa theo loại hình" (TS. Lê Hồng Phong chủ biên) là công trình nghiên cứu của tập thể Chi hội và sách của hai hội viên - giảng viên Đại học Đà Lạt: "Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo hướng tiếp cận đa ngành" (Nguyễn Cảnh Chương), "Tín ngưỡng và lễ hội của dân tộc M'Nông (Võ Thị Thùy Dung). 
 
Ba tác phẩm - công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian do NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành
Ba tác phẩm - công trình nghiên cứu về văn học, văn hóa dân gian do NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh ấn hành
 
Trao đổi với TS Lê Hồng Phong - Chi hội trưởng Chi hội VHDG Lâm Đồng, ông cởi mở tâm sự: Từ năm 2009 trở về trước, trên địa bàn Lâm Đồng đã có một số hội viên Hội VHDG Việt Nam hoạt động độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội VHDG Việt Nam, một số hội viên khác sinh hoạt ghép trong các chi hội trực thuộc Hội VHNT Lâm Đồng, chưa có một tổ chức cơ sở để tập hợp hội viên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc ở địa phương. Ngày 7/12/2004, tại Trường Đại học Đà Lạt, GS Trần Quốc Vượng - Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội VHDG Việt Nam đã xúc tiến chỉ định Ban Vận động thành lập Chi hội. Ngày 10/10/2009, Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng ra quyết định thành lập Chi hội VHDG Lâm Đồng gồm 15 hội viên do ông Lê Hồng Phong là Chi hội trưởng. Chi hội VHDG Lâm Đồng hiện có 21 hội viên, trong đó có 12 hội viên Hội VHDG Việt Nam. Từ ngày thành lập, các hội viên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và công tác trong xây dựng Chi hội và các lĩnh vực chuyên môn. Chi hội có 1 PGS.TS, 9 TS, 5 ThS - NCS, còn lại là thạc sĩ và cử nhân. Sản phẩm sáng tạo của hội viên chủ yếu là các đề tài khoa học các cấp, các luận văn, luận án liên quan đến văn hóa dân gian, các bài viết mang tính học thuật được công bố trên các tạp chí khoa học của các viện nghiên cứu và các trường đại học, các công trình sưu tầm và nghiên cứu được xuất bản theo dạng sách riêng, sách chung. Do có những đóng góp trong sưu tầm, nghiên cứu giảng dạy và công bố về văn hóa, văn nghệ dân gian, tập thể Chi hội VHDG Lâm Đồng đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vào các năm 2012, 2017 và 2019. Công trình tập thể "So sánh Folklore" được Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao tặng Giải B vào năm 2012. 
 
TS Lê Hồng Phong - Chi hội trưởng Chi hội VHDG Lâm Đồng, chia sẻ: Sau cuốn "So sánh Folklore" (NXB Thanh Niên, 2012) và "Nghiên cứu Folklore theo hướng tiếp cận liên ngành" (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015), "Nghiên cứu văn học và văn hóa theo loại hình" vừa ra mắt độc giả là công trình thứ ba được tuyển chọn, biên tập. Sách dày 506 trang, khổ 16 x 24 cm. Sách tập trung 3 chủ đề chính: Về loại hình văn hóa, sách đề cập đến tín ngưỡng và phong tục truyền thống của một số dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á, nhấn mạnh Tây Nguyên, tập trung vào các dân tộc cư trú tại Lâm Đồng; tìm hiểu tín ngưỡng và phong tục trong đời sống hoặc trong truyện kể dân gian; có thêm các bài viết về tín ngưỡng, nhà cửa và phong cách con người trong xã hội đương đại. Về loại hình văn học dân gian, ngoài bài viết khái quát chung về sự vận động của các thể loại văn học dân gian, sự phát triển không đều, sự giao lưu về thể loại và sự tồn tại song song của hai loại hình văn học trong thời đương đại, là các bài viết về các thể loại hay tiểu loại như sử thi, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện trạng, truyện hài - ngụ ngôn, ca dao... Về loại hình văn học viết, bài viết về khuynh hướng, trào lưu và trường phái từ góc nhìn loại hình học mang tính lý thuyết và có những gợi ý về phương pháp nghiên cứu. Sau các bài về văn học dân gian là các bài về văn học trung đại, hiện đại và đương đại. Đó là các bài về tiểu thuyết sử thi và tiểu thuyết lịch sử; về truyện ngắn và thi pháp truyện ngắn từ cái nhìn so sánh, truyện ngắn Lâm Đồng và truyện ngắn Việt Nam hải ngoại... Ngoài ra, công trình còn có các bài về thể thơ lục bát; truyện thơ Nôm khuyết danh và truyện thơ Nôm bác học như sự kế thừa, giao thoa và tương tác giữa hai dòng văn học, cũng là hai loại hình nghệ thuật ngôn từ; về mối quan hệ giữa văn học và báo chí; về các chương trình phát thanh - truyền hình chuyên biệt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. 
 
Tác giả cuốn sách là các tiến sĩ, thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh, là hội viên hoặc cộng tác viên của Chi hội VHDG Lâm Đồng. Từ góc độ tộc người - đối tượng nghiên cứu, cuốn sách tuyển chọn các bài viết về các dân tộc gốc Tây Nguyên như Mạ, K'Ho, Churu, Xơ Đăng, M'Nông, Chăm, Raglai,... Nếu tính chi tiết thì còn có các dân tộc thiểu số khác trong từng phần của các bài viết, tất nhiên là có cả người Kinh (Việt), Mường, Thái, Tày, Nùng, cả người Lào, Nhật, Hàn Quốc và một số dân tộc khác trong khu vực. Từ cái nhìn vùng - thể loại, nổi bật nhất là các thể loại văn học dân gian Tây Nguyên và các thể loại văn học viết của Việt Nam; có một số trường hợp mở rộng hơn, đến văn học, văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á, trong tương quan ít nhiều với văn học, văn hóa Việt Nam. 
 
Điểm qua nội dung "Nghiên cứu văn học và văn hóa theo loại hình" thấy có 35 bài nghiên cứu; trong đó, có nhiều vấn đề đáng quan tâm như: Về sự vận động của văn học dân gian (TS.Lê Hồng Phong), Yal yao Blom kòn Yồi của người K'Ho ở Lâm Đồng (Ngọc Lý Hiển), Thủ pháp nghệ thuật và ngôn ngữ sử thi M'Nông (Võ Thị Thùy Dung), Vài nét về tín ngưỡng, tôn giáo của người Cil (Chil) ở Lâm Đồng (Mai Minh Nhật), Tác phẩm Thạch Sanh từ truyện kể đến truyện thơ (Nguyễn Cảnh Chương), Thủ pháp nghệ thuật của truyện cười Nhật Bản (Lê Thị Quỳnh Hảo), Một số đặc điểm của truyện ngắn Lâm Đồng (Hà Thị Dịu), Hai hình thức hầu đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu ở Lâm Đồng (Bùi Thị Thoa), Văn hóa ứng xử của người Đà Lạt (Lê Thị Nhuấn)... 
 
Cùng với công trình nghiên cứu trên, cuốn "Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo hướng tiếp cận đa ngành" của Nguyễn Cảnh Chương là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Từ đánh giá thực trạng nghiên cứu nói chung, nghiên cứu tiếp cận theo hướng liên ngành nói riêng trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, đi đến phân tích những điểm mạnh, những hạn chế, bất cập của các phương pháp, thành tựu ở một số công trình nghiên cứu liên ngành tiêu biểu. Thông qua kết quả nghiên cứu góp phần khẳng định tính khả thi của nghiên cứu liên quan trong nghiên cứu văn học trung đại nói chung, văn học Việt Nam nói riêng... 
 
Theo tác giả Nguyễn Cảnh Chương: Hiện nay, nghiên cứu khoa học liên ngành đã trở thành một khái niệm phổ biến, xuất phát từ thực tế ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề mới có mức độ phức tạp cao, đòi hỏi kiến thức của nhiều ngành mới có thể giải quyết. Bên cạnh đó, xét về bản chất, nhiều ngành khoa học lớn đã là liên ngành hoặc đa ngành, như văn hóa học tự bản thân đã là một liên ngành; văn học sử đã là sự kết hợp giữa văn học và lịch sử... Ngoài ra, chúng ta cũng nhận thấy rằng, ngày nay, hầu hết các môn khoa học đều đã phát triển xa tới mức, chỉ kiến thức trong một chuyên ngành hẹp của một môn khoa học cũng đã rất lớn, "phức tạp" như liên ngành, đòi hỏi một nhà nghiên cứu phải mất nhiều thời gian mới có thể nắm vững được để có thể thoải mái làm việc và sáng tạo.
 
"Tín ngưỡng và lễ hội của dân tộc M’Nông" của Võ Thị Thùy Dung là công trình chuyên khảo nhằm làm rõ những đặc điểm của tín ngưỡng và lễ hội từ truyền thống đến hiện đại. Trên cơ sở đó, tìm hiểu mối quan hệ, cấu trúc, giá trị của tín ngưỡng và lễ hội trong đời sống văn hóa cư dân M’Nông; đồng thời, nghiên cứu sự biến đổi của nó trong thời đại mới là việc làm có ý nghĩa về mặt lý luận. Dựa trên cơ sở những nội dung đã được nghiên cứu, tác giả đề xuất một số định hướng cơ bản cũng như giải pháp phục vụ công tác bảo tồn văn hóa tinh thần, trong đó có tín ngưỡng và lễ hội của dân tộc M’Nông. Về định hướng, chú trọng ba nhóm giải pháp chung về kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm giúp bảo tồn các yếu tố tích cực và loại bỏ các yếu tố tiêu cực trong tín ngưỡng, lễ hội. Theo tác giả, làm được như vậy, những giải pháp đưa ra mới có thể đem lại giá trị thực tiễn lâu dài đối với dân tộc M’Nông nói riêng và các dân tộc gốc Tây Nguyên nói chung. 
 
     ĐAN THANH