Trên văn đàn Việt Nam, hình tượng người lính được khắc đậm khá rõ nét qua tiểu thuyết "Dấu chân người lính" của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu...
|
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép: Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch. Ảnh: N.Ngà |
Trên văn đàn Việt Nam, hình tượng người lính được khắc đậm khá rõ nét qua tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu. Một nét nhấn, nét khắc rất cụ thể mà mang tính khái quát cao ấn tượng và sâu sắc. Tôi muốn đậm tô hơn là bước chân người lính - Bước chân của khúc quân hành người chiến sĩ: “Đời mình là một khúc quân hành - Đời mình là bài ca chiến sĩ...” và khúc quân hành ấy: “Mãi mãi lòng chúng ta - Ca bài ca người lính - Mãi mãi lòng chúng ta - Vẫn hát khúc quân hành ca”. Bước chân người lính đó đi qua bao cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chống giặc thiên tai khắc nghiệt và chống giặc dịch bệnh hiểm nguy. Bước chân người lính đó trèo non, vượt biển bấm chí băng lên không ngại hy sinh gian khó. Bước chân người lính đó đạp xuống đầu thù với một khí thế xung phong quả cảm. Và trong đội hình duyệt binh chiến thắng, những bước chân rập bước ca vang với những khối hàng quân mạnh mẽ, đẹp đẽ, khỏe khoắn biểu trưng cho sức mạnh tiềm tàng với những nội lực trầm tích bao chiến công oanh liệt. Đó là bước chân người lính Cụ Hồ với hình ảnh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ra trận. Ta lại nhớ về Bác - Vị tư lệnh tối cao đã từng “Chống gậy lên non xem trận địa” trên sườn núi năm nào, quần xắn cao với chiếc ống nhòm quan sát. Ta lại nhớ bước chân Người tuy tuổi đã cao vẫn đội mũ sắt ra trận địa pháo phòng không thăm, động viên chiến sĩ. Và trong đoàn quân vào giải phóng Thủ đô năm 1954 hay Đại thắng mùa Xuân năm 1975 vẫn có hình ảnh Bác “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Từ bước chân người lính ta lại nhớ bước chân người mẹ “Việt Nam anh hùng” không quản 5 nắng 10 mưa như cánh cò trên đồng ruộng, chắt chiu từng hạt thóc, hạt gạo nuôi con ra trận. Người lính bắt đầu lớn lên trong những bước đi chập chững của ca dao, dân ca, trong lời ru mẹ hát để hun đúc cho mình ý chí lập công đền đáp. Một bước chân Thánh Gióng vụt đứng lên vươn vai thần kì đánh thắng giặc Ân. Những bước chân của những đoàn xe thồ gạo, kéo pháo lên Điện Biên đánh giặc. Những bước chân hành quân thần tốc “Cành ngụy trang mang gió thổi 3 miền” trong thơ Hữu Thỉnh. Bước chân bấm xuống phù sa đồng bằng, bước chân in lên đỉnh đèo mây gió, bước chân ấn sâu vào lòng cát đảo ngoài biển khơi xa. Tất cả đã làm nên bao huyền thoại tiếp nối bao thế hệ: “Lớp cha trước, lớp con sau - Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).
Người lính Việt Nam, người lính Cụ Hồ với hành trang trong điệp khúc quân hành thật giản dị. Đó là màu xanh áo lính, xanh như cây lá rừng nhiệt đới Việt Nam, xanh như cây vườn quê nhà. Màu xanh bền bỉ đó tô đậm thêm qua nắng mưa bão gió không phai nhạt vẫn ngời ngời xanh, tươi thắm xanh, đằm thắm xanh. Một màu xanh tin cậy yêu thương, một màu xanh da diết không sờn lòng. Màu xanh quân phục điệp trùng với bước chân người lính đi đến đâu cũng được vòng tay mến yêu của Nhân dân mở ra rộng đón. Đó như là một căn cước của niềm tin: màu xanh bảo vệ màu xanh, màu xanh nhân lên màu xanh - Màu xanh của tự do, hòa bình, màu xanh của sự sống, của hy vọng cũng như bước chân người lính cùng đồng hành, cùng đồng vọng cùng thẳng tiến. Người lính từ binh nhì cho đến cấp tướng cũng một màu xanh ấy, cũng chiếc ba lô ấy và cùng một chiều kích của lý tưởng cao đẹp của một quân đội “Từ Nhân dân mà ra - Vì Nhân dân mà chiến đấu”. Vẻ đẹp ấy đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật khắc họa rõ nét trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính”: “Không có kính rồi không có đèn - Không có mui xe, thùng xe có xước - Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước - Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Vẻ đẹp lạc quan cách mạng của người lính hôm nay mang hùng khí của những người lính năm xưa trong những đoàn quân người nông dân áo vải hành binh thần tốc của vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Những cỗ xe tăng hiện đại ngày nay còn mang âm hưởng khí thế hào hùng của những thớt voi chiến hiên ngang trong mịt mù khói lửa năm xưa. Vẫn vẹn nguyên tâm hồn hào hoa, thuần phác của người lính thuần Việt. Bước chân người lính đã được định vị từ sức mạnh bệ phóng của lòng đất mẹ của một tư thế: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Nhớ sao cách đây 77 năm tại cánh rừng mang tên vị tướng lĩnh Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, 34 chiến sĩ trong Đội Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập là tiền thân của quân đội ta ngày nay với vũ khí thô sơ, quân trang giản dị, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đầu bằng chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần. Những bước chân người lính ban đầu đó được tập hợp thành đội ngũ, đội hình lớn lao làm nòng cốt cho đoàn quân giải phóng tổng khởi nghĩa tháng 8 thành công. Rồi anh vệ quốc đoàn áo trấn thủ đơn sơ, mũ nan trong kháng chiến chống Pháp. Anh giải phóng quân vành mũ tai bèo trong kháng chiến chống Mỹ và người chiến sĩ mũ sắt trong các binh chủng hiện đại ngày nay. Từ những én bạc trên không đến những tàu ngầm dưới biển tất cả đều in dấu bước chân người lính với đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ “Bác đi từ thuở chiến khu Bác về” (Văn An - “Đôi dép Bác Hồ”). Vẫn còn in cùng bước chân là dấu gậy Trường Sơn, dấu gậy tre ngà Thánh Gióng. Bước chân người lính chính là điệp khúc hành quân như nhà thơ Nam Hà đã từng hào sảng ngợi ca: “Đường dài đi dọc Trường Sơn - Nghe vọng bài ca đất nước - Đất nước bốn ngàn năm không nghỉ - Những đạo quân song song cùng lịch sử - Đi suốt thời gian, đi suốt không gian - Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang” để vang mãi bài ca khúc quân hành: “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!”.
Bảy mươi bảy năm đã trôi qua từ ngày thành lập quân đội ta, bước chân người lính đã lập nên những chiến công vang dội: Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; Chiến dịch Khe Sanh, đường Chín, Nam Lào, thành cổ Quảng Trị; Mười hai ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân 1975. Hòa bình lập lại không lâu người lính lại ra trận với Chiến dịch biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc đất nước. Bao người con thân yêu lại ngã xuống. Và hiện nay trên biên cương Tổ quốc hay đảo khơi xa, những chiến sỹ như những cột mốc ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Hình ảnh của người lính còn hiện lên với một vẻ đẹp kiên cường, thủy chung son sắt trong những cuộc chiến chống bão lũ thiên nhiên khắc nghiệt tràn lên đất nước ta mà có nhà thơ đã ví đó là: “Con đê trên bán đảo”. Các anh đã không quản bơi trong giá rét, lấy thân mình làm tấm phao cứu sinh vật lộn với dòng nước chảy xiết để cứu người, có khi hy sinh cả thân mình. Và đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 gần đây, người lính với những bước chân quen thuộc thân thiện đã đến từng nhà, từng ngõ, ân cần tình nguyện làm người chuyển hàng tiếp tế, hay chuyển tiếp bệnh nhân đến bệnh viện, không sợ cái chết vô hình đang rập rình vây bủa xung quanh. Có người đã ví “Thiên thần áo trắng” dành cho lực lượng ngành y thì với người lính là “Siêu nhân áo xanh”. Chẳng có gì to tát lớn lao đâu, tất cả đều bình dị thường ngày, ân tình và chu đáo thường ngày, và vẻ đẹp siêu nhân có lẽ bắt đầu từ tâm hồn, tình cảm, ý chí và lý tưởng cánh mạng trong sáng của người lính. Vâng, thật trong sáng, tỏa sáng và rạng sáng. Một sức hào quang cuốn hút lớn lao, truyền cảm lớn lao và cộng hưởng lớn lao. Đó là niềm tin, sự trao gửi như là một điểm tựa tinh thần tin cậy vào người lính đã được hun đúc, đã được luyện rèn qua hàng chục năm và xa hơn nữa là hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước từ mạch nguồn truyền thống lịch sử ngày càng nhân lên gấp bội. Điệp khúc quân hành: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành - Khó khăn nào cũng vượt qua - Kẻ thù nào cũng đánh thắng” vẫn đồng hành ca vang dưới lá cờ “quyết chiến quyết thắng” tung bay, bởi bước chân người lính vẫn tiếp tục hành quân trường kỳ không nghỉ...
Tùy bút:
HÀ HUY