Từ Tây Tiến đến Tây Nguyên

04:12, 23/12/2021

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11/10/1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm nay, nhà thơ Quang Dũng vừa tròn 100 tuổi (1921-2021). 

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh ngày 11/10/1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm nay, nhà thơ Quang Dũng vừa tròn 100 tuổi (1921-2021). 
 
Nhà thơ Quang Dũng (bìa trái) và con gái Bùi Phương Hạ (bìa phải). Ảnh chụp tại Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng) năm 1983.
Nhà thơ Quang Dũng (bìa trái) và con gái Bùi Phương Hạ (bìa phải). Ảnh chụp tại Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng) năm 1983.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, nhiều văn nghệ sĩ thời đó đã lên đường. Thế hệ viết văn, làm thơ nổi tiếng như Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm... đã có mặt. Nhiều thi phẩm của họ như Tây Tiến, Đất nước, Đồng chí, Đèo Cả, Tình sông núi, Bên kia sông Đuống, Nhớ... còn đọng lại sâu đậm trong mỗi trái tim của người dân Việt.
 
Bên cạnh những bài thơ từng làm xao xuyến bao thế hệ, như Mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua, Đôi bờ... Quang Dũng đã mang đến cho văn học sử Việt Nam một thi phẩm bất hủ “Tây Tiến”.
 
Nhà thơ Quang Dũng từng tham gia trong Đoàn Võ trang Tuyên truyền, tiền thân của Binh đoàn Tây Tiến. Tên tuổi của ông gắn liền với Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến ở Mộc Châu (Sơn La) - nơi từng được Bộ Văn hóa xếp hạng vào di tích cấp Quốc gia. Bài thơ “Tây Tiến” là một bản hùng ca bi tráng, có sức nặng ngàn cân qua bút pháp thể hiện tài hoa của Quang Dũng. Nói về hy sinh mất mát trong chiến tranh nhưng không bi lụy. Ngôn ngữ sử dụng trong bài thơ rất tài tình: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”; những cặp câu thơ hô ứng tinh xảo, gợi mở “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”; “Mắt trường gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”, “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh...” vẫn làm rung động trái tim người đọc. 
 
Rất nhiều kỳ thi vào đại học, bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng thường được sử dụng để ra đề thi. Bài thơ “Tây Tiến” đã đi suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và cho đến bây giờ. Trong văn chương Việt Nam kháng chiến, hiếm hoi có một bài thơ luôn được nhiều thế hệ về sau hay nhắc đến như bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng.
 
Năm 1982, nhà thơ Quang Dũng đã lên Lâm Đồng ở cùng với cô con gái Bùi Phương Hạ đang dạy học ở Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Đó là những năm tháng ông gắn bó với Đà Lạt, Lâm Đồng, với một vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Ông dành nhiều thời gian đi thăm những vùng đất mới của người Hà Nội ở khu vực Nam Ban như Mê Linh, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hai Bà, Ba Đình; hay khu vực Tân Hà - Lán Tranh với Đan Phượng, Phúc Thọ, Hoài Đức, Thạch Thất... Nơi đâu ông cũng được mọi người đón tiếp một cách trân trọng. Một lần leo dốc, ông vào một ngôi nhà ven đường nghỉ chân tình cờ ông gặp lại người chiến sĩ cùng sư đoàn ngay trên vùng đất mới và ông có ngay bài thơ “Bạn cũ sư đoàn”.
 
Nhà thơ Quang Dũng vốn to cao như Tây, nhưng những ngày ông đến với Tây Nguyên phải chống gậy. Mọi việc lớn nhỏ, ông tự làm một mình và không muốn làm phiền người khác. Một túi xách khoác ngang vai, một chiếc mũ mềm, với chiếc gậy tre ông lững thững đi bộ từ thị trấn Nam Ban vào Tân Hà - Lán Tranh dài hơn 50 cây số mà không hề hấn gì. Trên đường đi, thấy cảnh đẹp, thấy người già, con trẻ là ông ghé thăm. Ông thường đến bất chợt, nhưng khi nghe tên ông, ai cũng quý mến và dành những tình cảm đặc biệt. Ở Tân Hà - Lán Tranh, ông có những người thân quen quý mến thơ ông, như ông Nguyễn Gia Tình, Nguyễn Đăng Chấn, Lê Xuân Liễu, Hà Đức Ái, Duy Phác, Nguyễn Thành Nam... Ở thị trấn Nam Ban, ông có thêm người yêu thơ, hay cùng ông nói chuyện thơ ca, như nhà thơ Phú Đại Tiềm, Lê Kỳ Nam, Đoàn Đức Huyến...
 
Một lần, nhà thơ Quang Dũng bị tai biến, bàn tay của nhà thơ không duỗi ra được. Bùi Phương Hạ - con gái nhà thơ chăm sóc bố tận tình. Nhưng hằng ngày nhà thơ Quang Dũng vẫn đi ra giếng của hợp tác xã cách khu tập thể giáo viên mấy trăm mét, xách nước về cho Hạ. Hạ không đồng ý, nhưng ông bảo: Cần phải tập luyện để bàn tay trở lại như cũ. Nhờ tập luyện mà ông khỏe dần lên và tập viết lại đoạn hồi ký thời gian ở Bất Bạt.
 
Khoảng cuối năm 1984, Bùi Phương Hạ và một số cô giáo biệt phái tăng cường ở Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng được trở về thủ đô. Nhà thơ Quang Dũng cũng về Hà Nội với con gái. Nhưng do sức khỏe không được tốt, ông không còn cơ hội trở lại Tây Nguyên - một vùng đất mà ông luôn đau đáu muốn dành thời gian cuối đời của mình để viết. Nhưng trong trái tim ông, Tây Tiến - Tây Nguyên là hai địa danh ông rất đỗi tự hào và muốn hiến dâng bằng những trang văn, lời thơ mà ông đã gửi gắm trong suốt cuộc đời mình.
 
Những người từng gặp nhà thơ Quang Dũng ở Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng vẫn nhớ mãi 4 câu thơ mà ông đọc cho nghe, như một triết lý sống của nhà thơ: “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,/ Bảo con bớt gạo thổi thêm khoai./ Nếu ai có bảo rằng hà tiện,/ Ta chẳng phiền ai, chẳng lụy ai”.
 
Dấu chân của nhà thơ Quang Dũng còn in mãi trên những triền đồi, dốc núi, khe suối của Tây Nguyên. Ngoài thành phố Đà Lạt, thị trấn Nam Ban, khu Đông Anh quen thuộc, thì Tân Hà - Lán Tranh, Nông trường Quốc doanh số 3, Phúc Thọ, Hoài Đức trên cao nguyên là mảnh đất gắn bó với nhà thơ Quang Dũng trong những năm 1983, 1984 khi ông đặt chân lên đây. Một vùng đất mà ông rất đỗi yêu quý sâu đậm mà không có điểm dừng như kiếp giang hồ mà ông đã chọn...
 
TRẦN TRỌNG VĂN