Những ngày này, 221 hình ảnh, bản đồ, văn bản, tư liệu quý được Trung tâm Lưu trữ lịch sử Lâm Đồng giới thiệu đến công chúng qua triển lãm “Lâm Đồng xưa và nay qua tài liệu lưu trữ”, trong đó nhiều tài liệu đã hơn 100 năm tuổi. Như một câu chuyện kể về chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của một vùng đất, triển lãm đã đưa đến cho người xem một hình hài Lâm Đồng toàn diện trong quá khứ, một diện mạo Lâm Đồng đầy đủ hôm nay.
|
Triển lãm thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham quan |
•
LÂM ĐỒNG TRONG QUÁ KHỨ
Hình ảnh, tư liệu cho thấy, Lâm Đồng dưới thời phong kiến nằm trong vùng Sơn Động, Man Động (Tây Nguyên) hoang sơ. Sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn năm 1865 dưới Triều Nguyễn, các tác giả đã khảo cứu vùng đất Lâm Đồng “Phía Tây vùng thượng du có sông Dương Dã, sông không sâu mà rộng, có nhiều cá sấu”. Sông Dương Dã chính là sông Đạ Dâng ngày nay - đây là lần đầu tiên mảnh đất này được định vị trên địa chí nước nhà.
Trong hành trình khám phá của người Pháp, vào ngày 21/6/1893, bác sĩ A.Yersin đã đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên, vùng Đankia, ông vừa thám hiểm, vừa ghi chép tỉ mỉ: “Cảm tưởng của tôi thật sống động khi từ rừng thông ra, tôi đặt chân lên bờ cao nguyên rộng lớn, trơ trụi và mấp mô, chế ngự bởi 3 đỉnh núi Lang Bian. Những gợn sóng của nó làm tôi nhớ lại mặt biển bị dày vò do một đợt sóng vĩ đại. Sự mát lành của khí trời làm tôi quên đi mệt nhọc”. Dựa trên báo cáo của ông về vùng đất đặc biệt này, ngày 1/11/1899, toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và cho xây dựng đô thị Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng.
Năm 1905, thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt là Paul Champoudry đệ trình đồ án quy hoạch đầu tiên về đô thị Đà Lạt, nhưng chỉ chú trọng đến việc chia Đà Lạt thành các khu quân sự, dân sự và khu nghỉ dưỡng cho quan chức cao cấp. Để chinh phục, phát triển miền đất hoang sơ, chính quyền Pháp đã mở những tuyến đường huyết mạch đến Đà Lạt. Trong đó, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt với thiết kế bổ sung 1 thanh ray răng cưa ở giữa để chinh phục những cung đường có độ dốc cao khiến cho tuyến đường này đã đi vào lịch sử đường sắt thế giới.
Năm 1919, đồ án mới của của kiến trúc sư Jean O’Neill có xu hướng dân sự hơn, mục tiêu xây dựng thành phố làm nơi vui chơi, giải trí cho các quan chức chính quyền thực dân. Ngày 31/10/1920, Toàn quyền Đông Dương cho thành lập và đi vào hoạt động Trạm nghỉ dưỡng Lang Biang. Nhiều đồ án quy hoạch Đà Lạt theo mô hình “thành phố - vườn” của các kiến trúc sư tài ba của người Pháp đã định hình một Đà Lạt làm trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục, đào tạo, văn hóa, du lịch.
•
LÂM ĐỒNG TRONG ĐẤU TRANH VÀ KIẾN THIẾT, DỰNG XÂY
Dưới sự cai trị hà khắc của người Pháp, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã đứng lên đấu tranh bảo vệ buôn làng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chi bộ Đảng đầu tiên của Lâm Đồng được thành lập và tổ chức đấu tranh. Tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, chính quyền 2 tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng, ổn định đời sống Nhân dân, giữ gìn trật tự trị an, củng cố bộ máy cơ quan lãnh đạo, trừ gian, diệt ác, tập hợp sức mạnh về mọi mặt chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài.
Tháng 10/1950, sau khi được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, huy động lực lượng phối hợp mở nhiều đợt tấn công tiêu diệt địch, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trước sự phản bội Hiệp định Giơ-ne-vơ của chính quyền Sài Gòn, Ban Cán sự Đảng khu vực Nam Trung Bộ thành lập các Ban Cán sự Đảng trên địa bàn Đà Lạt, Bảo Lộc, Di Linh. Tháng 8/1961, Khu ủy Khu 6 quyết định thành lập Tỉnh ủy của 2 tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức. Tỉnh ủy 2 tỉnh đã kịp thời thành lập các tổ chức Đảng ở cơ sở, đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng căn cứ, tích cực tăng gia sản xuất phục vụ đời sống, đóng góp cho cách mạng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang tiêu diệt địch, bám dân, bám ấp. Từ đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh Lâm Đồng vào ngày 3/4/1975, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng, đối mặt với sự ngấm ngầm chống phá của các lực lượng thù địch, chính quyền cách mạng và Ban Chấp hành Lâm thời Đảng bộ Lâm Đồng tiếp tục truy quét địch, thiết lập trật tự an ninh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang. Năm 1987, Lâm Đồng cơ bản hoàn thành cuộc truy quét FULRO. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ năm 1986, Đảng bộ và Nhân dân Lâm Đồng không ngừng khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, chủ động hội nhập đã đưa Lâm Đồng từng bước phát triển đến phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất này đã gắn với nhiều dấu mốc lịch sử về tổ chức hành chính. Nhiều tên gọi đã trở nên quen thuộc gắn bó với người dân nơi đây Lang Biang, Đà Lạt, Đồng Nai Thượng, Lâm Viên, Lâm Đồng, Tuyên Đức... Và đi cùng với đó là các văn bản hành chính định danh, cải danh cho địa phương, vùng đất, những bản đồ, những nghị định, báo cáo, sắc lệnh, đồ án, sơ đồ, công văn... được in trên mộc bản, trên giấy đã ố màu thời gian. Dù ở tên gọi nào, vùng đất này cũng là miền đất lành tươi đẹp, không ngừng hội tụ Nhân dân các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước về đây lập nghiệp. Từ vùng đất hoang sơ, lạnh lẽo xưa kia, trải hơn 100 năm, đến nay, Lâm Đồng có 2 thành phố, 10 huyện, đất ấm hơi người. Triển lãm đã đưa người xem nhận diện đầy đủ về một Lâm Đồng trong quá khứ trong hiện tại, để thêm yêu, thêm quý, nâng niu, trân trọng mảnh đất này.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin