(LĐ online) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp”, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện Đức Trọng được nâng lên; các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực.
Lãnh đạo huyện Đức Trọng và các lực lượng ra quân trồng 1 ha rừng tại Tiểu khu 267 |
Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, thời gian qua, huyện tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo phương châm hướng về cơ sở “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, vì Nhân dân phục vụ”; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số... để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; quan tâm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân cho cán bộ, công chức, viên chức... để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
UBND huyện đã phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, để triển khai thực hiện.
Trao tặng biểu trưng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo xã Hiệp An |
Cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch hành động và tự giác thực hiện; liên hệ chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và biện pháp khắc phục, sửa chữa. Qua đó, đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được nâng lên, tác phong làm việc nhanh gọn, ứng xử đúng mực, có trách nhiệm giải quyết khá tốt công việc có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tăng cường, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, gắn với việc kiểm tra, thực thi pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ đạo các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần nâng cao ý thức trong thực thi công vụ; cảnh báo, phòng ngừa sai phạm.
Cùng với đó, việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức, phong cách ứng xử trong hoạt động giao tiếp và thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. UBND huyện tiếp tục triển khai tổ chức Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức huyện Đức Trọng thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025”. Các cơ quan, đơn vị trong huyện đã ban hành quy chế văn hóa công sở, quy định về tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, phân công rõ trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, do đó, chất lượng công việc ngày càng được nâng lên.
Mặt khác, UBND huyện đã tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng tổ chức đối thoại và giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay ở cơ sở khi mới phát sinh, nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp. Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện đã tổ chức 154 kỳ tiếp dân định kỳ với tổng số người được tiếp là 321 người. Ngoài ra, Hội đồng tiếp dân huyện cũng duy trì công tác tiếp dân thường xuyên với 1.304 lượt tiếp 1.843 lượt công dân. Qua công tác tiếp công dân đã hướng dẫn, chuyển đơn đối với 1.156 đơn không thuộc thẩm quyền và tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết 1.008 trường hợp.
Huyện Đức Trọng tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo phương châm hướng về cơ sở |
Song song với đó, các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do đó, các phong trào thi đua yêu nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và các phong trào thi đua do các ngành, Mặt trận, các đoàn thể phát động được cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng và tham gia thực hiện.
Hàng năm, có 100% cán bộ, công chức, viên chức đăng ký các danh hiệu thi đua, xây dựng bản cam kết, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó tự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc được giao.
Qua các phong trào thi đua yêu nước, Phong trào “Dân vận khéo” và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều gương điển hình được các cấp, các ngành biểu dương khen thưởng và tuyên truyền nhân rộng, có sức lan tỏa sâu rộng trên các lĩnh vực, góp phần khơi dậy, động viên trí tuệ, sức sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Mặt khác, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBND với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, đã tạo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; định kỳ cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, các kế hoạch, chương trình, công tác quy hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, thông tin về khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân biết, tham gia góp ý và giám sát trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin