Mặc dù các ban, ngành chức năng liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhưng trên thực tế công tác này trong thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, bất cập.
Phút nghỉ ngơi của lực lượng chữa cháy rừng |
Điểm lại vụ cháy rừng xảy ra trong 2 ngày 7 và 8/4/2023 vừa qua tại khu vực rừng phòng hộ đèo Prenn, Phường 3, TP Đà Lạt có thể thấy rằng, công tác chữa cháy rừng hiện nay còn rất nhiều bất cập. Việc chữa cháy rừng rất nguy hiểm, khó khăn và xảy ra trên diện tích lớn ở khu vực rừng thông lớn, lâu năm ngay cửa ngõ thành phố nhưng công tác chữa cháy vẫn chủ yếu chỉ dựa vào sức người là chính vì phương tiện chữa cháy hầu như không có gì. Từ lực lượng chữa cháy của các đơn vị kiểm lâm các cấp đến lực lượng ở các phường, xã được điều động tham gia công tác chữa cháy rừng đều chỉ biết dốc sức leo lên những ngọn đồi để tiếp cận gần khu vực cần chữa cháy và tự xử lý theo kinh nghiệm bằng cách bẻ cành cây để dập lửa, sau đó chờ lớp thực bì cháy hết thì dùng bình xịt phun nước vào những gốc thông dầu đang còn cháy để dập. Khi cháy to, lửa bùng lên cao thì chỉ có thể đứng nhìn trong bất lực vì không có dụng cụ chuyên dụng, hoá chất chuyên dụng để tham gia dập lửa trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Quế - Phó Trưởng Ban Quản lý rừng Lâm Viên cho biết, lực lượng chữa cháy rừng của ban và hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị chủ rừng hàng năm đều được tập huấn về công tác PCCCR. Ban cũng có xây dựng các phương án PCCCR. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện chữa cháy rừng hầu như không có. Cán bộ, nhân viên đều phải tự chế hoặc tự trang bị cho mình những thiết bị chữa cháy đơn giản nhất, thậm chí là phải tự trang bị cả đèn pin đi đêm để tham gia chữa cháy.
Ông Quế cũng cho biết, vào mùa khô, mỗi ngày, Ban Quản lý rừng Lâm Viên thường nhận được các cuộc gọi báo có các đám cháy thực bì ở một số nơi, chủ yếu các đám cháy do người dân đốt rác trong rừng, khách du lịch đi chơi đốt lửa chơi hoặc nướng đồ ăn… gây cháy. Đối với các vụ cháy nhỏ, lực lượng đến có thể sử dụng những thiết bị tự chế và tự trang bị như bình xịt mini, cành cây, cuốc để dập lửa và đào rãnh ngăn cháy lan. Nhưng khi xảy ra những vụ cháy lớn thì với những trang thiết bị này rất khó có thể chữa cháy hiệu quả.
Hiện tại, nếu xảy ra cháy rừng, Ban Quản lý rừng Lâm Viên chỉ có thể sử dụng xe ô tô là phương tiện hiện đại nhất để chở theo thùng nước có dung tích khoảng 100 lít đi phục vụ chữa cháy rừng. Còn lại, thì hầu hết anh em làm công tác chữa cháy đều phải sử dụng xe gắn máy và các loại vật dụng do cá nhân tự chế rồi leo bộ vào rừng. Bình xịt mini thì cũng chỉ có được khoảng 5 chiếc và hầu như không có tác dụng đối với những đám cháy lớn.
Phương tiện chữa cháy rừng còn rất thô sơ |
Lâm Đồng hiện có 539.403 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ đạt 55%, cao hơn bình quân của cả nước. Và Đà Lạt nói riêng là nơi có diện tích rừng khá lớn, trong đó rừng thông chiếm tỷ lệ cao, đây cũng là loại cây rừng dễ cháy vì nhiều dầu, khi cháy thì khó dập. Đà Lạt là địa phương vẫn tự hào là thành phố trong rừng, rừng trong thành phố, đang nỗ lực phấn đấu bảo vệ rừng và nâng cao hơn nữa độ che phủ rừng nhưng thực trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác chữa cháy thì rất hạn chế. Hệ thống bể chứa nước, vòi bơm, máy bơm nước chữa cháy rừng chưa được quan tâm đầu tư. Địa bàn rộng, lực lượng thì ngày càng mỏng cũng khiến cho việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguy cơ cháy rừng, ngăn chặn cháy lan hết sức khó khăn. Ngay cả đến xe bồn chở nước của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng là những loại xe thô sơ và chỉ chứa được tối đa 200 đến 300 lít nước. Thêm vào đó, những vụ cháy rừng lớn thì thường xảy ra ở địa bàn khá phức tạp, địa hình dốc, sâu trong rừng và đi lại khó khăn. Trong khi đó, hầu hết diện tích cây rừng ở Lâm Đồng là rừng thông, gỗ dầu, thực bì dày nên đã cháy thì khó dập. Nếu chỉ dùng nước và bình xịt với áp suất vòi như bình xịt thuốc trừ sâu để dập thì hầu như không hiệu quả.
Vụ cháy rừng xảy ra ở khu vực đèo Prenn với diện tích rừng thông bị cháy lên đến hơn 13 ha cho thấy phương tiện chữa cháy rừng đang là vấn đề cần được quan tâm đầu tư đối với công tác PCCCR ở một tỉnh miền núi và có diện tích rừng khá lớn như Lâm Đồng. Mặc dù vụ cháy không có thiệt hại lớn về lâm sản nhưng đã bộc lộ rất nhiều những bất cập trong công tác PCCCR trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Một số cán bộ kiểm lâm kiến nghị rằng, trong điều kiện phương tiện chữa cháy còn thiếu thốn và yếu kém như hiện nay, thì trong công tác phòng, chống cháy rừng cần quan tâm đến cả phương án về tổ chức đường giao thông (dự phòng) cho công tác chữa cháy ở những cánh rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, những cánh rừng có địa hình phức tạp. Nếu như chỉ dựa vào vài can nước mang vác từ sức người đổ vào những bình xịt mini và phun như phun sương như hiện nay thì việc chữa cháy rừng là bất khả thi. Thực tế một số vụ cháy rừng xảy ra, nước không thể đưa đến gần đám cháy vì không có đường cho xe tiếp nước tiếp cận. Chính vì vậy mà khi cháy rừng xảy ra, cho dù đã huy động lực lượng hùng hậu đến hàng trăm người đi nữa thì công tác chữa cháy cũng không thể mang lại hiệu quả cao.
Để công tác PCCCR hiệu quả hơn, trong thời gian tới, thiết nghĩ ngoài việc tiếp tục nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong vùng có rừng, người dân sống gần rừng, chính quyền các cấp cần quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị chữa cháy rừng. Cần phải có đội ngũ những người làm công tác PCCCR chuyên nghiệp hơn, cả về kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy lẫn trang thiết bị phục vụ chữa cháy để có đủ khả năng kiểm soát các đám cháy, giảm nguy cơ gây thiệt hại do cháy rừng gây ra. Cần quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách về PCCCR để trở thành lực lượng chuyên nghiệp sẵn sàng cơ động, nhanh chóng dập tắt lửa rừng, không để xảy ra cháy lớn, lan rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin