(LĐ online) - Ngày 22/9, tại Đà Lạt, Cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Chương trình UN REDD thông qua FAO và UNEP tổ chức Hội thảo tham vấn triển khai sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) và hồ sơ đăng ký TREES. Cùng đó là báo cáo kết quả giảm phát thải năm 2021, 2022 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Các đại biểu tham gia Hội thảo |
Tham gia hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Chương trình UN REDD, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng và các chuyên gia cùng đại diện các sở, tổ chức, đơn vị liên quan và công ty lâm nghiệp ở Lâm Đồng…
Đây là Hội thảo cấp tỉnh đầu tiên về hồ sơ đăng ký TREES và sớm hiện thực hóa mang lại những lợi ích thiết thực cho các đối tượng được hưởng lợi ở 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam.
Thảo luận theo nhóm vấn đề |
• ĐÃ CÓ 1 TỶ USD ĐỂ TRIỂN KHAI
LEAF được thành lập tháng 4/2021 với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới với quy mô từ 2,5 triệu ha trở lên. Đây không phải chương trình/dự án các-bon (CO2) hay tổ chức cấp tiêu chuẩn CO2. Tất cả các tín chỉ giao dịch qua LEAF được đăng ký và phát hành theo tiêu chuẩn TREES bởi ART.
Yêu cầu của LEAF gồm: Tiêu chuẩn TREES; tham vấn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương và cộng đồng dân tộc thiểu số; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tiền thu được; tiêu chí tham gia LEAF đối với doanh nghiệp mua.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho LEAF để thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng lên tới 1 tỷ USD. Đây cũng là nỗ lực của Việt Nam góp chung cùng sáng kiến tại COP26, nhằm thực hiện các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà thuộc đối tượng thực hiện LEAF |
• TRÊN 4 TRIỆU TẤN CÁC - BON THƯƠNG MẠI
Năm 2021, tại Hội nghị COP26, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Tổ chức Emergent (cơ quan quản lý hành chính của LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) thiết lập hợp tác giữa Việt Nam và LEAF. Theo đó, hai bên đã ký kết, thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA). Bao gồm 11 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo hồ sơ đã nộp cho LAEF, 11 tỉnh trên có tổng diện tích 4,26 triệu ha rừng; trong đó, có 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng. Tuy nhiên, theo quy định về loại hình tín chỉ của TREES, Việt Nam chỉ tính kết quả giảm phát thải cho rừng tự nhiên, không tính rừng trồng. Giai đoạn tham chiếu từ 2016-2020; giai đoạn cấp tín chỉ từ 2021-2025. Ước tính khối lượng giảm phát thải theo đề xuất tham gia LEAF là 11 triệu tấn CO2tđ. Giá tối thiểu là 10 USD/1tấn CO2tđ.
Đối với Lâm Đồng, là tỉnh tiếp cận REDD+ từ 15 năm trước và là một trong 2 tỉnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tiên ở Việt Nam. Do đó, theo ông Võ Danh Tuyên - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là sẽ cơ sở rất thuận lợi để Lâm Đồng khi tham gia LEAF. Các chuyên gia cho biết, kế hoạch thực hiện LEAF tại 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sẽ chi trả cho các đối tượng hưởng lợi và giám sát đánh giá vào quý 3 năm 2025.
Cũng tại Hội thảo, Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết kết quả tính toán CO2 của 11 tỉnh như sau: Lượng giảm phát thải năm 2022 là 5.949 triệu tấn. Theo yêu cầu của TREES, kết quả giảm phát thải được tính sau khi khấu trừ do độ không chắc chắn; khấu trừ do rủi ro đảo nghịch (10%); khấu trừ do rủi ro rò rỉ phát thải (10%). Vì vậy, rừng của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung Bộ có tổng lượng tín chỉ có thể thương mại là trên 4 triệu tấn.
• NGUYÊN TẮC CHIA SẺ LỢI ÍCH
Về chia sẻ lợi ích, cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Tính công bằng, công khai, minh bạch; tính hiệu quả và hiệu suất; tính linh hoạt; tính dân chủ. Hội nghị đưa ra dự thảo có 2 phương án chia sẻ lợi ích: Phương án 1 là dựa theo quy định của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; Phương án 2 là áp dụng cơ chế theo quy định tại Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ.
Cả 2 phương án đều cơ bản thống nhất về các đối tượng được hưởng lợi (90% của nguồn thu từ bán tín chỉ CO2 cho Emergent), bao gồm: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; chủ rừng là tổ chức (ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp nhà nước…); UBND xã, các tổ chức khác được giao trách nhiệm quản lý rừng.
Dĩ nhiên mỗi phương án đều có những ưu/nhược điểm khác nhau. Vì vậy, tại Hội thảo, ban tổ chức đã chia nhóm thảo luận sôi nổi về nội dung chia sẻ lợi ích và đảm bảo an toàn. Những ý kiến từ thực tiễn của tỉnh Lâm Đồng sẽ cung cấp thêm các dữ liệu cho đội ngũ xây dựng hồ sơ hoàn chỉnh để trình cấp thẩm quyền khi triển khai thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin