(LĐ online) - Sáng ngày 17/11/2023, trời Đà Lạt bỗng dưng nắng đẹp sau nhiều ngày mưa âm u và lạnh. Trong không gian tươi đẹp đó của thành phố trên cao nguyên, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức gặp mặt truyền thống 65 năm hình thành và phát triển.
Đại diện Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt chụp hình lưu niệm cùng cựu sinh viên |
Được thành lập năm 1957 bắt đầu tuyển sinh và đào tạo từ 1958 là một trường đại học ra đời sớm nhất ở Miền Nam Việt Nam. Từ 1958 đến 1975 với tên gọi Viện đại học Đà Lạt với 4 trường thành viên là Khoa học, Văn khoa , Chính trị kinh doanh và Sư phạm. Sinh viên đến từ khắp các tỉnh thành Miền Nam thời bấy giờ, năm 1960 có 1.000 sinh viên, số lượng tăng dần lên đến trên 5.000 sinh viên vào những năm cuối trước 1975. Viện đại học Đà Lạt thực hiện chế độ ghi danh, không thi tuyển đầu vào nhưng ở đầu ra thì chọn lọc hết sức khắt khe. Chỉ tính riêng khoa Sinh học, hồi đó năm đầu gọi là SPCN (science, physique, chemie et natural) năm 1970 có 250 sinh viên ghi danh, hội trường Spellman không đủ chỗ ngồi, sinh viên phải ngồi xuống dưới nền hội trường, ngồi ra hành lang và ngồi cả dưới gầm bàn của thầy, trên bàn thầy có rất nhiều máy cassette của các bạn đặt lên để thu bài giảng. Sang năm thứ 2 thì đã rơi rụng khá nhiều, còn lại không quá 100 sinh viên, đến năm cuối (năm tư) chỉ còn không quá 50 sinh viên có đủ điều kiện để thi ra trường, các trường, khoa khác cũng vậy cho nên số sinh viên thời ấy tốt nghiệp ra trường có chất lượng khá cao, các phòng thí nghiệm hóa, lý, sinh ngày càng hiện đại. Đội ngũ cử nhân của Viện đại học Đà Lạt sau này nhiều người đã trở thành những tiến sĩ, những nhà khoa học đóng góp nhiều công sức và trí tuệ cho đời.
Sau khi đất nước thống nhất, Viện đại học Đà Lạt được đổi tên thành Trường Đại học Đà Lạt vào tháng 10/1976 và tiếp tục mở rộng hoạt động, tuyển sinh trong cả nước. Là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng. Đến nay trường đã có trên 12.000 sinh viên trong 41 ngành đào tạo đại học chính qui, 10 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 7 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Tác giả - cựu sinh viên Trường Đại học Đà Lạt - phát biểu tại buổi gặp mặt |
Có một điều tâm đắc là triết lý Thụ Nhân từ Viện đại học Đà Lạt vẫn được gìn giữ, duy trì và được phát huy để cùng với triết lý Khai Phóng và Bản Sắc đã hình thành nên nền tảng căn bản của triết lý giáo dục mà không phải ở đâu cũng có thể định hình được, đó là Thụ Nhân – Khai Phóng - Bản sắc. Làm cho tổ chức và các hoạt động của nhà trường ngày càng lớn mạnh, hòa nhập vào môi trường đại học quốc tế. Có thể nói Trường Đại học Đà Lạt ngày nay đã đi một chặng đường rất xa so với ngày xưa. Các cựu sinh viên nhiều thế hệ chúng tôi thường nói với nhau rằng “Mỗi khi bước vào Trường Đại học Đà Lạt, ta nhận ra ở đó có một không gian tri thức thật đáng tự hào. Và do Trường Đại học Đà Lạt vốn đã đẹp lại nằm ở một vị trí đẹp, trên thành phố Đà Lạt rất đẹp nên làm cho lòng người dễ xao động, dể nẩy nở tình yêu. Do vậy mà có thể nói Trường Đại học Đà Lạt ngoài là một không gian của tri thức thì nơi đó còn là một không gian của tình yêu. Ngoài tình yêu với con người, tình yêu với thiên nhiên thì ở đây đã từng có rất nhiều mối tình đẹp của nhiều thế hệ sinh viên”.
Trường Đại học Đà Lạt đang trong quá trình phát triển tiến lên thành Đại học Đà Lạt với các trường đại học thành viên. Với đội ngũ giảng viên và đội ngũ khoa học hùng hậu, với Ban Giám hiệu năng động, các cựu sinh viên chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai và tự hào về truyền thống 65 năm của Trường Đại học Đà Lạt.
Nói về truyền thống thì có thể khẳng định rằng truyền thống học tập, đào tạo, và nghiên cứu khoa học đem lại nhiều thành công trong suốt 65 năm qua đã được nêu trong các kỷ yếu, và trong thước phim truyền thống 65 năm của trường. Nhưng, phải chăng vẫn còn đó một khoảng trống không nhỏ trong trang truyền thống của Trường Đại học Đà Lạt. Đó là truyền thống yêu nước! Phần lớn các thầy cô trong mọi hoàn cảnh, ngoài dạy chúng tôi về những kiến thức chuyên môn thì còn là tấm gương truyền cho chúng tôi lòng yêu nước. Sinh viên của Viện đại học Đà Lạt đã từng thể hiện lòng yêu nước một cách mạnh mẽ, dám dấn thân và dám hy sinh trong những năm đất nước có chiến tranh. Năm 1966, từ nhóm AQ (Ái Quốc) của sinh viên Viện đại học Đà Lạt làm nòng cốt đã tập họp hàng vạn sinh viên, học sinh và đồng bào Đà Lạt xuống đường đấu tranh chống xâm lược của ngoại bang, sinh viên, học sinh đã chiếm đài phát thanh, đã làm chủ một nửa thành phố Đà Lạt kéo dài suốt 3 tháng liền gần như có 2 chính quyền song song tồn tại. Một cuộc đấu tranh lớn nhất trong các phong trào đô thị ở Miền Nam thời bấy giờ. Đến năm 1968, hàng chục sinh viên, học sinh Đà Lạt đã thoát ly ra rừng cầm súng chiến đấu. Giữa năm 1970, sinh viên các khoa Hóa, Sinh làm nòng cốt đã phát động sinh viên các trường, khoa biểu tình đốt hình nộm và toàn bộ hồ sơ tài liệu quân sự học đường của chế độ Sài Gòn. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1971 cũng xuất phát từ sinh viên Viện đại học Đà Lạt đã tập hợp hàng ngàn người tổ chức cuộc đấu tranh chống bầu cử Tổng thống độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu. Đầu tháng tư năm 1975 các đảng viên, đoàn viên tại Viện đại học Đà Lạt đã tổ chức khởi nghĩa làm chủ thành phố, đón Thị ủy vào tiếp quản Đà Lạt. Chúng ta đã giữ cho thành phố nguyên vẹn không đổ nát, không đổ máu.
Từ năm 1972, trong trường có một chi đoàn hoạt động bí mật, năm 1973 đã có một tổ Đảng. Tính cho đến ngày 3/4/1975, tại Viện đại học Đà Lạt đã có 15 sinh viên vừa học tập vừa hoạt động cách mạng bí mật ở cả 4 trường của Viện đại học: Khoa học, Văn khoa, Chính trị kinh doanh và Sư phạm, đông nhất là ở trường Khoa học có 6 sinh viên hoạt động bí mật gồm 2 sinh viên ở khoa Sinh và 4 sinh viên của khoa Hóa. Ở khoa Sinh có một liệt sĩ đang mặc áo sinh viên, đang mang thẻ sinh viên trong ngực áo (đó là anh Võ Văn Dũng, bí danh Vũ, bí số B3, mùa hè 1972 anh vào căn cứ kháng chiến học chính trị và phương pháp hoạt động đô thị thì bị địch đánh vào căn cứ, anh đã cùng anh em chiến đấu dũng cảm và đã hy sinh). Có những sinh viên là đảng viên đã được đồng chí Bí thư Thị ủy Đà Lạt giao nhiệm vụ phải ở lại lớp hoặc phải nợ một số tín chỉ để không ra trường…!
Ngoài những người có điều kiện tiếp cận với cách mạng và đã dấn thân trong một thời hoa lửa, thì còn biết bao thế hệ sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt tốt nghiệp đã bay đi khắp 4 phương trời của Tổ quốc đem trí tuệ và công sức góp phần không nhỏ để xây dựng và bảo vệ nước Việt thân yêu của chúng ta. Và, có nhiều người thành đạt, thành danh ở nước ngoài đã trở về tham gia vào sự nghiệp phát triển của trường và tham gia xây dựng đất nước. Họ cũng đã làm nên và nối dài thêm truyền thống đáng tự hào của Trường Đại học Đà Lạt.
Các cựu sinh viên nhiều thế hệ của Viện đại học Đà Lạt ngày xưa, của Trường Đại học Đà Lạt ngày nay và của Đại học Đà Lạt sau này sẽ mãi tự hào về ngôi trường một thời mình đã đi qua trong sự nghiệp Thụ Nhân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin