Không chỉ đứng trên bục giảng, những người thầy quân sự ở Học viện Lục quân còn thực hiện công tác giảng dạy ở thao trường, bãi tập. Và người thầy cũng là người chỉ huy, quản lý, người anh, người bạn, người đồng đội cùng với những thế hệ học viên học tập, rèn luyện, trưởng thành.
Học viện Lục quân là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự lớn và có uy tín của quân đội |
Nằm trong hệ thống giáo dục, đào tạo của cả nước và quân đội, Học viện Lục quân là một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự trung, cao cấp; đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự lớn và có uy tín của Quân đội. Nhiều công trình khoa học của Học viện đã được vận dụng kịp thời và có hiệu quả cho nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của quân đội ta trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Trải qua hơn 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng 567 khóa với hơn 56.728 cán bộ chỉ huy - tham mưu trung, cao cấp binh chủng hợp thành, cán bộ quân sự địa phương và các binh chủng; 51 khóa đào tạo tiến sĩ với 377 nghiên cứu sinh quân sự; 34 khóa đào tạo thạc sĩ với 1.491 học viên cao học; đào tạo 12 khóa hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận và 6 khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị với 3.700 học viên. Nhiều đồng chí học viên sau khi tốt nghiệp ra trường, đã phát triển trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp, giữ các trọng trách của Đảng, Nhà nước và quân đội. Cùng với đó, Học viện đã đào tạo hàng ngàn cán bộ chỉ huy - tham mưu, giáo viên quân sự, thạc sĩ, tiến sĩ cho quân đội hai nước bạn Lào, Campuchia.
Thiếu tướng Đỗ Minh Xương - Giám đốc Học viện Lục quân, cho biết: Năm học 2022-2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã cùng tập thể cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ đã đoàn kết, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, Học viện đã chú trọng đổi mới xây dựng chương trình đào tạo, trong tổ chức luyện tập, diễn tập; xây dựng chuẩn đầu ra; đẩy mạnh áp dụng phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện.
Giám đốc Học viện Lục quân thông tin thêm, Học viện coi trọng chăm lo, xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và cán bộ quản lý có chất lượng ngày càng cao, bảo đảm tính kế thừa và phát triển vững chắc. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt trên 95% theo biên chế; 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học trở lên; trong đó, 70% có trình độ sau đại học, 18 đồng chí là phó giáo sư, 91 tiến sĩ, 248 thạc sĩ, 6 chuyên khoa cấp I, 20 giảng viên được công nhận là giảng viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng và nhiều đồng chí được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp Học viện.
Hiện nay, Học viện Lục quân được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng Học viện trở thành nhà trường thông minh, hiện đại. Thực tiễn đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên cần nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, cùng với các lực lượng trong Học viện quyết tâm xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Để thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ đó, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện tập trung thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương 8 (Khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới”; “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”; các nghị quyết, chỉ thị, đề án của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 1657 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới; Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết của Đảng ủy Học viện về “Xây dựng Học viện Lục quân thông minh, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; đột phá trong ứng dụng công nghệ, những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, những người thầy quân sự ở Học viện đang từng ngày nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của quân đội nói chung, Học viện Lục quân nói riêng, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ cho quân đội, xứng đáng với niềm tin của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao phó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin