(LĐ online) - Bộ Nội vụ mới có công văn trả lời UBND tỉnh Lâm Đồng về đề xuất phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thuyết minh, bổ sung, giải trình làm rõ hơn các nội sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã |
BỔ SUNG, LÀM RÕ SỰ PHÙ HỢP CỦA CÁC PHƯƠNG ÁN
Theo công văn, về nội dung phương án tổng thể, căn cứ theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại phương án tổng thể thì giai đoạn 2023-2025 thực hiện sắp xếp 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 5 huyện và 2 thành phố (trong đó, có 2 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị khuyến khích và 3 đơn vị liền kề); thực hiện sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 2 thị trấn (trong đó, có 2 đơn vị thuộc diện sắp xếp; 9 đơn vị khuyến khích, 7 đơn vị liền kề); không có đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp mà có yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp.
Để có đủ căn cứ thực hiện các phương án này, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thuyết minh, bổ sung, giải trình làm rõ hơn các nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, Bộ Nội vụ thống nhất với phương án nhập 3 huyện (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên) thành 1 huyện.
Đối với 2 phương án nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt và điều chỉnh 364,54 km2, 65.727 người (gồm toàn bộ 5 xã Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân) của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung đánh giá sơ bộ tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, loại đô thị đối với TP Đà Lạt (mới) và TP Bảo Lộc (mới) theo quy định tại khoản 2 Mục I Phần II Phụ lục I Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bộ Nội vụ thống nhất với 5 phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện Đạ Tẻh, Đơn Dương, Đạ Huoai để hình thành 5 xã mới nếu bảo đảm đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.
Đối với phương án nhập xã Đức Phổ vào thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung làm rõ sự phù hợp của các phương án này với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo yêu cầu tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; bổ sung đánh giá sơ bộ tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và loại đô thị đối với thị trấn Phước Cát mới hình thành sau sắp xếp theo quy định.
Đối với phương án thành lập 5 phường thuộc TP Đà Lạt (mới) và TP Bảo Lộc (mới), theo đánh giá sơ bộ của UBND tỉnh Lâm Đồng thì 5 phường dự kiến thành lập chưa đạt đủ tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, chỉnh sửa các phương án thành lập phường nêu trên để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Về định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026-2030, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá toàn diện phương án sắp xếp để bảo đảm sự tiếp nối của giai đoạn 2023-2025 với giai đoạn 2026-2030, tránh trường hợp khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2026-2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các đơn vị hành chính khác liền kề.
Trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, hoàn thiện phương án tổng thể theo nội dung góp ý của Bộ Nội vụ tại văn bản này và của các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; đặc biệt là việc áp dụng yếu tố đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022) để xác định đơn vị hành chính phải thực hiện sắp xếp.
KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG ĐỀ ÁN SAU KHI HOÀN THIỆN PHƯƠNG ÁN TỔNG THỂ
Sau khi hoàn thiện phương án tổng thể, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (đối với việc nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt và điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc thì xây dựng Đề án riêng theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15) và thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 117/NQ-CP.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại huyện Lạc Dương |
Trong đó, lưu ý tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch của địa phương (bao gồm: quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan) bảo đảm phù hợp, thống nhất với phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 và có tính đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026-2030 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị; sắp xếp và giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư và việc thực hiện các chính sách khác theo quy định của pháp luật trên địa bàn sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025;…
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Trước đó, cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Thủ tướng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin