Đổi thay ở huyện vùng khó Đam Rông

NDONG BRỪM 01:25, 30/04/2024

Khi mới thành lập, Đam Rông là huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Sau 20 năm thành lập, với chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và người dân; Đam Rông đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên từng ngày để xây dựng cuộc sống mới. 

Diện mạo Khu trung tâm huyện (thị trấn Bằng Lăng trong tương lai)
Diện mạo Khu trung tâm huyện (thị trấn Bằng Lăng trong tương lai)

Huyện Đam Rông thành lập năm 2004, trên cơ sở sáp nhập 3 xã nghèo của huyện Lạc Dương và các xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Lâm Hà. Toàn huyện có diện tích tự nhiên 89.220 ha, dân số khoảng 30.633 người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 93%, có trên 10 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, gồm: Dân tộc K’Ho, M’Nông, Kinh, H’Mông, Mường, Nùng, Tày và Thái, Dao… Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông chia sẻ: “Ngày mới thành lập, Đam Rông là một trong những huyện nghèo của cả nước, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nền tảng xuất phát điểm thấp, đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS chủ yếu gắn với nương rẫy và ruộng vườn, tự cung, tự cấp nên còn nghèo nàn và lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm ở mức cao so với các địa phương trong tỉnh… Vì vậy, cả hệ thống chính trị luôn nỗ lực, tập trung phấn đấu, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để giúp người dân có cuộc sống ổn định và phát triển”.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, huyện đã được đầu tư nhiều chương trình, dự án nên đến nay, cơ sở hạ tầng đã từng bước được hoàn thiện, khá đồng bộ; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã dần được phát huy hiệu quả rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, khu đô thị từng bước được hình thành... Điều đó đã minh chứng sự quyết tâm, niềm khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn thể cán bộ và Nhân dân trong toàn huyện cùng chung sức xây dựng quê hương mới ngày càng phồn thịnh. 

Theo thống kê, khi mới thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3/4 dân số; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 2,6 triệu đồng/năm… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện đã giảm xuống còn 11,63%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 20 lần so năm 2005 và dân số phát triển hơn 62 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 65% dân số trong toàn huyện. 

Những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa hiện đại, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trang trại nuôi cá nước lạnh rộng lớn, cây ăn trái (sầu riêng, nhãn, vải, bơ, mắc ca, bưởi…), lúa cao sản, cây dâu tằm… từng bước hình thành và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình kinh tế trang trại phát triển khá, trong đó đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi gia trại. Nhờ chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, Đam Rông đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ 3 - 4 sao cấp tỉnh và cấp huyện, điển hình như sản phẩm cà phê bột, chuối Laba, mắc ca và các sản phẩm chế biến từ mắc ca, trà dây, dứa mật và sầu riêng...

Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: “Phấn đấu đến năm 2025, tổng số HTX toàn huyện đạt trên 25 HTX, có 20 sản phẩm OCOP cấp huyện, 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và có trên 20 chuỗi, với trên 1.000 hộ tham gia chuỗi, nâng tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt trên 30% giá trị nông sản toàn huyện. Hỗ trợ xây dựng và chứng nhận khoảng 2 mã vùng trồng đối với một số cây trồng chủ lực để phục vụ kiểm soát chất lượng và đáp ứng các điều kiện xuất nhập khẩu”. 

Bà Đa Cát K’Griêng (76 tuổi) ở xã Đạ M’rông, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lạc Dương, một trong những nhân chứng lịch sử chứng kiến sự đổi thay của huyện trong hơn 20 năm qua, phấn khởi: “Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, đời sống của bà con hết sức khó khăn, nghèo đói, điều kiện sinh hoạt đi lại rất vất vả… nhưng giờ cuộc sống đã đổi thay rất nhiều. Hạ tầng được đầu tư khang trang, kinh tế từng bước được phát triển ổn định, nhiều hộ đã có nhà xây kiên cố, mua sắm các phương tiện đi lại, nghe nhìn, con cháu được đến trường…”.

Ngày nay, nếu có dịp đến với vùng Đầm Ròn “vùng rốn nghèo” của huyện mới thấy rõ nét sự đổi thay của bà con. Từ phương thức canh “chọc lỗ, tra hạt” ngày nào nay không còn nữa, đồng bào đã biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và liên kết hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. 

Với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện, kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông tiếp tục phát triển. Những năm gần đây, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đều đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, toàn huyện đã có 6/8 xã đạt chuẩn NTM; xã Liêng S'rônh, Đạ Long đạt 18/19 tiêu chí; về nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã Đạ K’nàng và Phi Liêng đã đạt từ 15 - 18/19 tiêu chí. Đối với xã Rô Men và Đạ R’sal hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu về chuyển đổi số. Còn về kết quả thực hiện Bộ tiêu chí huyện NTM, đến nay huyện Đam Rông đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đối với công tác giảm nghèo bền vững, đến nay tổng số hộ nghèo đa chiều của huyện giảm xuống còn 1.701 hộ, chiếm tỷ lệ 11,63%; huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới còn 6,5%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, cho biết: Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, huyện Đam Rông đang tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh xây dựng NTM và phấn đấu về đích huyện NTM vào năm 2025; phát triển nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung. Đồng thời, huyện cũng đang tập trung xây dựng để hoàn thiện hạ tầng đô thị thị trấn Bằng Lăng, khu công nghiệp và các vùng phụ cận với mục tiêu định hướng phát triển thương mại, dịch vụ…