Đam Rông: Cơ bản đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt

H SA - C THÀNH 12:38, 29/04/2024

(LĐ online) - Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Đam Rông đã xuất hiện một số đợt mưa nên nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân đã đảm bảo.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông, qua theo dõi, từ cuối năm 2023 đến ngày 18/3/2024, trên địa bàn huyện xảy ra nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình các tháng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, từ trung tuần tháng 2/2024 đến trung tuần tháng 3/2024, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 1 - 2°C, số giờ nắng trong ngày từ 8 - 10 tiếng (thời gian nắng gay gắt từ 9 giờ đến 15 giờ hàng ngày); lượng mưa thiếu hụt dẫn đến mực nước tại các sông, suối và hồ chứa trên địa bàn đang xuống thấp.

Công trình thủy lợi hồ Bằng Lăng đang khá dồi dào nguồn nước, phục vụ tốt cho nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn.
Công trình thủy lợi hồ Bằng Lăng đang khá dồi dào nguồn nước, phục vụ tốt cho nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn.

Qua kiểm tra, mực nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn huyện xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,5 - 1,9 m, thấp hơn trung bình các năm trước từ 0,5 – 1m dẫn đến có khoảng 675 ha đất sản xuất thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Nhiều diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện được cung cấp đủ nước tưới, phát triển xanh tốt.
Nhiều diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Đam Rông được cung cấp đủ nước tưới, phát triển xanh tốt.

Tuy nhiên, nhờ tích cực triển khai các giải pháp phòng chống hạn từ sớm nên tình hình sản xuất nông nghiệp, nguồn nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn được đảm bảo. Ghi nhận tại trang trại nuôi cá tầm của anh Huỳnh Ngọc Thu (Thôn 2, xã Rô Men), hiện tại hoạt động chăn nuôi cá tại đây vẫn diễn ra bình thường, nguồn nước mát chảy từ núi cao xuống vẫn đảm bảo cho trang trại rộng 10.000 m2 với 80 bể nuôi cá tầm vẫn hoạt động bình thường.

“Tuy nhiên, tại một số thời điểm, để có đủ nguồn nước nuôi cá, những trang trại như anh phải lắp đặt thêm đường ống dẫn nước từ đầu nguồn, thậm chí đưa đường ống dẫn nước lên cao hơn để lấy nước. Với tình hình trên địa bàn huyện đã có mưa, nguồn nước mát từ khe suối đã khá dồi dào, mọi hoạt động của trang trại đã trở lại bình thường như trước đây” – anh Thu nói.

Hoạt động nuôi cá tầm vốn cần nhiều nguồn nước vẫn được duy trì.
Hoạt động nuôi cá tầm vốn cần nhiều nguồn nước vẫn được duy trì.

Ông Nguyễn Văn Chính – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, ngay từ cuối năm 2023, để chủ động phòng chống hạn hán trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và năm 2024, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, xác định công tác phòng chống hạn vụ Đông Xuân 2023 - 2024 và mùa khô năm 2024 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Đồng thời, lãnh đạo UBND huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn. Các cơ quan liên quan và UBND các xã đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp phòng, chống hạn như sớm hoàn thành việc sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng để tích nước, điều tiết nước tưới luân phiên và hướng dẫn, vận động Nhân dân canh tác đúng lịch thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý nhằm đảm bảo nước tưới trong mùa khô hạn.

Các trang trại nuôi cá tầm vẫn được cung cấp đủ nguồn nước.
Các trang trại nuôi cá tầm vẫn được cung cấp đủ nguồn nước.

Đối với diện tích cây lâu năm xa nguồn nước, UBND huyện đã chỉ đạo tuyên truyền vận động nông hộ sử dụng các máy bơm để bơm chuyển tưới cho cây trồng trong thời gian cao điểm mùa khô. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động nạo vét, đào các ao, hồ nhỏ để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô.

Đối với diện tích nuôi thủy sản, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các đơn vị liên quan khuyến cáo, tuyên truyền vận động người dân ổn định quy mô chăn nuôi, sử dụng các phương pháp chăn nuôi tiết kiệm nước như tái sử dụng nguồn nước, kết hợp các biện pháp xử lý sinh học, sục oxy, sông trong ao, giảm mật độ... để đảm bảo năng suất chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, hiện nay, tuy trên địa bàn huyện không còn diện tích sản xuất thiếu nước tưới nhưng về lâu dài để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn, nhất là trong thời gian cao điểm mùa khô các năm tiếp theo, UBND huyện Đam Rông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm và tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trên 19 tỷ đồng để huyện triển khai đầu tư nâng cấp, khơi thông cửa lấy nước của các công trình thủy lợi và hỗ trợ thực hiện các công trình trữ nước, tưới tiết kiệm nước trên địa bàn huyện.