Vang mãi bản hùng ca T29

KHÁNH PHÚC 01:24, 30/04/2024

Tiếng súng đã ngưng gần 5 thập kỷ, màu xanh cây trái lại về trên mọi miền Tổ quốc, những thế hệ tiếp nối ra đời, phát triển trong niềm vui thanh bình. Thời gian đang xóa dần những dấu tích quá khứ, thế nhưng ký ức về những con người làm nên cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vẫn luôn vẹn nguyên trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau. Quá khứ vệ quốc hào hùng đó của dân tộc có sự hợp sức của quân và dân T29, mật danh của Bảo Lộc trong kháng chiến chống Mỹ.

Sau 61 năm kể từ khi T29 thành lập, TP Bảo Lộc ngày nay đã và đang phát triển khang trang, giàu đẹp và là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng
Sau 61 năm kể từ khi T29 thành lập, TP Bảo Lộc ngày nay đã và đang phát triển khang trang, giàu đẹp và là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng

NHỮNG DẤU SON

T29 là mật danh của Thị ủy B’Lao (nay là Thành ủy Bảo Lộc) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được thành lập vào ngày 2/9/1963. Với vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh lỵ Lâm Đồng (cũ), quân và dân thị xã B’Lao đã kiên cường bám trụ ngay trong lòng địch, chiến đấu anh dũng để cùng với tỉnh Lâm Đồng và cả miền Nam giải phóng quê hương, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngay sau khi thành lập Thị ủy T29, lực lượng vũ trang T29 cũng chính thức ra đời (vào ngày 5/9/1963).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lịch sử truyền thống cách mạng T29 đã tái hiện sống động chặng đường 12 năm (từ 1963 - 1975) xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân và dân T29. Thị xã B’Lao là một phần của Nam Tây Nguyên thuộc Quân khu VI, phía Tây giáp miền Đông Nam Bộ, phía Đông giáp Đà Lạt (tỉnh Tuyên Đức cũ), phía Bắc giáp tỉnh Quảng Đức (tỉnh Đắk Nông), phía Nam giáp tỉnh Thuận Hải (tỉnh Bình Thuận ngày nay). Vùng đất B’Lao có địa hình đồi núi, xung quanh là rừng bao phủ. Nơi đây có đường 20 (Quốc lộ 20) ngang qua, đoạn qua thị xã B’Lao dài 20 km, là địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Trần Văn Dũng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lộc, người trực tiếp chủ biên cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng T29, cho biết: Thời điểm T29 mới thành lập gồm có 5 đồng chí, đồng chí Trần Tích làm Bí thư Thị ủy và 4 đồng chí còn lại là ủy viên. Thời kỳ này, T29 có hơn 24.000 dân, hoạt động trong phạm vi 13 xã, trong đó có 12 xã nằm trong vùng địch kiểm soát. Thời điểm đó, vùng căn cứ hoạt động của T29 là xã Tà Ngào (nay thuộc Lộc Thành và Lộc Nam, huyện Bảo Lâm). 

Thời điểm này, quân địch đã tăng cường Trung đoàn 44 phối hợp với lực lượng tại chỗ và Trung đoàn 54 đóng tại Di Linh mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn hòng chiếm lại những vùng đất đã mất ở B’Lao. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lực lượng vũ trang T29 với “kim chỉ nam” cách mạng là khởi nghĩa giành chính quyền bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu; đồng thời, kết hợp với lực lượng vũ trang, tấn công địch cả 2 mặt quân sự và chính trị. Từ đó, tổ chức lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng quần chúng và đấu tranh với địch giành thắng lợi từng phần.

Thực hiện chủ trương này, phong trào cách mạng T29 đã liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng và Tiểu đoàn 186 của Khu ủy VI, quân và dân T29 liên tục tấn công địch bằng thế “2 chân, 3 mũi” trên khắp địa bàn. Qua đó, góp phần cùng cách mạng miền Nam đánh bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, tạo thế và lực mới đưa phong trào cách mạng tại địa phương tiếp tục phát triển. Từ năm 1965 đến năm 1968, lực lượng vũ trang T29 tiếp tục tấn công địch trên một số địa bàn xung yếu, kết hợp với 8 phong trào xây dựng làng, xã chiến đấu; đồng thời, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trong vùng bị địch tạm chiếm. 

Từ ảnh hưởng của công tác binh vận, ngày 9/6/1966, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ T29 đã diễn ra cuộc đấu tranh của hơn 2.000 đồng bào thị xã B’Lao xuống đường chống ngụy quyền. Tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân T29 đã góp phần cùng với quân và dân miền Nam đẩy địch vào thế bị động, tiến thoái lưỡng nan về chiến lược, buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Paris.

• VANG MÃI BẢN HÙNG CA

Đến năm 1969, Đại hội đại biểu Đảng bộ T29 lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của 35 đại biểu thuộc 18 tổ chức cơ sở đảng. Đến năm 1974, Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ T29 được tiến hành với sự tham gia của 40 đại biểu của 20 tổ chức cơ sở đảng. Sau mỗi lần đại hội, sức mạnh của Đảng bộ và lực lượng vũ trang T29 không ngừng được nâng cao. Qua đó, Đảng bộ T29 đã trực tiếp lãnh, chỉ đạo lực lượng vũ trang, các đội công tác, du kích mật phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng và bộ đội chủ lực của Trung ương cục miền Nam đánh địch hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.

Trong giai đoạn này, có thể kể đến trận đánh phá hủy hậu cứ Lữ đoàn dù 173 của Mỹ tại sân bay Khu 6, thị xã B’Lao (nay thuộc Phường 2, TP Bảo Lộc). Đại tá Nguyễn Đức Phó (77 tuổi, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng), nhớ lại: Đêm 18 rạng sáng ngày 19/01/1969, Đại đội Đặc công thuộc Tiểu đoàn 759 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) nổ súng tập kích vào Lữ đoàn dù của địch. Cùng lúc, đơn vị nữ Pháo binh 8/3 đã bắn hàng trăm quả đạn cối 82 ly vào tòa hành chính và sân bay Kon Hin Đạ; đồng thời, quân và dân T29 nổ súng từ nhiều hướng để ngăn địch đưa lực lượng chi viện cho Lữ đoàn dù. Bị chúng tôi tập kích bất ngờ, số đông quân Mỹ trong các dãy nhà, lô cốt bị tiêu diệt, chống trả yếu ớt. Hơn 30 phút đánh vào hậu cứ, chúng tôi đã phá hủy 1 máy bay trực thăng, 1 khẩu pháo, 4 xe quân sự, đốt cháy 1 kho xăng và đánh sập 24 lô cốt, hầm chiến đấu của quân Mỹ. Kết thúc trận đánh, mặc dù không chiếm được hậu cứ của địch nhưng đã giáng một đòn cực mạnh làm thiệt hại nặng về phương tiện chiến tranh và hao tổn sinh lực địch.

Trong những năm 1974 - 1975, Tây Nguyên được xác định là vùng trọng điểm và Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng là hướng chiến lược quan trọng, Bộ Tư lệnh Miền đã giao nhiệm vụ cho Lâm Đồng và Sư đoàn 7 chuẩn bị tổ chức chiến trường, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng thị xã B’Lao. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các lực lượng của T29 cùng tham gia chuẩn bị các điều kiện và bí mật dẫn các “mũi” của Sư đoàn 7 tấn công trên trục đường 20 vào thị xã B’Lao. Theo cuốn Lịch sử cách mạng T29 ghi lại, trong thời gian này, khi Sư đoàn 7 và Tiểu đoàn 759 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng cũ) tiêu diệt địch đến đâu thì quân và dân T29 tiếp quản vùng giải phóng đến đó.

Lúc 9 giờ 30, ngày 28/3/1975, các lực lượng của ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở thị xã B’Lao. Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên tòa hành chính ngụy. Tiếp đó, là các tiểu khu và nhiều nơi khác trong thị xã B’Lao được giải phóng hoàn toàn, không còn bóng địch.

Ghi nhận những thành tích của quân và dân T29, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Trong đó, xã An Lạc (Lộc An), xã Lộc Nam, xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm ngày nay) được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. T29 còn có liệt sĩ Lê Thị Pha, liệt sĩ Nguyễn Văn Mười (Mười Trúc) và liệt sĩ Lại Hùng Cường được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Cùng với đó, hàng trăm huân, huy chương, bằng khen của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương trao tặng cho hàng trăm người con ưu tú khác ở vùng đất B’Lao huyền thoại vang mãi bản hùng ca T29.

Nói về lịch sử truyền thống cách mạng T29, Đại tá Trần Tấn Công (94 tuổi, nguyên Thị đội trưởng Thị đội B’Lao), khẳng định: “Đó là chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh, nhắc nhở tất cả chúng ta mãi mãi khắc ghi, đoàn kết vươn lên xây dựng TP Bảo Lộc ngày càng tươi đẹp”.

Gặp chúng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử trên vùng đất Bảo Lộc đang ngày càng phát triển, giàu đẹp, bà Lưu Thị Thanh An - Trưởng Ban liên lạc T29, nguyên Bí thư Thị ủy Bảo Lộc đã kể cho chúng tôi nghe và bày tỏ lòng kính trọng, nhớ thương vô hạn đối với các đồng chí, đồng đội, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang của vùng đất B’Lao… Họ đã chiến đấu kiên cường, bất khuất, hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng là những tấm gương sáng  để thế hệ hôm nay và mãi về sau nguyện học tập noi theo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.