Nếu giải được bài toán đặc thù về văn hóa của người theo đạo Hồi (điểm đến, điểm lưu trú, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn Halal - tiêu chuẩn thực phẩm Hồi giáo...), cùng nhân sự chuyên biệt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cho dòng khách này, thì thị trường khách du lịch Hồi giáo rất nhiều tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ, trong năm 2024, thị trường khách du lịch Hồi giáo là một trong những thị trường đơn vị quan tâm xúc tiến |
Theo ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam, lưu trú dài ngày, mức chi tiêu mạnh, lượng người đi đông... là những nét nổi bật của dòng khách Hồi giáo. “Thường khi đi du lịch, người theo đạo Hồi hay đi cùng nhóm, rất hiếm khi đi riêng lẻ. Nhóm ít nhất là 5 người. Nhóm đông nhất 50 người. Trong quá trình đi du lịch, mức chi phí cho các dịch vụ du lịch của người Hồi giáo lại rất cao, từ 800 ngàn đồng đến 5 triệu đồng/đêm”, ông Cương chia sẻ. Tiềm năng từ thị trường khách du lịch Hồi giáo rất lớn. Tuy vậy, thu hút dòng khách này đến Việt Nam và Đà Lạt - Lâm Đồng là một thách thức không hề nhỏ.
15 năm kinh nghiệm trong thiết kế tour và xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện với người theo đạo Hồi, ông Cương cho rằng, để tiếp cận thị trường khách du lịch Hồi giáo cần trả lời được 2 câu hỏi: Một, cho ăn gì? Hai, ngủ như thế nào? Bởi người Hồi giáo có những đặc thù trong ăn uống, cũng như trong ngủ nghỉ. “Tôi lấy ví dụ, người Hồi giáo tuyệt đối không ăn thịt heo. Thế nên, tất cả những thứ liên quan đến thịt heo như Knorr chẳng hạn cũng không được nêm nếm vào thức ăn. Những loại thịt động vật khác phải được giết mổ theo nghi thức của người Hồi giáo thì người Hồi giáo mới ăn. Ngủ cũng vậy, trước khi đi ngủ, bao giờ người theo đạo Hồi cũng phải cầu nguyện. Mỗi ngày, người Hồi giáo hành lễ 5 lần. Đặc biệt, thứ 6 hàng tuần, người Hồi giáo nhất định phải đến thánh đường để thực hiện các nghi lễ theo niềm tin tôn giáo của mình”, ông Cương cho biết. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch cho người theo đạo Hồi nói thêm: qua cập nhật cơ sở hạ tầng, ở Việt Nam hiện nay mới chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh và An Giang là có các cơ sở tôn giáo phục vụ nhu cầu tâm linh của những người theo đạo Hồi. Nhiều địa phương chưa có hạ tầng du lịch chuyên biệt này để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch Hồi giáo. “Tôi đã khảo sát cơ sở hạ tầng dịch vụ cho dòng khách Hồi giáo ở Đà Lạt và thấy Đà Lạt đã có một số nhà hàng, điểm ăn uống phù hợp với người Hồi giáo. Tiếc là nơi đây lại đang thiếu những điểm để người Hồi giáo đến đấy cầu nguyện”, ông Cương nói. Một vướng mắc nữa, xuất phát từ trang phục đặc thù của người theo đạo Hồi đã gây ra sự tò mò, dẫn tới những biểu cảm không nên có của người dân địa phương đối với dòng khách này tại những tuyến, điểm đến.
Từ thực tế trên, ông Cương bảo, ngành Du lịch cần phải cải tạo cơ sở dịch vụ, điểm đến, điểm lưu trú, điểm cầu nguyện... để phục vụ riêng cho du khách Hồi giáo, bên cạnh việc đào tạo nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, phải tạo cho du khách Hồi giáo có cảm giác an toàn, thuận tiện, nhất là khi khách đến giờ cầu nguyện. “Du khách Hồi giáo khi đi du lịch rất thích mua sắm các sản phẩm đặc thù của địa phương. Ở Đà Lạt - Lâm Đồng, đó là atisô, tơ lụa, trà và cà phê...”, ông Cương nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin