Xã anh hùng vững bước đi lên

CHÍNH THÀNH 09:13, 28/04/2024

Lộc Bắc, “cái nôi” nuôi dưỡng phong trào cách mạng một thời nghèo khó giờ đã phát triển ổn định trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn cùng đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Đường giao thông sạch sẽ, khang trang ở xã anh hùng Lộc Bắc
Đường giao thông sạch sẽ, khang trang ở xã anh hùng Lộc Bắc

Cách trung tâm huyện Bảo Lâm khoảng 35 km, xã Lộc Bắc hiện có 4 thôn, 11 buôn. Tổng số dân hiện có 1.517 hộ và 5.858 nhân khẩu với 12 dân tộc cùng sinh sống, phần lớn người dân phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Thống kê đầu năm 2024, cả xã còn 53 hộ nghèo/134 khẩu (chiếm tỷ lệ 3,49%) và hộ cận nghèo 47 hộ/185 khẩu (chiếm tỷ lệ 3,09%).

Và từ vùng đất có tỷ lệ hộ nghèo trên 80% những năm 2000 trở về trước, hạ tầng giao thông đi lại rất khó khăn, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp thì hiện tới thời điểm này, tổng thu nhập bình quân đầu người dân địa phương đạt gần 44 triệu đồng/năm. Đây là con số rất ấn tượng đối với một xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 73% và mới cách đây hơn 6 năm (2017) thu nhập bình quân đầu người của người dân mới đạt 13 triệu đồng/người/năm.

Trong không khí kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cận kề, già K’Rao (80 tuổi, ngụ Thôn 4), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã chia sẻ, ông và bà con nơi đây vui mừng, phấn khởi bởi cuộc sống đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Ông kể, giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Lộc Bắc với mênh mông núi rừng, nhà dân ở thưa thớt nhưng đã trở thành căn cứ cách mạng quan trọng. Nhiều lần lực lượng du kích xã được Tỉnh ủy Lâm Đồng, Huyện ủy K1 chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng địa phương đánh các trận chiến ác liệt, tiêu diệt nhiều đối tượng địch.

Người dân xã anh hùng Lộc Bắc có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp và lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đầu năm 2024 đã tăng lên 44 triệu đồng/người/năm
Người dân xã anh hùng Lộc Bắc có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp và lâm nghiệp, thu nhập bình quân đầu người đầu năm 2024 đã tăng lên 44 triệu đồng/người/năm

Một trong những trận chiến già K’Rao nhớ rõ là trận đánh ác liệt đêm 27 tới rạng sáng ngày 28/3/1975. Cùng tiếng súng xung phong giải phóng miền Nam, giải phóng tỉnh nhà, tại đồi B’Trú (Thôn 4) suốt nhiều ngày đêm, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Lộc Bắc hỗ trợ lương thực phục vụ chiến trường, mở đường tiến công, sát cánh cùng lực lượng vũ trang tỉnh dồn dập bắn pháo 130 ly vào các cứ điểm trọng yếu của địch, giúp các đơn vị thuận lợi tấn công, tiến tới giải phóng hoàn toàn thị xã B’Lao.

Là cán bộ trẻ sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng, bà Ka Hương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc cho biết, những năm đầu sau giải phóng, phương thức canh tác chủ yếu của bà con là phát rừng làm rẫy với những công cụ thô sơ như rìu, xà gạc, dùng gậy chọc lỗ để trỉa hạt đậu, ngô... nên đời sống khó khăn trăm bề. Tuy nhiên, qua từng năm nỗ lực, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các Chương trình hỗ trợ 30a, 135 và các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản có trọng tâm, trọng điểm nên từ đó bộ mặt buôn làng có nhiều khởi sắc, đạt thành tựu đáng ghi nhận.

Người dân đã bắt đầu thích nghi với đời sống định canh, định cư, từng bước ổn định sản xuất, phát triển kinh tế vườn hộ, trồng xen cây công nghiệp dài ngày như: chè, cà phê, cây ăn trái, nhận khoán và bảo vệ rừng... đồng thời, tăng cường trồng xen, tái canh để tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, từ khi địa phương tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, Lộc Bắc từng bước đổi thay nhanh chóng. Giao thông đi lại được cải thiện vượt bậc cùng với đó là trình độ sản xuất được cơ giới hóa, điện, nước sạch người dân được thu hưởng tăng cao, các mô hình nông nghiệp được bà con áp dụng hiệu quả,... và tới cuối năm 2021, sau nhiều năm phấn đấu, Lộc Bắc chính thức được công nhận về đích nông thôn mới.

Nhà dài truyền thống ở xã anh hùng Lộc Bắc đang quan tâm gìn giữ
Nhà dài truyền thống ở xã anh hùng Lộc Bắc đang quan tâm gìn giữ

Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc Ka Hương nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đạt được, đời sống của một số bộ phận Nhân dân địa phương hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là tình hình sâu bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và vật nuôi. Ngoài ra, do là địa bàn vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ người đồng bào DTTS cao nên công tác đầu tư phát triển, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của Nhân dân còn hạn chế. Công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, thu hút đầu tư còn thấp,...

Hiện UBND xã đang xây dựng Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các chỉ tiêu còn yếu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. “Với quyết tâm cao từ cả hệ thống chính trị, được sự hỗ trợ từ Đảng bộ, chính quyền cấp trên, Lộc Bắc sẽ tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XI đã đề ra” - bà Ka Hương thông tin.