Gần đây, liên tục những vụ bạo lực học đường ở Kiên Giang, Quảng Bình, Tiền Giang và mới đây nhất là vụ các em học sinh tại huyện Đơn Dương đánh nhau, quay clip và tung lên mạng xã hội đã khiến cho mọi người không khỏi lo lắng.
Lâu nay, người ta thường cho rằng, bạo lực học đường nảy sinh là do mạng xã hội, do phụ huynh lơ là, do trẻ nghiện game... Theo tôi, những nguyên nhân đó đúng nhưng chưa sâu sát. Có thể thấy hầu hết các vụ bạo lực học đường khi đã xuất hiện trên truyền thông thì hẳn nhiên nó đã diễn ra từ trước đó khá lâu. Điều này cho thấy việc nắm bắt tình hình của nhà trường là chưa kịp thời. Bên cạnh đó, môi trường học đường hiện nay dường như đang thiếu đi những mối tương tác bền chặt giữa các bạn học sinh với nhau, giữa thầy cô với học sinh; thiếu đi những hoạt động mang tính tập thể nhằm tạo môi trường cho các em tương tác, chung sức cùng nhau... Ở một khía cạnh khác, ta thấy trong môi trường học đường, một số học sinh vẫn còn tin rằng “nắm đấm sẽ giải quyết tất cả”, “tung clip sẽ mang đến quyền lực cho mình” thì tất yếu bạo lực sẽ là điều mà các em nghĩ tới.
Bác sĩ tâm lí người Áo - Alfred Alder từng nói rằng: “Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Với thực tế như hiện nay, hơn bao giờ hết, những người đang trong môi trường học đường cần chung một hướng nhìn và cần nhiều giải pháp tự thân hơn. Cụ thể, qua rất nhiều kênh có sẵn, ban giám hiệu, tổ chức, đoàn thể trong trường học cần phải có sự sàng lọc và đánh giá xem những nhóm học sinh nào, thời điểm nào, lớp nào, ở địa phương nào tiềm ẩn khả năng gây ra những rắc rối. Bởi có những em học sinh rất dễ nổi loạn vào thời điểm ba mẹ thiếu quan tâm; có những em rất hung hăng khi bạn cùng làng, xóm học chung trường rất “hổ báo”; có những em lại thích bắt chước bạo lực giống trong phim...
Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở về bạo lực học đường, ban giám hiệu, đoàn thể, nhất là giáo viên chủ nhiệm luôn chủ động bám sát những biểu hiện không lành mạnh trong ứng xử học đường, rà soát, đánh giá những nhóm học sinh có nguy cơ làm nảy sinh bạo lực, gặp gỡ trực tiếp các em để lắng nghe và tháo gỡ ngay từ đầu, tránh để mâu thuẫn lún sâu. Đặc biệt với xu hướng hiện nay, nhà trường thậm chí là các đoàn thể của học sinh cần chủ động tạo lập trang mạng xã hội cho phép học sinh gửi tin nhắn ẩn danh và đăng tải các bài viết giấu tên nhằm chia sẻ những tâm tư, bức xúc và đưa ra lời cầu cứu mà không sợ bị soi mói hay trả thù... Đây là cách làm vừa giúp học sinh cảm thấy được quan tâm, được lắng nghe lại vừa giúp nhà trường nắm bắt thông tin phản ảnh kịp thời.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường hơn nữa các hoạt động mang tính tập thể như giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động như “Sân khấu hóa các nội dung chống bạo lực học đường”...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin