Tiếng chày trên khu Mạ hoang 

TRẦN ĐẠI 06:42, 23/05/2024

Theo bản đồ không ảnh của chế độ cũ, khu vực Đạ Tẻh là vùng Mạ hoang, nhưng đó là căn cứ cách mạng gọi là vùng 3, sau đổi thành K4. Thời chiến tranh, nếu nói ở sóc Bom Bo người S'tiêng giã gạo nuôi quân, góp sức, góp công cho kháng chiến thì các chị em người Mạ ở buôn B’Rá vào đầu năm 1975 chỉ trong hai tuần lễ đã giã 1.500 gùi lúa phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng cũ...

Một góc thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: Hoàng Sa
Một góc thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: Hoàng Sa

Mấy ngày trước, ghé thăm già làng K’Đẹt (dân tộc Mạ) ở buôn B’Tạch. Già K’Đẹt bây giờ có điện thoại di động nên nhắn tin cho tôi: “Mầy vào buôn chơi đi, tao mới mua một chiếc xe máy cũ nhưng chạy ngon lắm, có xe rồi, tao sẽ dẫn mày đến thăm Trung tá K’Oanh để nghe ông ấy kể chuyện Tiếng chày trên khu Mạ hoang như lời hứa, nhớ vô chơi nhen mậy!”. Già làng K’Đẹt đã sống ở đầu đèo này hơn 80 mùa bông bí nở. Tuy ông được Chính phủ tặng nhà tình nghĩa nhưng ông vẫn thích ở nhà tre, có lần ông than thở: “Tao phải có nhà, cái nhà sàn riêng để nhóm lửa nuôi cái chum, cái chóe, còn ở nhà xây lạnh lắm, lâu ngày nó cũng bỏ mình thôi”.

Hôm nhận được tin nhắn, tôi phóng xe máy chạy gần 100 km từ Bảo Lộc rẽ sang Lộc Bắc mới đến buôn. Gặp tôi, ông mừng đấm vào lưng thùi thụi, ông xem tôi như người Mạ thành đạt ở miền xuôi.

Biết tôi chỉ ghé nhà để xem chiếc xe máy rồi xuôi theo đèo Con Ó xuống Đạ Tẻh, nên ông bảo: “Bây giờ, mầy ra ngã ba mua ba con cá khô và hai xị đế đem về đây, một xị và một con cá, tao cúng Yàng, còn lại tao với mầy lai rai. Có tí men rồi Yàng sẽ cho tao kể chuyện xưa”.

Nghe già K’Đẹt đề nghị có lý, tôi chạy mua một lít rượu và nữa ký cá khô đù, mỗi con to bằng hai ngón tay mang về. Già đem cá ủ tro nóng, sau đó kê lên cột nhà đập chan chát rồi bỏ vào cối giã lẫn với ớt xanh. Nhìn món cá khô được giã quết mịn màng xen lẫn màu xanh của ớt trông rất bắt mắt. Người già gốc Tây Nguyên có thói quen, muốn kể lại chuyện xưa phải có chai rượu cúng Yàng để Yàng mở mắt, mở tai cho mình. Men rượu là động lực khơi lại trí nhớ, men càng nhiều thì quá khứ càng lung linh, bao nhiêu chuyện thăng trầm của đất, của người cứ lần lượt hiện về như bộ phim trắng đen quay lại một trời ký ức. 

NGƯỜI CON CỦA NÚI RỪNG ĐẠ TẺH

12 giờ trưa, chia tay già làng K’Đẹt, lúc tiễn ra sân, ông còn căn dặn: “Xuống buôn Đạ Kla, gặp người dân tộc hỏi tên ông Trung tá K’Oanh ai cũng biết, bây giờ nó về hưu rồi, hàng ngày róc mía ngồi ăn, nhìn ra đường thôi”.

Ngay chân đèo Con Ó là vùng đất bằng, trước mặt tôi là phố xá đường rộng, nhà xây, người và xe xuôi ngược. Nhìn thị trấn Đạ Tẻh, không ai có thể tưởng tượng được vào năm 1958 trên bản đồ quân sự của chế độ cũ ghi hàng chữ “khu Mạ hoang”. Vùng đất mang tên cổ sử này đã gắn liền với các căn cứ cách mạng. Nơi đây là hành lang đi dọc các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phước Long, Đắk Lắk, còn được gọi là vùng 3, sau này là K4.

Tìm nhà Trung tá K’Oanh không khó, tuy nhà ở mặt phố nhưng ông trồng một cây xoài to và đám mía trước sân. Hầu hết dân Đạ Tẻh sống ở buôn Đạ Kla từ năm 1976 đến giờ nhiều người biết ông đến mức trân trọng. Ông K’Oanh sinh năm 1940 tại buôn Đạ Kla, tham gia cách mạng 1960, ông là một trong những giao liên cừ khôi nhất ở Nam Tây Nguyên. Có người nói nếu cộng hết chuyến đi trong đời làm giao liên của ông thì gấp mấy lần từ Sài Gòn ra Hà Nội. Ở hành lang chiến lược này, chỗ nào cũng còn in dấu chân ông. Sau khi thôi làm giao liên, ông trở thành trung đội trưởng du kích vùng 3, quản lý những tay súng bắn tỉa thiện xạ của người Mạ, K’Ho. Đến năm 1987, ông mang hàm trung tá, Phó Chỉ huy chính trị Huyện đội cho đến ngày nghỉ hưu. 

Ông K’Oanh vóc người nhỏ nhắn, cao dưới 1,6 m. Khi tôi đến, ông mặc quần đùi, khệ nệ mang bình trà và 2 cái ly kê trên vạt áo trước bụng ra gốc xoài rồi chặt 2 cây mía tiếp khách. Ông kể: “Đạ Tẻh được như hôm nay là một quá trình làm việc hết mình của chính quyền và Nhân dân, trong đó có công của người Mạ. Thời chiến tranh, nếu nói ở sóc Bom Bo người S'tiêng giã gạo nuôi quân góp sức, góp công cho kháng chiến, thì các chị em người Mạ ở buôn B’Rá vào đầu năm 1975 chỉ trong hai tuần lễ đã giã 1.500 gùi lúa phục vụ cho chiến dịch giải phóng Lâm Đồng cũ. Cũng vào đầu năm 1975, thực hiện chủ trương của trên là mở đường từ vùng 3 lên dốc Con Ó đến đồi B’Rá để đặt trọng pháo, cũng chỉ trong hai tuần, bà con người Mạ đã hoàn thành con đường dài 12 km, rồi dùng sức người kéo hai khẩu pháo 130 ly và hàng trăm quả đạn đến trận địa. Cũng chính con đường này trở thành đường hành quân cho Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7”. Ông hỏi: “Ông vừa từ dốc Con Ó xuống có ghé thăm B’Rá không? Bây giờ gọi là tỉnh lộ 725 rộng đẹp chứ ngày xưa gian khổ lắm”.

NGƯỜI CÁN BỘ HẾT LÒNG VỚI DÂN

Tiễn đưa ra khỏi nhà, cựu Trung tá K’Oanh đập vai tôi lắc lắc: “Muốn biết vùng đất này thời bình, chú mầy nên đi gặp ông Sáu, nguyên Bí thư Huyện ủy hai nhiệm kỳ, ông ấy là một trong những người lãnh đạo đầu tiên ở vùng kinh tế mới này". 

Bảy giờ sáng, tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Sáu. Đó là ngôi nhà xây kiểu Thái nhỏ nhắn theo mô hình biệt thự ở vùng sâu, vùng xa, xung quanh là vườn cây trái, trước cổng là giàn hoa tím. Ông Sáu gốc Đồng Tháp, vóc người xương xương, nói năng nhỏ nhẹ nhưng có giọng cười thoải mái của dân Nam Bộ. Ông sinh năm 1947, tham gia cách mạng 1966 nhưng sống và công tác ở Đạ Tẻh từ năm 1970 đến lúc về hưu. 

Khi được hỏi về thời xa vắng, ông xoay xoay ly trà nóng chép miệng “Việc lãnh đạo huyện kinh tế mới giống như cặp vợ chồng ra riêng với hai bàn tay trắng. Nhớ năm 1977, tỉnh Hà Sơn Bình đưa 2.000 thanh niên nam nữ vào khai hoang, đến cuối năm, nhận thêm 4.200 rồi tiếp tục nhận 1.200 thanh niên Huế, rồi 1.000 hộ dân vào xây dựng kinh tế mới. Đó là con số di dân có tổ chức, sau này bà con Tày, Nùng, Thổ di cư tự do, họ thuê xe đi từng đoàn, có khi sáng ngủ dậy đã thấy cả mấy trăm gia đình bà con dân tộc ngoài Bắc vào ở đầy trong chợ, trường học. Có dân rồi giữ được dân bám trụ nơi mới lại càng quyết liệt hơn. Sau năm 1986, các bà con nơi khác lại kéo đến trong khi huyện mới thành lập, kinh phí dự phòng chưa có, nhiều lúc cũng mất ăn mất ngủ. Công việc đầu tiên lo giải quyết nguồn điện, có điện rồi quay sang lo cái ăn cho bà con bằng cách phát triển ruộng nước với công trình thủy lợi, rồi làm chợ, huyện đuối sức phải tìm cách xoay xở tận dụng nguồn vốn Nhân dân mà không vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng”.

Ông Sáu vẫn xoay xoay ly trà, ông đưa lên đưa xuống mấy lần nhưng không uống nổi. Có lẽ cả một thời gian khó vào những năm đầu hiện về như một dòng chảy tâm thức được dịp tái hiện. “Đối với bà con dân tộc Mạ trên dưới năm ngàn người từ các buôn Đạ Kla, Đăng Mít, Con Ó... họ là những người một thời theo cách mạng tiếp tế nuôi quân tải đạn... Tôi đã ở với bà con vùng này từ năm 1972 đến nay. Người Mạ ngày xưa không quen trồng lúa nước nên chính quyền phải tổ chức cày bừa gieo hạt để bà con thu hoạch nhưng rồi họ cũng bán rồi rủ nhau về lại buôn Tố Nha, Tố Lan, Con Ó trong rừng. Sau đó, chính quyền xây dựng buôn làng mới với diện tích 500 ha tại xã Đạ Pal trồng sẵn cà phê để cho họ chủ động”, ông kể bằng âm sắc buồn buồn.

Rời vùng đất mang tên “Khu Mạ hoang” giữa lúc trời nhá nhem tối, phố xá đã bắt đầu lên đèn. Theo chủ trương của tỉnh, ba huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên sẽ gom thành 1 huyện với trung tâm hành chính là Đạ Tẻh. Nhìn thị trấn giàu đẹp hôm nay, không phải ai cũng biết đây khu Mạ hoang một thời đạn bom hủy diệt sự sống con người.