Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

VĂN VIỆT 17:34, 11/06/2024

(LĐ online) - Ngày 11/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2023 đến nay, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2024.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng UBND 12 huyện, thành tại 12 đầu cầu  trong tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến

Ông Hoàng Sĩ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng báo cáo trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 13 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 7 vụ sạt lở đất…, hậu quả 9 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 236 căn nhà, 336 ha cây trồng, cuốn trôi 1 ha ao cá, hơn 2.800 con gia cầm, gia súc, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 230 m đường giao thông, 7 cầu dân sinh, 2 điểm trường, ngã đổ 9 cột điện, ngập úng cục bộ tại một số khu vực thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; các huyện Lâm Hà, Đạ Huoai… Tổng thiệt hại ước khoảng trên 70 tỷ đồng.

Về mùa khô năm 2023, tình trạng thiếu nước diễn ra cục bộ một số điểm nằm cách xa nguồn nước, công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đưa ra các biện pháp cấp bách và lâu dài để ứng phó; đề xuất kinh phí thực hiện các biện pháp hơn 172,6 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 2 đợt mưa lớn kém lốc xoáy tại huyện Lâm Hà và huyện Cát Tiên làm tốc mái 28 căn nhà, sạt lở đất 40 m chiều dài đường tránh ngập hồ chứa nước hồ Đạ Sị, sập 60 m mương nước tưới…, ước tổng thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Về tình trạng khô hạn đã ảnh hưởng hơn 12.000 ha cây trồng, đặc biệt các khu vực ngoài khu tưới công trình thủy lợi. Dự báo những tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh có khả năng xảy ra 10- 12 đợt mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa từ 100 - 250 mm/đợt, cần đề phòng xảy ra mưa lớn kèm theo giông, lốc, sét và gió giật.

“Nhiệm vụ trong tâm những tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa bão để theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, xử lý và ứng phó có hiệu quả; thông tin kịp thời về vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó, di dời người dân đến nơi an toàn…”, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Bích nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo đầu cầu các huyện, thành trong tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh
Đại diện lãnh đạo đầu cầu các huyện, thành trong tỉnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh

Đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt cho biết trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các phường, xã tăng cường tuyên truyền, ra quân nạo vét khơi thông lòng suối, xử lý cương quyết tình trạng lấn chiếm suối; rà soát các công trình thi công; kiểm tra, cho phép chặt hạ, cắt tỉa cành những cây có nguy cơ ngã đổ cao, đảm bảo thông suốt, an toàn giao thông; huy động lực lượng hỗ trợ người dân giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra…

Tại huyện Lâm Hà, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời các phương án, tình huống ứng phó thiên tai, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất. Đồng thời rà soát, cập nhật các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất để cảnh báo; chỉ đạo các chủ công trình đập, hồ hứa nước tuân thủ quy trình vận hành an toàn…

Với huyện Đạ Tẻh, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, qua đó đã cắm biển cảnh báo; tổ chức hộ dân ký cam kết sẵn sàng sơ tán, di dời khi cần thiết. Huyện còn chủ động phối hợp các sở, ngành của tỉnh kiểm tra, đánh giá các khu vực sạt lở đất, thống nhất giải pháp chủ động phòng, chống hiệu quả..

Đáng kể, mưa lớn trong năm 2023 đã gây lũ quét, sạt lở đất chia cắt nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Và 5 tháng đầu năm 2024, hạn hán kéo dài gây thiệt hại cây sầu riêng và các loại cây trồng khác do thiếu nước tưới. Triển khai nguồn vốn dự án khắc phục ngập lụt, sạt lở đất, huyện Đạ Huoai tổ chức đấu thầu và khởi công công trình trong tháng 6/2024, phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch.   

Quang cảnh hội nghị trực tuyến
Quang cảnh hội nghị trực tuyến

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo trong những tháng còn lại năm 2024 và những năm tiếp theo phải đưa ra dự báo, giải pháp hiệu quả hơn. Theo đó những tháng còn lại năm 2024 dự báo lượng mưa lớn, kèm theo cơn bão lớn, trong khi hạ tầng thoát nước đô thị, nông thôn còn hạn chế; chuỗi các hồ chứa nước và kênh mương cần khôi phục, cương quyết xử lý tình trạng lấn chiếm. Hoặc các quốc lộ bị ngập nước, nguy cơ sạt lở vẫn còn lớn. Trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đảm bảo thực sự; chưa làm tốt những vấn đề cảnh báo sớm về dự báo thời tiết, tính toán lượng mưa, bản đồ sạt trượt. Giải pháp các huyện, thành trong tỉnh phải thành lập các tổ công tác kiểm tra các hồ chứa nước, phải cấp thiết rào chắn, cảnh báo, nếu để hậu quả trẻ chết đuối nước phải quy trách nhiệm cụ thể. Về sự cố thiên tai xảy ra thì phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt; tăng cường rà soát các khu vực sạt trượt, ngập lụt để xây dựng phương án xử lý theo thẩm quyền từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.

Ngoài ra các huyện, thành phải nâng cấp công trình, cơ sở trường học cụ thể để di dời người dân khi thiên tai xảy ra; chủ động các nguồn vốn dự phòng địa phương để đầu tư kịp thời nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn; rà soát các điểm du lịch trong tỉnh để có giải pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn khi mùa mưa lũ đến