Nối gần khoảng cách

02:04, 11/04/2012

Cung đường từ xã Đạ M'rông nối với Đạ R'sal sẽ chỉ mất chừng vài chục phút chạy xe, thay vì phải vượt đò hay vượt hàng chục km đường quanh co, hiểm trở như trước đây.

Cung đường từ xã Đạ M'rông nối với Đạ R'sal (huyện Đam Rông) chỉ dài hơn 13 km nhưng đã nối lại rất gần khoảng cách xa xôi trước đây. Khi thông đường, từ vùng Đầm Ròn sang Đạ R'sal chỉ mất chừng vài chục phút chạy xe, thay vì phải vượt đò qua sông Krông Nô hay vượt qua hàng chục km quanh co, hiểm trở như trước đây.

Thỏa nguyện mong ước của người dân nghèo vùng Đầm Ròn
Thỏa nguyện mong ước của người dân nghèo vùng Đầm Ròn

 
Người dân tự nguyện hiến đất

Tuyến đường liên xã Đạ M'rông - Đạ R'sal nối từ cầu số 7 đường 722 xã Đạ M'rông đến trung tâm xã Đạ R'sal có tổng chiều dài 13,7 km. Khi hoàn thành con đường này sẽ phá vỡ thế độc đạo, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao dân trí và đời sống của người dân 3 xã Đầm Ròn, xã Phi Liêng và các xã lân cận khác trong khu vực.

Tổng diện tích đất phải san bạt để cho tuyến đường được mở là trên 151.500 m2 đất nông nghiệp, 18.800 m2 đất lâm nghiệp của 131 hộ dân trên địa bàn hai xã. Phần lớn trong các hộ có diện tích đất nằm trong khung của tuyến đường đi qua đều là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, nhưng tất cả đều tình nguyện được hiến đất mà không đòi tiền bồi thường. Số hoa màu đang thời kỳ chuẩn bị hoặc đang thu hoạch mà huyện Đam Rông bồi thường cho người dân có đất giải tỏa chỉ vỏn vẹn gần 1,3 tỷ đồng. Ông Mai Mạnh Duy - Giám đốc Trung tâm Quản lý & Khai thác công trình công cộng huyện Đam Rông cho biết: "Việc người dân tự nguyện hiến đất để làm đường thực sự đã mang lại rất nhiều mặt tích cực cho việc tiến hành triển khai thi công. Bên cạnh đó, việc bà con nghèo không đòi tiền bồi thường đất cũng đã làm lợi và tiết kiệm cho Nhà nước kinh phí gần 4 tỷ đồng".

Anh Lơ Mu Ha Kim - người dân Đạ M'Rông, hiến 2,1 sào cà phê, điều đã cho thu năm thứ 3 (mỗi năm trên 15 triệu đồng), cho biết: "Mình hiến đất mà không đòi tiền bồi thường, bởi người dân ở đây ai cũng muốn có đường lớn để thuận tiện đi lại, di chuyển như trước đây vất vả và tốn kém lắm".
 
Đưa khu vực Đầm Ròn thoát khỏi "vùng trũng"

Khu vực Đầm Ròn của huyện Đam Rông gồm 3 xã: Đạ M'rông, Đạ Tông, Đạ Long vốn "nổi tiếng" là địa danh "rừng thiêng, nước độc", "ruồi vàng - bọ chó", nghèo và xa xôi. Những hệ lụy không mong muốn ấy đã kéo khu vực này trở thành "vùng trũng" thực sự về văn hóa, dân trí và đời sống khó khăn của người dân. Trước đây, khi muốn đến Đạ R'sal (xã giáp với Đắk Lắc có sự phát triển nhanh và mạnh nhất của huyện Đam Rông), bà con thường di chuyển bằng phương tiện đò ngang qua sông Krông Nô, tiếp tục đi đường bộ dọc theo sông rồi mới đến được chợ trung tâm Đạ R'sal. Còn nếu di chuyển theo đường bộ thì phải mất khoảng 30 km ra ngã ba Liêng Hung rồi tiếp tục di chuyển theo quốc lộ 27 thêm 30 km nữa mới tới được các điểm mua bán. Có thể khẳng định, đường Đạ M'rông - Đạ R'sal như một nút mở cho sự thoát ra khỏi "vùng trũng" của người dân nghèo ba xã Đầm Ròn.

Đường Đạ M'rông - Đạ R'sal có bề rộng nền đường 7m, lòng đường 4m, trải bê tông nhựa hạt chung, với tổng kinh phí trên 63 tỷ đồng, trong đó vốn JICA SPL VI của Nhật Bản là 34,5 tỷ còn lại là vốn đối ứng ngân sách của tỉnh. Theo ông Vũ Kim Sinh - Bí thư Huyện ủy huyện Đam Rông thì: Con đường này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh bền vững và rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm ba xã Đầm Ròn đến Đạ R'sal, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, trao đổi hàng hóa.

Còn đối với Rơ Lích Y Dring - người đã hiến 3 sào trồng cà phê thì niềm vui đơn giản và thực tế hơn rất nhiều: "Đường mở, bà con mình từ đây không còn phải vất vả để vận chuyển mỳ, khoai, cà phê ra Đạ R'sal bán nữa, mỗi ngày đi chợ, mua bán hàng hóa cũng thuận tiện hơn".

TUẤN LINH