Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lạc Dương

09:10, 09/10/2015

Với đặc thù là huyện có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Lạc Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tập trung mọi nguồn lực để phát triển vùng đồng bào DTTS. 

Với đặc thù là huyện có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vì vậy, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Lạc Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tập trung mọi nguồn lực để phát triển vùng đồng bào DTTS. 
 
Khởi sắc vùng DTTS
 
Vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất huyện Lạc Dương - Đưng K’Nớ, vốn bị coi là “ốc đảo” thường cô lập vào mùa mưa nay đã khác. Con đường Đông Trường Sơn dài 50km hoàn thành sau nhiều năm “oằn mình” chịu cảnh nắng bụi mưa lầy nối liền Đà Lạt - Đưng K’Nớ như tiếp thêm “hơi thở” cho xứ “ruồi vàng”. Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ Phi Srỗn Ha Ràng cười rạng rỡ: “Giờ việc đi lại của bà con thuận tiện lắm rồi. Các mặt hàng nông sản cũng không bị ép giá như trước. Đời sống người dân đã thật sự đổi thay từ khi có con đường này”. 
 
Người dân hai thôn vùng sâu của xã Lát là Đạ Nghịt và Păng Tiêng vui mừng khi xã chuyển trụ sở về đây. “Trước kia, muốn làm thủ tục giấy tờ gì người dân phải đi hơn 20km để ra trung tâm huyện rồi thêm khoảng 3km để đến trụ sở xã. Mất thời gian lắm, nhiều khi phải nghỉ việc nương rẫy nên nhiều người không đi làm giấy tờ như khai sinh cho con và đã bị phạt… Nay thì thuận tiện rồi, trụ sở xã chuyển vào gần, bà con không còn vất vả đi xa như trước”, chị K’Hồng - thôn Păng Tiêng, xã Lát chia sẻ. 
 
Là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Đạ Nhim đã “thay da đổi thịt” khi được đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đời sống của bà con cũng vì vậy được nâng lên đáng kể. Cùng với đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vùng DTTS đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, đưa người dân tiến đến một nền sản xuất mới, hiện đại - sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không chỉ riêng xã Đạ Nhim, giờ đây, bước chân vào xã Đạ Sar hay kể cả xã Đạ Chais xa xôi, những vườn rau, hoa trồng trong nhà kính của chính người đồng bào DTTS ngày càng nhiều, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống bà con vùng DTTS. Việc xây dựng các khu dân cư trong vùng DTTS được huyện Lạc Dương đưa vào công trình trọng điểm như Đạ Nhim, Đưng K’Nớ, Đưng K’Si… đã tạo điều kiện cho bà con DTTS có chỗ ở ổn định, yên tâm sản xuất, hạn chế tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy… 
 
Giáo dục vùng DTTS huyện Lạc Dương luôn được quan tâm và đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh DTTS trên địa bàn
Giáo dục vùng DTTS huyện Lạc Dương luôn được quan tâm và đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh DTTS trên địa bàn
 
Đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS
 
Với một huyện đại bộ phận người dân là đồng bào DTTS, trong nhiệm kỳ qua, huyện Lạc Dương đã tập trung triển khai lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất vùng DTTS như: chương trình 134, 135, giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách về giáo dục, y tế, giải quyết đất sản xuất… Đồng thời, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để có nguồn tích lũy tái đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống. Từ đó, đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện và nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện giảm xuống còn 5,26%. 100% các xã, thị trấn có đủ trường học các cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS có thêm nhiều điểm trường mới được thành lập, tạo điều kiện cho học sinh DTTS được đến trường mà không phải đi xa. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 90% và hộ sử dụng điện lưới quốc gia 99,5%, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con… 
 
Cùng với việc tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các giá trị văn hóa mới tiên tiến, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc cũng được bảo tồn và phát huy, tập tục lạc hậu được đẩy lùi, tệ nạn xã hội được ngăn chặn. An sinh xã hội được đảm bảo, trong 5 năm qua, đã có hàng nghìn lượt hộ gia đình được thụ hưởng các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, cải thiện điều kiện nhà ở, nước sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, giúp con em đồng bào các dân tộc được đến trường… với kinh phí trên 120 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đặc biệt, huyện Lạc Dương luôn quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ người DTTS. Đến nay, đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm 25,79% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ huyện. 
 
“Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn xem các chính sách cho đồng bào DTTS là chính sách được quan tâm hàng đầu để thay đổi cuộc sống vùng DTTS. Thời gian tới, huyện tiếp tục lồng ghép sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, dân sinh; hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; giải quyết đất ở, đất sản xuất đối với người DTTS; phát huy tốt vao trò của già làng, người uy tín và các chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bài trừ các phong tục, tập quán lạc hậu cản trở đến sự phát triển; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, phù hợp với năng lực, trình độ đối với cán bộ người đồng bào DTTS…”, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết.
 
TUẤN HƯƠNG