Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Phi Tô

08:11, 22/11/2016

Phi Tô vốn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 71%, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp, nên đã được quan tâm, đầu tư xây dựng trường học, hệ thống giao thông, người dân được vay vốn hỗ trợ sản xuất…

Phi Tô vốn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 71%, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) còn thấp, nên đã được quan tâm, đầu tư xây dựng trường học, hệ thống giao thông, người dân được vay vốn hỗ trợ sản xuất… Tuy nhiên, để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã còn nhiều khó khăn cần được giải quyết trong thời gian tới. 
 
Đường giao thông ở Phi Tô đang cần cải tạo. Ảnh: H.Thắm
Đường giao thông ở Phi Tô đang cần cải tạo. Ảnh: H.Thắm

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, UBND xã Phi Tô đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, chủ động đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào triển khai tại các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Cả nước chung tay xây dựng NTM”… 
 
Tính đến nay, xã Phi Tô mới đạt 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM, bao gồm: an ninh - trật tự, bưu điện, thu nhập bình quân, hộ nghèo, giáo dục, điện, quy hoạch và tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
 
Theo kế hoạch, Phi Tô sẽ đạt NTM vào năm 2020, thay vì năm 2017 như trước đây đã đề ra.
 
Với 71% dân cư là người đồng bào DTTS, các tiêu chí NTM về môi trường, giao thông, xây dựng cơ bản… còn nhiều khó khăn, khó lòng thực hiện được trong thời gian ngắn.
 
Ông Nhan Thế Anh - Phó Chủ tịch xã Phi Tô cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề xây dựng cơ sở vật chất về y tế, trường học… Ông Thế Anh cho biết, Phi Tô là địa bàn xã DTTS nghèo, các công trình công cộng như đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng… luôn được sự ưu tiên của huyện về vốn, hoàn toàn không có sự đóng góp của người dân. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu quốc gia về NTM với hình thức là Nhà nước và nhân dân cùng làm thì thực sự rất khó để hoàn thành.
 
Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của UBND huyện Lâm Hà, Phi Tô đang là địa phương về sau cùng trong việc hoàn thành các tiêu chí NTM, đây không chỉ là khó khăn của Đảng bộ và nhân dân xã Phi Tô nói riêng mà cả huyện Lâm Hà nói chung.
Cũng như những địa phương khác, cây trồng chủ lực ở Phi Tô là cà phê. Tuy hiện nay năng suất, chất lượng cây cà phê đã giảm nhưng chỉ một số ít hộ dân trong xã dám chuyển đổi sang trồng những loại cây khác như rau, hoa theo hướng nhỏ lẻ. Người dân dường như chưa thực sự mạnh dạn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong khi kinh phí của địa phương không có để hỗ trợ.
 
Giao thông là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân. Đây cũng là vấn đề nhức nhối hàng đầu ở Phi Tô. Hệ thống giao thông đường bộ toàn xã hiện dài hơn 81 km, trong đó chỉ có hơn 6,8 km đường được thảm nhựa, chiếm tỉ lệ khoảng 8,37%. Trong năm 2016, xã mới chỉ xây dựng con đường bê tông thôn Phi Suor dài 152 m với kinh phí 300 triệu đồng theo Chương trình 135. Tuyến quốc lộ 726 qua xã dài gần 19 km đã xuống cấp, các tuyến đường liên thôn, liên xã (khoảng 25 km) thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, gió bụi vào mùa nắng khiến cho việc đi lại, giao thương của đại bộ phận người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Nằm ngay cạnh UBND xã, trường mẫu giáo hiện cũng bị hư hại khá nhiều. Trường đã xây dựng cách nay khoảng hơn 30 năm, nhiều phòng học hiện nay cũng chỉ tạm bợ, không đảm bảo nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Xã có 1 hệ thống nước tự chảy tại thôn Phi Suor nhưng cũng đã bị hư hỏng, không thể cung cấp nước cho các hộ dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của xã còn lạc hậu, chưa đạt so với yêu cầu của ngành y tế. Rác sinh hoạt của người dân thải trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý, bởi xã vẫn chưa có điểm thu gom rác tập trung, đặc biệt là tại các thôn đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên…
 
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về quỹ đất sản xuất và nguồn vốn đầu tư. Hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn gây cản trở cho việc đi lại, giao lưu buôn bán. Với diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp thì xã vận động bà con tiến hành tái canh, xen canh cây bơ, cây tiêu để tăng năng suất. Nhờ vậy dự kiến trong năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã sẽ tăng lên khoảng 33 triệu đồng/năm. Đời sống của người dân nhờ vậy cũng được cải thiện từng bước. Phấn đấu đến năm 2020, xã sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, ông Nhan Thế Anh cho biết thêm.
 
Với những khó khăn trước mắt, mục tiêu đặt ra trong năm 2017, Phi Tô sẽ hoàn thành thêm 2 -3 tiêu chí. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc huy động nguồn vốn của địa phương thì việc vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm, huy động sức dân cùng chung tay, chung sức mới thực sự là “chìa khóa” để thành công.
 
HỒNG THẮM