Tình hình thiệt hại tài nguyên rừng tháng 7 đã tăng lên. Đúng như nhận định có tính khuyến cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khi đánh giá 6 tháng đầu năm 2017: "Trong chuyển biến cũng cảm thấy lo lắng, trong những tiến bộ chúng ta cũng thấy những đắn đo, trong những thành tích chúng ta cũng thấy những cái đang tồn tại, yếu kém".
Tình hình thiệt hại tài nguyên rừng tháng 7 đã tăng lên. Đúng như nhận định có tính khuyến cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khi đánh giá 6 tháng đầu năm 2017: “Trong chuyển biến cũng cảm thấy lo lắng, trong những tiến bộ chúng ta cũng thấy những đắn đo, trong những thành tích chúng ta cũng thấy những cái đang tồn tại, yếu kém”.
|
Hiện trường khai thác rừng trái phép ở tiểu khu 228, Lạc Dương đã khởi tố vụ án tháng 6/2017. Ảnh: M.Đạo |
Diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 56%!
Báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 543 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), diện tích thiệt hại do phá rừng hơn 44 ha (so cùng kỳ năm 2016 đã giảm 22,2% số vụ và 36,6% về diện tích). Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cho rằng, mức độ thiệt hại trên toàn tỉnh vẫn đang rất lớn (với 1.766 m
3 lâm sản bị thiệt hại và 440 ha diện tích rừng bị phá). Chủ tịch tỉnh cũng công khai những số liệu cụ thể so sánh đầu năm 2017 với đầu năm 2016 về lâm sản bị thiệt hại và diện tích rừng bị phá tại một số địa bàn như các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh,... Công tác quản lý đất rừng chưa chặt chẽ, xâm chiếm đất lâm nghiệp còn diễn ra nhiều nơi như Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà... gây thiệt hại nhiều về tài nguyên rừng, nhất là vùng giáp ranh.
Trong tháng 7, báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng: Toàn tỉnh đã phát hiện lập biên bản 87 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại do phá rừng 147.921 m
2.
Trong số này, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 18 vụ, chiếm 21%; vi phạm quy định về phát triển rừng 30 vụ, chiếm 34%; vi phạm quy định về quản lý lâm sản 39 vụ, chiếm 45%. Làm phép so sánh với tháng 6/2017 cho thấy số vụ vi phạm đã tăng 15 vụ và diện tích thiệt hại do phá rừng cũng tăng lên 40.984 m
2, chiếm 38%. Càng đáng tiếc, nếu so sánh cùng kỳ năm 2016, tuy số vụ vi phạm đã giảm được 65 vụ, bằng 43%, nhưng diện tích thiệt hại do phá rừng lại tăng lên 53.152 m
2, chiếm đến 56%!
Phân tích cụ thể những hành vi vi phạm trong tháng 7/2017 cho thấy, phá rừng trái pháp luật chiếm cao nhất với 29 vụ (147.921 m
2); tiếp đến là mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của nhà nước 26 vụ (26,349 m
3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại); khai thác rừng trái phép 17 vụ (80,023 m
3); vận chuyển lâm sản trái pháp luật 13 vụ (5,159 m
3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại) và cuối cùng là lấn chiếm rừng trái phép 1 vụ (1.800 m
2). Nếu lũy kế 7 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, tổng số vụ vi phạm 630 vụ, diện tích thiệt hại do phá rừng là 58,796 ha. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ vi phạm giảm được 220 vụ (26%) và diện tích thiệt hại do phá rừng cũng giảm 21,146 ha (26%) là điều đáng mừng, tuy nhiên, cần tìm hiểu những nguyên nhân chính dẫn đến tăng ở tháng 7/2017 để kịp thời khắc phục trong những tháng tiếp theo.
Nguyên nhân và giải pháp
Vấn đề là làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình hình vi phạm Luật BV&PTR vẫn là bài toán chưa thể giải được một sớm một chiều. Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm, cũng có nghĩa cần có nhiều giải pháp đồng bộ, đồng thời từ nhiều phía.
Theo Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Phạm Văn Huy, những nguyên nhân chính như: công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp chưa hiệu quả, việc giải tỏa thu hồi để tổ chức trồng rừng không kịp thời. Trong lúc đó, các đối tượng vi phạm hoạt động tinh vi, phức tạp, manh động gây khó khăn cho việc truy bắt và xử lý. Mặt khác, sự phối hợp của kiểm lâm - chủ rừng - chính quyền địa phương cấp xã, giữa kiểm lâm - công an ở một số nơi chưa tốt, còn hoạt động theo vụ việc. Việc phối hợp điều tra, xác minh, truy tìm để xử lý các “đầu nậu”, chủ đường dây mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép của các lực lượng chức năng chưa triệt để nên các hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp. Tình trạng một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư còn buông lỏng công tác BVR và PCCCR, chưa tổ chức lực lượng đủ mạnh để thực hiện việc ngăn chặn, đẩy lùi dần, tiến tới xóa bỏ triệt để các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên lâm phần được thuê. Tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.
Để thời gian tới giảm thực sự vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại, trước hết, cả hệ thống chính trị phải thực hiện một cách quyết liệt và thực sự có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như địa phương. Ví dụ, Chỉ thị 13/CT-TW của Ban Bí thư, các Quyết định của Thủ tướng như 622, 38, 49; các Chỉ thị của Thủ tướng như 12, 08, 1689; Thông báo 191 của Văn phòng Chính phủ; Kế hoạch 25 và Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy và 09 của UBND tỉnh Lâm Đồng... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức đổi mới, có hiệu quả sâu rộng; xử lý mạnh tay đối với các điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.
Đối với ngành Kiểm lâm, vấn đề là tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Chỉ thị 3714 của Bộ NN&PTNT về tăng cường chấn chỉnh hoạt động... Mặt khác, vẫn là nhiệm vụ thường xuyên nhắc đến, đó là tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các doanh nghiệp được giao, thuê triển khai dự án phải có phương án bảo vệ rừng hữu hiệu nhất. Theo đó, phát huy hiệu lực quản lý nhà nước, cần xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm Luật BV&PTR... Chỉ có thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án QLBVR, PCCCR; phấn đấu giảm các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng mới góp phần thực hiện được mục tiêu chung năm 2017 là giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR và giảm ít nhất 50% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng gây ra so với năm 2016.
MINH ĐẠO