Làm gì để chấn hưng văn hóa đọc sách?

05:10, 24/10/2019

Thời gian gần đây, thuật ngữ "văn hóa đọc" được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản hành chính cũng như trong các bài viết trên báo chí. Tuy nhiên, theo chúng tôi thuật ngữ này nếu chỉ để áp dụng cho việc đọc sách là chưa chính xác...

Thời gian gần đây, thuật ngữ “văn hóa đọc” được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản hành chính cũng như trong các bài viết trên báo chí. Tuy nhiên, theo chúng tôi thuật ngữ này nếu chỉ để áp dụng cho việc đọc sách là chưa chính xác. Bởi trong thực tế, ngày nay, việc đọc trên mạng internet là khá phổ biến, nhất là đối với lớp trẻ. Vì vậy, để tránh sự ngộ nhận, chúng tôi sử dụng thuật ngữ văn hóa đọc sách, để thay thế cho thuật ngữ văn hóa đọc.
 
Theo công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì mỗi năm trung bình người Việt Nam đọc được 0,8 cuốn sách, và ngay tại các thư viện công cộng thì tỷ lệ này chỉ là 0,38 cuốn sách. Đây quả thật là con số đáng buồn. Cũng nói thêm là, hai đối tượng có ảnh hưởng quan trọng nhất, lớn nhất đến việc đọc sách của con trẻ là gia đình và nhà trường, thì cũng chưa được quan tâm đến. Trong gia đình, thì cha mẹ suốt ngày phải lo toan, lăn lộn với cuộc sống để mưu sinh. Còn trong nhà trường, thì giáo viên chạy đua với giáo án, nên phần lớn các học sinh cũng chỉ chăm chỉ đọc những kiến thức trong sách giáo khoa, các em hầu như không được các thầy, cô giáo khuyến khích thói quen đọc sách hay hướng dẫn phương pháp để chọn cho mình một cuốn sách phù hợp…
 
Tùy vào nhu cầu của mỗi người, sách phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu hay đơn thuần chỉ là để giải trí. Nhưng tựu trung lại, đọc sách hay nói rộng ra, văn hóa đọc vẫn là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nó góp phần xây dựng nên nền tảng tri thức và nhân cách của con người. Nếu trước kia, dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chật chội, nhưng mỗi ngày đều có từ 100 - 200 lượt tài liệu luân chuyển, thì bây giờ bạn đọc chỉ đến thư viện để lướt web, chơi game, con số bạn đọc sử dụng tài liệu thư viện chỉ khoảng 40-50 người. Hiện nay, bình quân mỗi thư viện công cộng trong cả nước có khoảng hơn 200.000 bản sách, báo. Hàng năm, mỗi thư viện còn được bổ sung trên dưới 10.000 bản sách báo. Đó là một cố gắng rất lớn của Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng hẳn trong số đó, có rất nhiều cuốn sách chưa từng được độc giả ngó ngàng gì tới…
 
Ngày nay, có nhiều lý do để bạn đọc không đến với thư viện. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự phát triển ồ ạt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Vô tuyến truyền hình, máy tính, điện thoại thông minh… với sự bùng nổ của internet đã làm cho người ta dễ dàng quên đi thói quen đọc sách để thay vào đó là lướt web, nghe nhạc, xem phim, chơi game… Một bộ phận không nhỏ lớp trẻ bây giờ còn dành quá nhiều thời gian cho việc vào Facebook, hoặc nếu có đọc thì họ chỉ còn biết đọc truyện tranh...
 
Vậy thì chẳng lẽ văn hóa đọc sẽ không thể phát triển trong xã hội hiện đại? Câu trả lời là: Không! Ngược lại, nó sẽ phát triển nếu chúng ta có cách tiếp cận cũng như phương pháp thực hiện một cách đúng đắn để sách trở nên gần gũi, dễ đọc, và dễ dàng tìm kiếm hơn với người đọc. Hay nói cách khác là chúng ta phải xây dựng lại phong trào đọc sách phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, trước hết là ở các em học sinh. Phải chăng đã đến lúc giữa hai ngành văn hóa và giáo dục cần ban hành một văn bản có tính quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các thầy cô giáo trong việc hướng dẫn cũng như khuyến khích các em học sinh đọc sách. 
 
Muốn cho văn hóa đọc sách được chấn hưng và phát triển, khâu đột phá phải bắt đầu từ lứa tuổi thiếu nhi. Cả một kho tàng các cuốn sách nổi tiếng trong và ngoài nước viết cho thiếu nhi cần phải được gia đình và nhà trường, đặc biệt là trong hệ thống các thư viện công cộng và thư viện trường học giới thiệu một cách hệ thống và tạo điều kiện tối đa cho các em đến với sách. Năm 2018, Thư viện tỉnh Lâm Đồng được Tập đoàn Vingroup tặng 1 ô tô thư viện lưu động. “Xe thư viện đa phương tiện lưu động” là mô hình Thư viện mới được Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015. Thư viện tỉnh đã phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Đà Lạt xây dựng các hoạt động thư viện trong hệ thống trường học, tổ chức chuỗi các chuyến đi phục vụ sách bằng xe lưu động đến các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Lạt, bước đầu đã có hiệu ứng tích cực.
 
Với phương châm “sách đi tìm người” và từ thành công của việc đem sách phục vụ tại các trường học trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Thư viện tỉnh tiếp tục đưa sách đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phục vụ bạn đọc. Để bạn đọc tìm đến sách, cán bộ Thư viện tỉnh cũng đã biên soạn ra những thư mục với các chủ đề như “Em yêu khoa học”, “Festival Hoa Đà Lạt”, “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”… nhằm hệ thống hóa, giới thiệu sách hay có trong thư viện theo chủ đề để bạn đọc dễ tìm kiếm chủ đề mình quan tâm. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, bạn đọc đã biết cách mở cánh cửa khám phá thế giới chung quanh mình từ những quyển sách nhỏ xinh.
 
Nhằm chấn hưng văn hóa đọc sách, thiết nghĩ các ngành liên quan, mà trước hết là ngành thư viện cũng cần phải đổi mới cách tuyên truyền giới thiệu sách theo cách “mưa dầm thấm sâu”. Sách là món ăn tinh thần, vì thế, hãy đem đến cho người đọc những món ăn hợp vệ sinh nhưng lại phải hợp khẩu vị của mỗi người, trong đó yếu tố “vệ sinh” phải là điều kiện bắt buộc. Muốn vậy, những người có trách nhiệm làm công tác này phải thực sự “kiểm nghiệm” trước, cần chủ động tìm hiểu, giới thiệu cho bạn đọc những sách hay, phù hợp với nhu cầu, sở thích của bạn đọc, để từ đó thu hút độc giả đến với thư viện nhiều hơn.
 
Nhà văn M. Gorki từng nói “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để đi tới gần con người”. Sách luôn đem lại những nấc thang mới cho sự phát triển. Bao thế hệ đi trước đã thắp sáng ngọn lửa trong tâm hồn của mỗi người đọc, để ngọn lửa ấy duy trì mãi mãi sự bừng sáng của cây đuốc tri thức cho các thế hệ mai sau, trách nhiệm ấy là của chính bạn.
 
VŨ HẠNH