Chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già...
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng có ý nghĩa rất lớn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động tự do khi tuổi về già. Chính vì tính ưu việt đó của chính sách BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức ra quân tại 12 huyện, thành phố nhằm tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến gần với người dân hơn.
|
BHXH huyện Lâm Hà phối hợp với Bưu điện huyện ra quân tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. |
Với mục tiêu đưa chính sách BHXH đến gần người dân, các buổi ra quân của BHXH và bưu điện 12 huyện, thành phố đã “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để từng bước đặt nền móng, xây dựng lòng tin và giúp người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách BHXH.
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: Người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng; người không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, tổ, khu phố; NLĐ giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng lương; nông dân, lao động tự tạo việc làm gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình…
Về mức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (29.800.000 đồng), tương ứng mức đóng thấp nhất hiện nay bằng 138.600đ/tháng và cao nhất bằng 6.540.000đ/tháng.
Về phương thức đóng, có thể lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng đóng 1 lần, 6 tháng đóng 1 lần, 12 tháng đóng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần. Đặc biệt, đối với trường hợp đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Hiện, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.
Nghị quyết 28 ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu thiết kế chính sách BHXH theo hướng đa tầng, với mục tiêu các tầng chính sách sẽ hỗ trợ và bổ sung cho nhau để đảm bảo an sinh cho người dân. Từ đó, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đã đưa ra phương án để mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đều được đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống, điển hình là linh hoạt trong điều kiện để được hưởng lương hưu. Trước đây, Luật BHXH luôn khẳng định tối thiểu 20 năm đóng BHXH, NLĐ mới có cơ hội được hưởng lương hưu, nhưng trong thời gian tới sẽ có lộ trình giảm dần từ 20 năm xuống còn 15 năm để đảm bảo người dân ai ai cũng có lương hưu và cuộc sống hạnh phúc khi về già.
VÕ LAN