Xã Hòa Bắc, huyện Di Linh đã đổi thay từng ngày với hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư xây dựng, đời sống kinh tế của người dân phát triển ổn định, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
Xã Hòa Bắc, huyện Di Linh đã đổi thay từng ngày với hạ tầng cơ sở nông thôn được đầu tư xây dựng, đời sống kinh tế của người dân phát triển ổn định, bộ mặt nông thôn khởi sắc.
|
Hạ tầng cơ sở từng bước được hoàn thiện. Ảnh: L.Phương |
Là xã có 1.992 hộ sinh sống ở 18 thôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, sau khi Hòa Bắc được công nhận là xã nông thôn mới, từ cuối năm 2015 đến nay, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục xây dựng và phát triển xã trên cơ sở kiện toàn các tiêu chí còn chưa đảm bảo 100% (như giao thông, thủy lợi, điện, thiết chế văn hóa); đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng các bộ tiêu chí đã đạt chuẩn. Đến nay, các tiêu chí phát triển sản xuất (bò sữa, hợp tác xã chăn nuôi, hợp tác xã nông nghiệp) đều phát triển ổn định, hiệu quả.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số thôn, anh Trần Văn Năng - Bí thư Đoàn xã Hòa Bắc chia sẻ: “Trước đây, đường giao thông đi vào các thôn chủ yếu là đường đất, gồ ghề, mùa mưa thì lầy lội, việc sinh hoạt đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi xây dựng nông thôn mới, bà con rất tích cực tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường. Hàng năm, Đoàn xã cũng đã phát động phong trào và thực hiện khá nhiều công trình Thắp sáng đường quê; dọn dẹp, thu gom rác thải..., góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới”.
Là một trong những thôn đi đầu xây dựng nông thôn mới trong toàn xã, thời gian qua, Chi bộ và Ban Nhân dân Thôn 8 đã vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí khoảng 330 triệu đồng, hàng trăm ngày công lao động để cứng hóa 6 km đường làng, ngõ xóm; đồng thời phối hợp với Đoàn xã thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê” trên một số tuyến đường. Đến nay, Thôn 8 đã có 100% tuyến đường được cứng hóa và lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng. “Tuy một số hộ còn khó khăn, nhưng với sự nhiệt tình của cán bộ thôn và ý thức được trách nhiệm là người chủ thể, nên bà con trong xã đã tích cực hưởng ứng. Giờ đường sá đã khang trang, ô tô vào đến tận nhà, ban đêm có điện thắp sáng không chỉ an ninh trật tự được đảm bảo, mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng đã được nâng cao đáng kể”, ông Tô Đình Lưỡng, người dân Thôn 8 cho hay.
Riêng từ đầu năm đến nay, xã Hòa Bắc đã đầu tư vài tỷ đồng nâng cấp sửa chữa đường giao thông nông thôn, đường vào khu vực sản xuất, xây dựng công trình hồ chứa nước, xây dựng nhà văn hóa thôn và nâng cấp các phòng học.
Tính đến nay, đã có 75% nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, tổng số người tham gia BHYT đạt trên 77%, có 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh...
Xác định nông nghiệp là ngành chủ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong năm qua, xã Hòa Bắc tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu đề ra trong việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng công nghệ trong sản xuất chế biến cà phê; xây dựng các mô hình sản xuất - kinh doanh chế biến theo tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), trang trại tập trung... Đồng thời, triển khai các chương trình dự án như: Chương trình tái canh cà phê giống TS1 với số lượng 5.250 cây hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào DTTS; chương trình trợ giá giống mắc ca cho 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với 372 cây; chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 471,85 ha; các đề án chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2018 - 2022... Trong chăn nuôi đã từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, gia trại, trang trại; đồng thời phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hoạt động của HTX chăn nuôi, HTX Bơ Vũ Linh và Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAP, từng bước phát triển ổn định.
Nếu năm 2011, toàn xã có 237 hộ nghèo (chiếm 11,42%) thì đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 79 hộ nghèo (chiếm 3,72%), 106 hộ cận nghèo (chiếm 5%). Đến cuối năm 2019, xã Hòa Bắc phấn đấu bình quân thu nhập đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Ngọc Phát - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết: “Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chú trọng vào 4 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục đăng ký xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển đàn bò sữa; tập trung hoàn thiện thiết chế văn hóa, phát triển hồ đập để đảm bảo tích nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững”.
LAM PHƯƠNG