Hệ thống truyền thanh cơ sở xuống cấp là một phần nguyên nhân chính khiến những chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ít tiếp cận được với người dân vùng đặc biệt khó khăn...
Hệ thống truyền thanh cơ sở xuống cấp là một phần nguyên nhân chính khiến những chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ít tiếp cận được với người dân vùng đặc biệt khó khăn. Gói đầu tư thiết bị thông tin tuyên truyền hiện đại, lưu động, dễ di chuyển của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa thực hiện dành cho các xã vùng sâu, vùng xa hy vọng sẽ đem lại nhiều tín hiệu mới tích cực trong công tác quan trọng này.
|
Đại diện Sở TT&TT và UBND huyện Đam Rông trong buổi lễ bàn giao thiết bị. Ảnh: Đ.Lộ |
Công tác tuyên truyền luôn là kênh mang đến cho người dân địa phương những thông tin bổ ích, đồng thời tham gia một cách tích cực và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Từ nhiều năm qua, thông tin tuyên truyền luôn là một kênh quan trọng và nhanh nhất để thực hiện nhiệm vụ cổ động, phổ biến đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Huỳnh Minh Hải - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 147 xã, phường, thị trấn trực thuộc 12 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố; trong đó có những xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân trí thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, phương tiện nghe nhìn còn hạn chế. Hiện tại, trên địa bàn Lâm Đồng có 122 đài truyền thanh cơ sở. Phần lớn hệ thống này được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, do đặc điểm thiết bị để ngoài trời nên đã xuống cấp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền tại cơ sở. Bởi vậy việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ thông tin tuyên truyền cho các huyện, xã nằm trong Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 là điều hết sức cần thiết”.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Hải: Việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin tuyên truyền tại các xã trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, có khả năng sử dụng lâu dài. Đồng thời phải sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo các thao tác vận hành dễ dàng, quản lý hệ thống đơn giản, dễ bảo trì, phù hợp với trình độ kỹ thuật của cán bộ phụ trách văn hóa tại các xã. Ở thời điểm hiện tại, gói đầu tư sẽ ưu tiên cho các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa có phương tiện tác nghiệp.
Theo ông Đặng Kim Tuấn - Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT): “Trước mắt sẽ đầu tư cho 8 xã, bao gồm: Mỹ Lâm (huyện Cát Tiên); Đạ Pal, Quốc Oai (Đạ Tẻh); Lộc Tân (Bảo Lâm); Đinh Trang Thượng, Gia Bắc (Di Linh); Phi Liêng (Đam Rông); Tân Thanh (Lâm Hà) và một huyện là Đam Rông. Gói đầu tư bao gồm các thiết bị âm thanh và ánh sáng như: loa nén cho biểu diễn và chịu mọi thời tiết; bàn trộn; micro không dây và có dây; đèn pha LED... với giá trị đầu tư cho mỗi bộ cấp xã là gần 60 triệu đồng và của huyện là trên 194 triệu đồng”.
Ngay tại huyện Đam Rông, công tác giảm nghèo được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; tuy nhiên, phần lớn trang thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền vẫn chưa được trang bị đầy đủ, hệ thống truyền thanh cơ sở nhiều nơi đã xuống cấp và gần như không còn hoạt động.
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trang thiết bị tuyên truyền lưu động nằm trong Dự án Truyền thông và giảm nghèo thông tin hết sức hữu ích cho những địa phương như Đam Rông. Thiết bị hiện đại sẽ giúp cho những đợt phát động, các buổi tuyên truyền hiệu quả hơn trong việc giúp người dân nắm bắt được các thông tin về chương trình giảm nghèo. Đồng thời cũng giúp các tầng lớp dân cư và người nghèo chuyển biến được nhận thức, khơi dậy được ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo, cùng chung tay trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.
ÐĂNG LỘ