Rèn luyện kỹ năng số cho sinh viên

06:11, 04/11/2019

Trường Ðại học Ðà Lạt hiện có hơn 10.000 sinh viên đang học tập. Thời gian qua, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Ðại học Ðà Lạt đã chỉ đạo Ðoàn trường, Hội Sinh viên cũng như các khoa, ngành chuyên môn không ngừng rèn luyện kỹ năng số cho sinh viên...

Trường Ðại học Ðà Lạt hiện có hơn 10.000 sinh viên đang học tập. Thời gian qua, Ðảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Ðại học Ðà Lạt đã chỉ đạo Ðoàn trường, Hội Sinh viên cũng như các khoa, ngành chuyên môn không ngừng rèn luyện kỹ năng số cho sinh viên. Từ đó, giúp nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản về chuyên môn, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là công nghiệp 4.0.
 
Sinh viên Đại học Đà Lạt tham gia tập huấn rèn luyện kỹ năng số. Ảnh: D.Nguyễn
Sinh viên Đại học Đà Lạt tham gia tập huấn rèn luyện kỹ năng số. Ảnh: D.Nguyễn
 
Anh Phan Tuấn Anh - Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết, trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì những đoàn viên, sinh viên (ĐVSV) đang ngồi trên ghế giảng đường, những người đang nỗ lực chuẩn bị hành trang kiến thức để lập thân, lập nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo hướng hoàn toàn mới. Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (bản chất là trí tuệ nhân tạo) và Internet kết nối vạn vật, không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Vì thế, ngay từ trên giảng đường đại học, ĐVSV phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào học tập, cuộc sống. Đặc biệt, việc rèn luyện kỹ năng số phải được trau dồi thường xuyên và liên tục, qua đó rèn luyện bản thân mỗi ngày, như vậy mới có cơ hội cạnh tranh việc làm sau khi ra trường và mở ra cánh cửa khi bước vào sân chơi toàn cầu hóa. 
 
Để đạt được những kết quả hữu ích trong việc rèn luyện kỹ năng số cho ĐVSV, tuổi trẻ Đại học Đà Lạt đã không ngừng nâng cao kỹ năng, văn hóa ứng xử và phản ứng với các tình huống khác nhau trên môi trường internet. Qua đó, rèn luyện cho ĐVSV luôn có ý thức khi tham gia môi trường Internet với nguyên tắc: Không nên lập nhóm, hội để nói xấu, công kích lẫn nhau; Không đăng tải, chia sẻ thông tin có thể gây xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự cá nhân của người khác hoặc làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Không khai thác trái phép dữ liệu cá nhân của người khác cho mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác. Đặc biệt là không “hùa” theo đám đông chia sẻ, nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; Không cổ xúy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án...
 
Bên cạnh đó, ĐVSV Đại học Đà Lạt cũng thường xuyên được rèn luyện kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet. Bạn Trần Thị Thảo, sinh viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết, lâu nay vẫn tìm kiếm thông tin trên mạng internet, nhưng qua bồi dưỡng, tập huấn chúng em hiểu được rằng, trên Internet có thể tìm được vô số thông tin bổ ích và các kiến thức về tất cả các lĩnh vực bởi Internet là một kho tài nguyên thông tin vô tận được cung cấp bởi hàng triệu trang Web trên khắp thế giới. Tuy nhiên, không phải thông tin nào cũng sử dụng được. Các thông tin này rất đa dạng và có thể đúng, cũng có thể sai hoặc chưa đầy đủ, do đó cần phải tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và sau đó mới so sánh, tổng hợp để có được kết quả như mong muốn. Chính vì thế, phương pháp tìm kiếm thông tin trên Internet được xem là một kỹ năng vô cùng quan trọng.
 
Một nội dung nữa mà SV Đại học Đà Lạt được rèn luyện thường xuyên đó là kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Theo Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt Phan Tuấn Anh, thì rèn luyện cho ĐVSV sử dụng mạng xã hội một cách thông minh là cách trang bị cho các bạn khả năng “miễn dịch” với các luồng thông tin không chính thống và thiếu lành mạnh. Các kỹ năng quản lý thời gian sử dụng, nội dung chia sẻ, cách đăng tải các nội dung và ý thức khi bấm nút “like” cần được rèn luyện cho ĐVSV thông qua việc tổ chức những buổi nói chuyện theo chuyên đề để các bạn có cơ hội tham gia, kết hợp với facebook, google mở những lớp kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội. Có những buổi giao lưu chia sẻ hướng dẫn SV sử dụng các trang mạng xã hội phù hợp với chuẩn mực và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tạo điều kiện, cơ hội cho SV, đặc biệt là SV năm thứ nhất có những hiểu biết và nhận thức được mạng xã hội, biết được các tác động tích cực, tiêu cực của mạng xã hội, và cần có thái độ đúng đắn đối với các trang mạng xã hội. 
 
“Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì kỹ năng số là nội dung rất quan trọng đối với mỗi chúng ta, đặc biệt là những người trẻ. Rèn luyện kỹ năng số cho ĐVSV sẽ giúp các em có thêm kiến thức vận dụng vào đời sống, học tập, rèn luyện để từ đó vững vàng khi ra trường làm việc. Vì vậy, rèn luyện kỹ năng số là nội dung sẽ được tuổi trẻ Đại học Đà Lạt thực hiện thường xuyên, liên tục trong thời gian tới”, Bí thư Đoàn Trường Đại học Đà Lạt, Phan Tuấn Anh cho biết thêm. 
 
DUY NGUYỄN