Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo tinh thần đổi mới

06:11, 12/11/2019

Ngày 9/11, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức hội nghị bầu Hội đồng trường mới. Theo đó, nhà trường sẽ phát triển theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi vừa có hiệu lực thi hành. Nhân sự kiện này, chúng tôi trao đổi với TS Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt. 

Ngày 9/11, Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) tổ chức hội nghị bầu Hội đồng trường (HĐT) mới. Theo đó, nhà trường sẽ phát triển theo tinh thần của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi vừa có hiệu lực thi hành. Nhân sự kiện này, chúng tôi trao đổi với TS Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt. 
 
* Thưa TS Lê Minh Chiến, Luật GDĐH (Luật số 34/2018/QH14, ngày 19/11/2018) vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung có một điểm rất đáng chú ý, trong đó, những việc trước đây Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp nhưng nay phân cho cơ sở GDĐH thông qua cơ chế giao quyền cho HĐT. Như vậy, HĐT sẽ có thực quyền thực sự và là yếu tố cốt lõi để đẩy mạnh tự chủ GDĐH - điều được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam, trong đó có Trường ĐHĐL. Ông có thể cho biết về chủ trương này?
 
TS Lê Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHĐL phát biểu tại bầu cử HĐT nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: M.Đạo
TS Lê Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHĐL phát biểu tại bầu cử HĐT nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: M.Đạo
* TS Lê Minh Chiến: Có thể nói Luật GDĐH được sửa đổi, bổ sung lần này điểm quan trọng nhất là tháo gỡ về cơ chế, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH tự chủ đã được thể hiện rõ. Đó là tự chủ về chuyên môn, học thuật; về tổ chức, nhân sự và về tài chính, tài sản. Theo đó, các cơ sở GDĐH công lập và tư thục được tạo sự cạnh tranh bình đẳng, năng động và hướng tới chất lượng cao hơn, hiệu quả tốt hơn của toàn bộ hệ thống GDĐH. Trong quá trình tự chủ, các cơ sở GDĐH dĩ nhiên phải bảo đảm lợi ích của người học, xã hội, phù hợp với mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước đặt ra chuẩn, quy chuẩn chất lượng để bảo đảm cơ sở GDĐH hoạt động đúng định hướng, nâng cao chất lượng. Nhà nước tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, quy định để bảo đảm các cơ sở GDĐH tăng trách nhiệm giải trình với người học, xã hội, Nhà nước, và với các bên có liên quan.
 
* Một trong những điều chỉnh quan trọng của Luật GDĐH lần này là đã đưa ra những cơ chế tích cực để HĐT có thực quyền trong hoạt động của nhà trường?
 
* TS Lê Minh Chiến: Việc trao quyền lớn cho HĐT theo tinh thần mới, không chỉ là chức năng quản trị các hoạt động trong nhà trường mà còn đại diện cho tiếng nói của người học, tiếng nói của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội trong việc quyết định phương hướng phát triển, sử dụng nguồn lực phù hợp, hiệu quả. Quyền quản lý nhà nước được tách bạch với quyền quản trị của nhà trường. Quản lý nhà nước chỉ tập trung những vấn đề lớn như chiến lược của GDĐH, quy hoạch, kế hoạch phát triển của GDĐH để thúc đẩy toàn bộ hệ thống phát triển. 
 
* Và cũng theo tinh thần đổi mới này, đã có những quy định rất rõ về quyền hạn, trách nhiệm của HĐT và hiệu trưởng?
 
* TS Lê Minh Chiến: HĐT là tổ chức quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ của trường. Trong quy chế này, quy định rõ ngân sách hoạt động HĐT là bộ máy tổ chức hoạt động trường bao gồm các tổ chức chức năng, và phân cấp các nhiệm vụ cho hiệu trưởng. HĐT vừa có bộ máy và ngân sách hoạt động, không phụ thuộc vào hiệu trưởng; vừa có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy; quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tiêu chuẩn giảng viên theo quy định của pháp luật. HĐT thực hiện chức năng quản trị trường, quyết định định hướng phát triển trường, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính...Hiệu trưởng thực hiện chức năng quản lý, điều hành các hoạt động nhà trường theo chiến lược chính sách chung mà HĐT quyết định.
 
* Là cơ sở GDĐH lớn ở Tây Nguyên và khu vực miền Trung, có bề dày đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong tình hình đổi mới GDĐH, ông cho biết vài nét khái quát có tính chiến lược sắp tới của Trường ĐHĐL để phát huy những mặt ưu thế và vượt qua những khó khăn thách thức?
 
* TS Lê Minh Chiến: Đối với Trường ĐHĐL, ngay từ giai đoạn năm 2014 đến nay, Trường đã là một cơ sở giáo dục thành lập HĐT sớm trong hệ thống GDĐH. Ngày 9/11 vừa rồi, Trường ĐHĐL đã tổ chức bầu HĐT mới, nhiệm kỳ 2019-2024, theo tinh thần đổi mới của Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung. Đó là sự thay đổi tích cực về cơ cấu thành phần của HĐT, nhằm giúp cho tiếng nói của HĐT độc lập, phản biện, khách quan, dân chủ. Nhà trường tự chủ tự quyết định sự phát triển của mình dựa trên cơ sở là theo quyết định từ một tập thể, các thành phần đại diện cho quyền sở hữu, cho các bên liên quan, không còn là một số cá nhân nữa. Điều đó giúp cho HĐT Trường ĐHĐL có tiếng nói thực sự trong hoạt động của nhà trường. Kết quả bầu cử chúng tôi đã có 19 thành viên với cơ cấu như sau: 3 thành viên đương nhiên, 6 thành viên ngoài trường và 10 thành viên đại diện cho 4 khối: Khoa học Tự nhiên - Công nghệ; Khoa học Xã hội và Nhân văn; Kinh tế - Luật - Du lịch; Phòng, Ban - Viện nghiên cứu. Kết quả nhân sự của HĐT đang chờ các cấp thẩm quyền phê chuẩn. 
 
MINH ĐẠO thực hiện