Xây dựng văn hóa ứng xử học đường

06:11, 13/11/2019

Nói về văn hóa ứng xử học đường, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định trong môi trường giáo dục...

Nói về văn hóa ứng xử học đường, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định trong môi trường giáo dục. Vì vậy, nhà trường luôn nỗ lực xây dựng văn hóa ứng xử giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa trò với trò để ứng xử với nhau trong trường học và cả ứng xử ngoài cộng đồng một cách có văn hóa.
 
Hàng ngày, học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 sẽ ra tận cổng trường đón và xách cặp cho học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2. Ảnh: T.Chu
Hàng ngày, học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 sẽ ra tận cổng trường đón và xách cặp cho học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2. Ảnh: T.Chu
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: “Muốn xây dựng văn hóa học đường, trước hết giáo viên phải giúp học sinh biết và hiểu về văn hóa ứng xử trên nền tảng gia đình đã xây dựng cho con cái mình. Theo đó, văn hóa ứng xử học đường là các phép tắc đạo đức khu xử giữa những thành viên trong trường học với nhau, với môi trường xung quanh và với chính bản thân mình, được thể hiện qua thái độ, hành vi, ngôn ngữ. Các yếu tố này, phải tuân theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mà cộng đồng xã hội thừa nhận. Ngoài ra, văn hóa ứng xử học đường còn thể hiện ở việc giáo viên và học sinh cùng nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà trường, cũng như quy định của ngành. Từ sự hiểu biết về các yếu tố làm nên văn hóa ứng xử, nhà trường sẽ lựa chọn những yếu tố văn hóa phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng học sinh để xây dựng lối sống văn hóa trong trường học, góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức của học sinh”.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, trong xây dựng văn hóa ứng xử học đường, cái quan trọng nhất mà Trường Tiểu học Trần Quốc Toản hướng đến, đó là xây dựng hành vi văn hóa. 
 
Bởi một khi có hành vi văn hóa, tự khắc sẽ có ngôn ngữ văn hóa, thái độ văn hóa. Thậm chí, ở một số trường hợp, chỉ hành vi thôi cũng đã cho thấy yếu tố văn hóa, không cần đến thái độ và ngôn ngữ. “Tại trường tôi có em Bảo Ngọc bị bệnh Down bẩm sinh. Việc giúp em Bảo Ngọc hòa nhập với môi trường giáo dục, không thể không nhắc đến vai trò của các học sinh trong trường, cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên. Chính hành vi ứng xử văn hóa của các học sinh, không kỳ thị với người khuyết tật đã đưa em Bảo Ngọc ngày càng tiến bộ, cả trong việc học tập lẫn hòa nhập với đời sống”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Nguyễn Thị Thanh Mai tâm sự. “Như vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường, không chỉ xây dựng lối ứng xử có văn hóa giữa những người bình thường với nhau, mà còn xây dựng hành vi văn hóa giữa những người bình thường với những người kém may mắn”, cô giáo Trần Châu Diễm Phương, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản nói thêm. Một giáo viên khác, cô giáo Lã Thị Lương cho hay: “Hành vi văn hóa trong học đường còn là sự nhường nhịn, chia sẻ giữa những học sinh lớp trên với những học sinh lớp dưới”. Cô giáo Lương nêu ví dụ: “Trong giờ ra chơi, các học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 (khoảng 300 em) không ai bảo ai nhưng tất cả đều chủ động nhường các học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2 (trên 400 em) đi vệ sinh trước. Tầm 10 phút sau, khi các học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2 đã đi vệ sinh xong, các học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 ai có nhu cầu đi vệ sinh thì mới thực hiện. Bởi, nếu cùng đi vệ sinh một lượt thì chắc chắn các học sinh khối lớp 4 và khối lớp 5 sẽ giành hết chỗ dẫn đến việc các học sinh khối lớp 1 và khối lớp 2 không còn chỗ. Tương tự, vào giờ tan trường, tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, các học sinh nam cũng đều chủ động ưu tiên dành lối đi cho các học sinh nữ về trước”.
 
Theo cô giáo Lương, qua những việc làm nho nhỏ như vậy, sẽ giúp học sinh dần hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, nhà trường và xã hội. “Có thể thấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường đã tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cả giáo viên và học sinh. Thầy giáo, cô giáo thì gương mẫu, chuẩn mực trong thái độ và hành vi giao tiếp, tôn trọng đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh. Học sinh thì kính trọng thầy, cô giáo, lễ phép với người lớn tuổi, thân thiện, giúp đỡ bạn bè”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản Nguyễn Thị Thanh Mai trao đổi.
 
Sự thay đổi tích cực đó, giúp học sinh và giáo viên tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh, đúng như câu khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui!”.
 
TRỊNH CHU