Lụa là... năng lượng mới

06:12, 31/12/2019

Lần thứ hai, nhà thiết kế Minh Hạnh mang đến cho mảnh đất Đà Lạt nặng ân tình buổi biểu diễn thời trang trên chất liệu tơ lụa. Để rồi một chiều cuối Đông tràn nắng lạnh trên bến Xuân Hương, lụa Bảo Lộc đã vẽ ra bức tranh nồng nàn đầy cảm xúc.

Lần thứ hai, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh mang đến cho mảnh đất Đà Lạt nặng ân tình buổi biểu diễn thời trang trên chất liệu tơ lụa. Để rồi một chiều cuối Đông tràn nắng lạnh trên bến Xuân Hương, lụa Bảo Lộc đã vẽ ra bức tranh nồng nàn đầy cảm xúc.
 
 
Năng lượng mới
 
Đến với Đà Lạt mùa Festival Hoa lần này, các NTK đã mang theo những bộ sưu tập (BST) mới nhất được sản xuất trên nền tơ lụa. Lấy ý tưởng từ những loài hoa nên các BST mang cảm hứng hoa hồng, cẩm tú cầu, hoa lan, hoa đào... đều được thể hiện sinh động bằng chất liệu tơ tằm truyền thống.
 
Đồng hành cùng NTK Minh Hạnh lần này là 18 NTK trẻ. Họ là: Chula, Cao Minh Tiến, Nhi Hoàng, Thơm Nguyễn, Công Huân, Tim Tay, Huyền Nhung Nguyễn, Trần Thiện Khánh, Ngọc Hân, Cao Duy, Phương Thanh, Hà Duy... những “bông hoa” tươi mới trong ngành thời trang Việt Nam. 
 
Ông Huỳnh Tấn Phước - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Silk House - đơn vị tổ chức các không gian tơ lụa dịp Festival Hoa 2019 cho biết: “19 BST của các NTK lần này đều sử dụng nguyên liệu tơ, lụa từ Bảo Lộc. Điểm chung của các BST là hướng tới việc tạo ra diện mạo mới cho tơ lụa Bảo Lộc nói riêng và tơ lụa Việt Nam nói chung”. Đó cũng là nhận định của NTK Minh Hạnh, bởi thông thường khi nhắc đến lụa, người ta sẽ nghĩ đó là những gì rất nhẹ nhàng, bay bổng, mong manh, nhưng lụa ngày hôm nay đã khác. Và lụa càng khác qua tư duy, cảm xúc của những NTK trẻ. Chạm tới lụa là chạm tới chất liệu khó, là một thử thách cho các NTK bởi đem lại cái nhìn mới về lụa mà vẫn giữ được tinh thần của nó là điều không dễ. Cái khó nữa khi lụa là chất liệu khó lên phom dáng trang phục và khó kết hợp màu sắc. Nhưng các NTK trẻ đã thể hiện được tình yêu, cảm xúc và sự sáng tạo trên tinh thần của lụa. Thông qua họ, lụa tràn năng lượng. Lụa sẽ đến gần hơn với tất cả mọi người và với nhiều chủng loại trang phục khác nhau. “Đó là thế hệ kế thừa, sự kế thừa đáng trân trọng” - NTK Minh Hạnh nhấn mạnh.
 
Và thực sự, các BST lần này đã đưa người xem đến với những sáng tạo trên chất liệu lụa. Điều này được minh chứng qua BST của NTK Hoàng Kiều Lai đến từ thương hiệu Genviet Jeans. Với NTK trẻ này, việc đưa lụa kết hợp với ứng dụng đồ Jean đã tạo sự khác biệt, đồng thời đưa các sản phẩm jean gần gũi với những chất liệu truyền thống. Nếu như lụa là chất liệu được đánh giá cao cấp thì Jean là chất liệu gần gũi với cuộc sống. Có không ít người nghi ngại việc hai chất liệu này khó kết hợp với nhau. Song thực tế ngược lại, sự mềm mại của lụa Bảo Lộc kết hợp với sự cứng cáp, mạnh mẽ trong chất liệu Jean đã tạo nên sự tương phản tuyệt vời, làm nên dấu ấn đặc biệt cho sản phẩm. Hai chất liệu này dường như càng tôn vinh lẫn nhau trên một sản phẩm và đi đến một kết quả chung là đến gần với công chúng và được công chúng đón nhận.
 
 
Hay bộ sưu tập của NTK Huyền Nhung Nguyễn, lấy cảm hứng từ những đóa hồng nhung, với kỹ thuật dựng khối 3D - kỹ thuật thịnh hành trên thế giới hiện nay đã mang đến kết cấu mới lạ, hiện đại hơn, làm nổi bật tính hình khối trên sự mềm mại của lụa. Các mẫu thiết kế của Huyền Nhung Nguyễn thực sự như những đóa hồng kiêu sa bên hồ Xuân Hương. 
 
Và việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã xử lý lụa trở nên cứng hơn để làm chất liệu cho NTK Công Huân làm nên bộ sưu tập lấy cảm hứng từ cây tre mà ở đó sự cứng cáp như thân tre và mềm mại như lá tre đều được làm nên từ lụa...
 
Theo NTK Minh Hạnh thì con đường duy nhất để các NTK tồn tại là các sản phẩm thời trang phải mang tính ứng dụng, phải sử dụng được trong cuộc sống. Lụa trong buổi chiều cuối Đông bên hồ Xuân Hương không còn gói mình chỉ trong váy vóc dạ hội cầu kỳ, mà lụa đã hài hòa trong trang phục dạo phố, trang phục công sở, trong những bộ suit kín đáo và cả những chiếc đầm mềm mại, quyến rũ. 
 
Để rồi trên thành phố hoa, bên sóng nước của hồ Xuân Hương xanh thắm, trên chiếc cầu gỗ trải đầy hoa cúc vàng như màu nắng ngày đông, trong những bản tình ca đậm chất phố núi của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Phạm Duy... gió mơn man thổi những tấm áo lụa. Lụa nhẹ nhàng quấn quýt lấy cơ thể các cô gái như lời thơ, như giấc mơ. Để mọi du khách ngất ngây trong sự dịu dàng của lụa. Và rồi ở đó, người trẻ nhìn thấy sự hiện đại mà tinh tế, còn những người đi qua nhiều năm tháng cuộc đời lại thấy sự nhẹ nhàng mà sang trọng. 
 
 
Lụa là... ơi!
 
Đã có những BST áo dài trên chất liệu lụa, NTK, hoa hậu Ngọc Hân cho rằng, sự biến đổi không ngừng của cuộc sống đã đem đến sự đa dạng cho chất liệu áo dài. Tuy nhiên, lụa tơ tằm tự nhiên vẫn giữ ngôi vị số một bởi nét đẹp quý phái, đầy nữ tính mà chỉ có ở lụa. Và lụa Bảo Lộc nói riêng, lụa Việt Nam nói chung không chỉ là chất liệu tuyệt vời cho các mẫu thiết kế mà còn tạo cảm hứng dạt dào trong sáng tạo. 
 
Về với Đà Lạt lần này, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang xuất hiện trong tà áo dài thiết kế trên chất liệu lụa của NTK Ngọc Hân. Và với nữ Nghệ sĩ Nhân dân, chiếc áo dài lụa mềm mại giúp tôn vẻ đẹp của người phụ nữ. Bởi vậy, áo dài lụa luôn là lựa chọn số 1 của bà cho mỗi kỳ tham dự liên hoan phim cả trong nước lẫn quốc tế. 
 
Với NTK Văn Khoa - một người con của Lâm Đồng, trước đây Văn Khoa đã thiết kế những BST trên nền lụa cho các chương trình Duyên dáng Việt Nam, khai trương Bảo tàng cà phê Trung Nguyên... Với NTK Văn Khoa: “Lụa là chất liệu quý, những sản phẩm làm từ lụa luôn chiếm một tình yêu rất lớn của chính các NTK và người mặc. Chất liệu lụa luôn chiếm được cảm tình của phân khúc khách hàng cao cấp. Và mình thực sự cũng đã dành tình yêu đặc biệt với lụa Bảo Lộc bởi tính thẩm mỹ và chất lượng. BST trình diễn trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2019 này là BST thứ 3 mình thiết kế trên chất liệu lụa Bảo Lộc”.
 
Cùng với sự phát triển của công nghệ, chất liệu lụa tự nhiên đã càng trở nên thân thiện hơn, có giá trị sử dụng cao hơn. Với lụa tự nhiên cao cấp Bảo Lộc - nơi được coi là thủ phủ mới của tơ lụa Việt Nam, loại lụa sạch chống được nhăn, nhàu, lại khử mùi tốt đã ra đời nhờ ứng dụng công nghệ se tơ và dệt hiện đại của Nhật Bản vào nguồn tơ nguyên liệu thượng hạng của địa phương, kết hợp nhuộm tự nhiên không hóa chất này đã được xuất khẩu tới nhiều nước vốn được coi là cường quốc tơ lụa, được các thương hiệu thời trang thế giới ở Italy, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan... đón nhận.
 
Một số hình ảnh các BST tơ lụa được trình diễn bên bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt
Một số hình ảnh các BST tơ lụa được trình diễn bên bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt
 
Không chỉ có biểu diễn thời trang, trong không gian tơ lụa trên bến Xuân Hương, những nhà sản xuất ngành hàng này đã tham gia tái hiện quy trình trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa. Bởi theo NTK Minh Hạnh - Tổng đạo diễn của chương trình: “Khi chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, tất cả những sản phẩm, những sáng tạo của các NTK làm ra đều phải được bộc lộ rõ nguồn gốc. Nguồn gốc càng rõ nét sẽ càng khẳng định giá trị của sáng tạo và giá trị của truyền thống. Giá trị truyền thống luôn đi song hành với sự phát triển. Tất cả sự sáng tạo của các NTK nếu không kết hợp được với các sản phẩm truyền thống thì chắc chắn bản sắc sẽ rất nhạt nhòa”. Không gian và buổi biểu diễn tơ lụa đã thu hút rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan, thưởng lãm. Họ đã trầm trồ và có lẽ họ cũng đã cảm nhận được sự quyến rũ và chất lượng của tơ lụa Việt Nam, tơ lụa Lâm Đồng.
 
Những BST của NTK Minh Hạnh luôn là sự sáng tạo bất ngờ và mang đậm bản sắc. Suốt cả năm 2019 vừa qua, NTK Minh Hạnh miệt mài sáng tạo, phô diễn vẻ đẹp của áo dài và đặc biệt là lụa Việt đi khắp mọi miền đất nước và ra cả thế giới. Những đêm trình diễn các BST ấn tượng tại Nga hay trước 191 nước thành viên của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Và lần này, NTK Minh Hạnh tiếp tục mang tới cho công chúng BST trên chất liệu lụa Bảo Lộc. Trong người phụ nữ tràn trề sáng tạo ấy vẫn tâm niệm “nhất định chúng ta phải khẳng định rằng Lâm Đồng có một thương hiệu khác đó chính là tơ lụa. Và thương hiệu này tạo ra được những giá trị về bản sắc. 19 NTK và 14 nhà sản xuất tơ lụa đã “chiêu đãi” mọi người một bữa đại tiệc về tơ lụa. Sự kết hợp này sẽ tạo ra giá trị mới cho thương hiệu của tơ lụa nói chung và tơ lụa của Lâm Đồng nói riêng”.
 
Những NTK yêu lụa đã mang lụa tung bay trên cao nguyên Lâm Viên để vẽ nên bức tranh của thiên nhiên, tình yêu và nghệ thuật. Người dân nơi đây đã được tận hưởng trọn vẹn những cảm xúc mà tơ lụa mang lại. Để rồi từ đó tơ lụa len sâu, nhen nhóm tình yêu mãnh liệt trở lại trong đời sống người dân xứ cao nguyên này. Và như thế, tình yêu lụa Việt đã sẽ không còn là câu chuyện của những người làm tơ lụa hay các nhà thiết kế, mà đó sẽ là câu chuyện của cả cộng đồng.
 
NGỌC NGÀ - VIỆT QUỲNH