Xây dựng trường chuẩn quốc gia là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và đào tạo; đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT); đồng thời là một trong những tiêu chí quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
|
Trường Tiểu học Quảng Lập-Đơn Dương điển hình về tiêu chuẩn CSVC-trang thiết bị trường học của tỉnh. Ảnh: M.Đạo |
Gần 65,3% trường đã đạt chuẩn
Năm học 2019-2020, tỉnh Lâm Đồng có 696 trường học, gồm 633 trường công lập và 63 trường ngoài công lập. Kết thúc năm 2019, cả tỉnh đã có 454 trường đạt CQG (căn cứ vào các thông tư của Bộ GD&ĐT). Trong 232 trường mầm non, có 132 trường đã được công nhận, trong đó 30 trường được công nhận mức độ 1 theo qui định tại Thông tư số 19/2018 và 102 trường (gồm 96 trường mức 1 và 06 trường đạt mức 2) theo qui định tại Thông tư số 02/2014. Đối với tiểu học, trong số 248 trường, đã công nhận 200 trường; trong đó 30 trường mức độ 1 theo qui định tại Thông tư số 17/2018 và 170 trường (160 trường đạt mức 1 và 10 trường đạt mức 2) theo qui định tại Thông tư số 59/2012. Bậc THCS có 92/159 trường được công nhận trường đạt CQG; trong đó 26 trường mức độ 1 theo qui định tại Thông tư số 18/2018 và 66 trường (đạt mức 1) theo qui định tại Thông tư số 47/2012. Bậc THPT đã được công nhận 30 trường/57 trường: 9 trường mức độ 1 theo qui định tại Thông tư số 18/2018 và 21 trường theo qui định tại Thông tư số 47/2012. Trong số các trường đạt CQG của tỉnh, một số trường nổi bật như: Mầm non 9 - Đà Lạt, Mầm non Hoa Hồng - Bảo Lộc, Mầm non Phù Mỹ - Cát Tiên, Mầm non Sơn Ca - Lạc Dương, Mầm non Hiển Linh - Đà Lạt; Tiểu học Trưng Vương - Bảo Lộc, Tiểu học Quảng Lập - Đơn Dương, Tiểu học Nguyễn Trãi - Di Linh; Tiểu học Trần Quốc Toản - Lạc Dương, THCS Tân Hà - Lâm Hà, THCS Gia Lâm - Lâm Hà, THCS Lạc Lâm - Đơn Dương, THCS Đinh Tiên Hoàng - Đơn Dương, THCS Lê Hồng Phong Đức Trọng, THCS Ma guôi - Đạ Huoai; THPT Trần Phú, THPT Chuyên Thăng Long, THPT Bảo Lộc…
Nhiều giải pháp đồng bộ và thường xuyên
Theo Sở GD&ĐT Lâm Đồng, hầu hết các cơ sở giáo dục (CSGD) được công nhận trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh sư phạm đảm bảo “xanh - sạch - đẹp”, đáp ứng được mục đích của việc xây dựng trường đạt CQG là nhằm mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho người học...
Bài học kinh nghiệm để đạt trường CQG là nhiều giải pháp song hành, đồng bộ và thường xuyên duy trì trong cả một quá trình, từ trước, sau và trong cả năm học. Bao gồm: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền; Sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, trong đó cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) cho các trường học theo hướng đạt chuẩn; Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Trên cơ sở lộ trình đã được phê duyệt, từng năm học, các cơ quan quản lý giáo dục cần lựa chọn trường theo thứ tự ưu tiên để đưa vào kế hoạch xây dựng trường đạt CQG hàng năm, đồng thời triển khai lộ trình, kế hoạch đến từng trường và từng địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Mặt khác, các CSGD có quyết tâm và thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, tham mưu có hiệu quả với các cấp quản lý trong việc đầu tư xây dựng trường CQG. Quan tâm sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục để đáp ứng các yêu cầu về đội ngũ. Trong đó, ưu tiên đào tạo nâng chuẩn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL và cán bộ dự nguồn để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý; đảm bảo đủ về số lượng, và đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Đánh giá đúng thực chất về chất lượng của đơn vị làm căn cứ triển khai lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn hàng năm. Cuối cùng là các cơ quan quản lý giáo dục cần phải theo dõi đôn đốc thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ, tư vấn và động viên kịp thời các CSGD trong quá trình xây dựng trường đạt CQG.
Khó khăn nhất là cơ sở vật chất - trang thiết bị
Để đạt được trường CQG cần hội đủ các tiêu chí cần thiết của 5 tiêu chuẩn. Xây dựng trường đạt CQG cơ bản là phải giải quyết hai vấn đề: CSVC và chất lượng giáo dục. Tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, từng nhà trường có thể tự xây dựng kế hoạch và nỗ lực phấn đấu, từng bước sẽ tiến tới đạt chuẩn. Song, CSVC là tiêu chuẩn nằm ngoài tầm tay nhà trường và được coi là tiêu chuẩn khó thực hiện nhất trong quá trình xây dựng trường đạt CQG.
Cụ thể, tiêu chuẩn 3 (CSVC và thiết bị dạy học), đòi hỏi đơn vị phải đáp ứng các tiêu chí về: Khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập phải đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn để tổ chức các hoạt động giáo dục; khu sân chơi, bãi tập có đủ thiết bị tối thiểu, đảm bảo an toàn để luyện tập thể dục, thể thao và các hoạt động giáo dục của nhà trường; phòng học, phòng học bộ môn và khối phục vụ học tập phải có đủ bàn ghế phù hợp với tầm vóc học sinh (HS), có bàn ghế của GV, có bảng viết, đủ điều kiện về ánh sáng, thoáng mát; đảm bảo học nhiều nhất là hai ca trong một ngày; có đủ phòng học bộ môn theo quy định; có phòng hoạt động Đoàn - Đội, thư viện và phòng truyền thống. Khối hành chính - quản trị phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu các hoạt động hành chính - quản trị của nhà trường; Khu để xe được bố trí hợp lý, đảm bảo an toàn, trật tự; Định kỳ sửa chữa, bổ sung các thiết bị khối hành chính - quản trị. Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước: có khu vệ sinh riêng cho nam, nữ, GV, NV, HS; đảm bảo không ô nhiễm môi trường, sử dụng thuận lợi cho HS khuyết tật học hòa nhập; có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống cấp nước sạch đảm bảo nước uống và nước sinh hoạt cho GV, NV và HS; thu gom rác và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Về thiết bị phải có đủ thiết bị văn phòng và các thiết bị khác phục vụ các hoạt động của nhà trường; có đủ thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định; hằng năm các thiết bị được kiểm kê, sửa chữa. Về thư viện phải được trang bị sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa và các xuất bản phẩm tham khảo tối thiểu phục vụ hoạt động nghiên cứu, hoạt động dạy học, các hoạt động khác của nhà trường; hoạt động của thư viện đáp ứng yêu cầu tối thiểu về nghiên cứu, hoạt động dạy học, các hoạt động khác của cán bộ quản lý (CBQL), GV, NV, HS; hằng năm thư viện được kiểm kê, bổ sung sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa và các xuất bản phẩm tham khảo.
Khó nhưng không phải là không thể. Nếu các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xác định các “Điểm yếu” cần khắc phục và có lộ trình thực hiện rõ ràng, tham mưu có hiệu quả với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thì trong thời gian nhất định sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với tiêu chuẩn 3.
Phát huy và giữ vững
Để có kết quả về trường đạt CQG, các CSGD đã trải qua thời gian khá dài và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều địa phương đã thật sự quan tâm, tạo điều kiện tốt của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của tập thể sư phạm trường học, phấn đấu xây dựng các CSGD sớm đạt danh hiệu trường CQG. Công tác xây dựng trường CQG là một quá trình phấn đấu xây dựng và thực hiện lâu dài theo lộ trình, nhưng công tác duy trì và nâng chuẩn trong tương lai cũng không kém phần quan trọng và sẽ gặp không ít khó khăn. Nhiều CSGD được công nhận đạt CQG đã có kế hoạch cải tiến chất lượng, tiếp tục đầu tư để nâng cấp và cải tạo CSVC kỹ thuật của nhà trường, tạo điều kiện cho đội ngũ được học tập để nâng chuẩn đào tạo về chuyên môn; chú trọng xây dựng cảnh quan, môi trường sư phạm; đổi mới công tác quản lý và giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng GDĐT.
Chất lượng giáo dục có thể đánh giá trực tiếp qua sản phẩm đào tạo, qua chất lượng HS, tuy nhiên cũng có thể đánh giá gián tiếp qua các điều kiện để đảm bảo chất lượng (đội ngũ, tài chính, điều kiện CSVC - kỹ thuật và các yếu tố hỗ trợ khác). Trường học được công nhận đạt CQG phải hội đủ 5 tiêu chuẩn có tính quyết định đến chất lượng giáo dục: Tổ chức và quản lý nhà trường; CBQL, GV, NV và HS; CSVC và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Xây dựng trường CQG chính là thực hiện chuẩn hóa về CSVC, đội ngũ CBQL, GV, NV nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT.
Việc duy trì các trường đã đạt CQG và tiếp tục xây dựng trường đạt CQG cho những CSGD chưa đạt chuẩn, tuy còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới, nhưng sự nỗ lực của ngành giáo dục, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân đã và đang là cơ sở vững tin để chỉ tiêu của tỉnh sẽ là bước ngoặt mới trong nhiệm kỳ đại hội Đảng sắp tới.
MINH ĐẠO