Đạ PLoa, mảnh đất nằm giữa những ngọn đồi trùng điệp, quê hương của những ngọn núi đang bước vào những ngày xuân. Mảnh đất Đạ PLoa nghèo khó ngày nào đang vươn mình, bỏ lại những đói nghèo sau lưng, hướng tới những ngày no ấm.
Đạ PLoa, mảnh đất nằm giữa những ngọn đồi trùng điệp, quê hương của những ngọn núi đang bước vào những ngày xuân. Mảnh đất Đạ PLoa nghèo khó ngày nào đang vươn mình, bỏ lại những đói nghèo sau lưng, hướng tới những ngày no ấm.
|
Người dân Đạ Ploa học kỹ thuật tỉa hoa sầu riêng. Ảnh: D.Quỳnh |
Ông Trần Thanh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Đạ PLoa chia sẻ, xã vốn là địa phương rất khó khăn với 960 hộ, 3.875 khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 539 hộ, 2.412 khẩu, chiếm 62,24% tổng số khẩu trong toàn xã. Xã có địa hình đồi núi, diện tích đất bằng phẳng không nhiều. Vì vậy, xưa nay người Đạ PLoa sống chủ yếu bằng cây điều. Gặp những năm trời khó khăn, cây điều thất mùa thất giá, đời sống người Đạ PLoa khó càng thêm khó.
Làm sao để cư dân Đạ PLoa vượt qua khó khăn là câu hỏi đặt ra với toàn thể hệ thống chính trị. Bởi vậy, với 1.600 ha điều, xã tập trung hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, tỉa cành tạo tán, ghép giống cao sản. Năm 2019, điều Đạ Ploa cho năng suất trên 7,2 tạ/ha, cao hơn năng suất năm 2018 là 11% đã giúp Nhân dân giảm bớt ít nhiều khó khăn. Xã vượt qua khó khăn từ vụ mùa 2016-2017, diện tích điều bị bọ xít muỗi gây hại nghiêm trọng, cây điều Đạ PLoa đang dần phục hồi và cho dấu hiệu khả quan về những vụ mùa trĩu quả.
Không chỉ cây điều, người dân Đạ PLoa đã biết chuyển sang trồng cây ăn trái cho giá trị cao như sầu riêng. Toàn xã đã có 315 ha sầu riêng, trong đó có không ít diện tích đã cho trái. Nhiều nông hộ đã có thu hoạch hàng tỷ đồng/năm từ giống cây thơm ngon này. Đặc biệt, sầu riêng Đạ PLoa chín vào tháng 4, sớm hơn nhiều so với mùa sầu riêng chính vụ tháng 8. Vì vậy, sầu riêng Đạ PLoa luôn được giá rất tốt so với sầu riêng nhiều địa phương khác. Xã luôn động viên bà con chọn giống sầu riêng chuẩn, tránh tình trạng cây cho trái không đạt chất lượng. Đồng thời, kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng được phổ biến rộng rãi tới bà con. Ông K’Nỏi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ PLoa, một trong những nông dân người dân tộc thiểu số tiên phong trồng sầu riêng cho biết, gia đình ông niên vụ 2019 đã thu được 200 triệu đồng từ vườn sầu riêng mới bói. Ông cho biết, nhiều nông dân người thiểu số đã chuyển diện tích điều năng suất thấp sang trồng sầu riêng, nhiều hộ đã thu được số tiền lớn từ sầu riêng khiến đời sống gia đình thay đổi rõ rệt. Không chỉ có sầu riêng, người dân Đạ PLoa còn trồng măng cụt, bưởi da xanh, mít cao sản..., những loại trái cây được thị trường ưa chuộng.
Ngoài trồng điều, trồng sầu riêng, người dân Đạ PLoa còn nhận giao khoán bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện 240 hộ gia đình nhận diện tích giao khoán là 5.814,26 ha, giúp chừng ấy hộ có nguồn thu nhập ổn định. Thời gian rảnh, có nhiều người nhận hàng đan lát làm thêm, kiếm tiền chợ trong nhà. Những hộ nông dân sản xuất làm ăn đều có sự đồng hành từ những nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi. Hiện Đạ PLoa có 1.057 lượt hộ vay số tiền trên 31,5 tỷ đồng, trong đó không có dư nợ xấu. Nguồn vốn vay luôn được giám sát chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.
Chủ tịch xã Trần Thanh Tuyến tâm sự, năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đạt 38,2 triệu đồng/người/năm, toàn xã còn 24/941 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,55%. Đây là chỉ số quan trọng nhất đánh giá việc Đạ PLoa đang dần thoát nghèo, vươn lên no ấm. Không còn cảnh đứt bữa, đây đó còn hộ khó khăn nhưng cơ bản, dân Đạ PLoa không còn cảnh đói ăn như đã từng trong quá khứ. Và từ sự đầu tư của Nhà nước, từ sự cố gắng của từng người dân, Đạ PLoa xuân này sạch sẽ, đường làng ngõ xóm đẹp đẽ, điện - đường - trường - trạm khang trang. Anh Tuyến tự hào khoe, Đạ PLoa đang những ngày nước rút xây dựng xã nông thôn mới. Hiện Đạ PLoa đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và đang kỳ vọng sẽ đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới trong năm mới 2020.
Không phải không có những nỗi lo trong thời điểm hiện tại, người Đạ PLoa vẫn còn phải ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi, ngày đêm giữ rừng để bảo vệ lá phổi xanh, tích cực vận động mỗi hộ gia đình phấn đấu sản xuất kinh doanh. Vượt lên tất cả, mảnh đất khó đang vào xuân, với đầy những hy vọng vào một tương lai no ấm, hạnh phúc dưới chân ngọn Lù Rù.
DIỆP QUỲNH