Bên cạnh duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng số lượng hồ sơ giải quyết đúng hạn, nâng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…, Lâm Đồng trong năm 2019 đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính trong tỉnh.
Bên cạnh duy trì cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng số lượng hồ sơ giải quyết đúng hạn, nâng chất lượng cán bộ, công chức, viên chức…, Lâm Đồng trong năm 2019 đã đẩy mạnh việc hiện đại hóa nền hành chính trong tỉnh.
|
Giải quyết thủ tục hành chính tại xã Gung Ré - Di Linh. Ảnh: G.Khánh |
Hồ sơ đúng hạn đạt 98,9%
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, toàn bộ các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, các cơ quan hành chính cấp huyện và cấp xã, phường đến nay đã và đang duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cụ thể, 20/20 sở ban ngành, 12/12 huyện thành, 147/147 xã phường đều giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại các cơ quan, đơn vị trên hầu hết đều thực hiện theo đúng trình tự, quy định; quá trình giải quyết được theo dõi đầy đủ bằng giấy biên nhận hồ sơ, số tiếp nhận và trả kết quả, phiếu theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ. Cùng đó, nhiều cơ quan, đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO nên tiến trình giải quyết hồ sơ được kiểm tra chặt chẽ hơn.
Trong năm 2019, tính từ 1/12/2018 đến cuối tháng 11/2019, tỉnh đã tiếp nhận 491.498 hồ sơ, giải quyết được 475.158 hồ sơ; trong đó có 470.208 hồ sơ đúng hạn, 4.950 hồ sơ giải quyết quá hạn; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 98,96%.
Trong năm qua, đã có 8 sở ngành gồm Khoa học công nghệ, Công thương, Tài chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Dân tộc, Ngoại vụ và Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh xây dựng và công bố quy trình giải quyết hồ sơ nội bộ.
Trong hầu hết các lĩnh vực khác, Lâm Đồng đều đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Trong cải cách thể chế, đó là việc đổi mới và nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh việc rà soát hệ thống hóa văn bản pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và xử lý vi phạm hành chính; trong cải cách tài chính công là việc tăng cường quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công; trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước là việc thực hiện vị trí việc làm, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh lâu nay luôn chú ý xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ tính trong năm 2019, đã có trên 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh. Tỉnh luôn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, chấp hành tốt nội quy quy định của cơ quan, chấp hành tốt giờ giấc làm việc.
Riêng với cấp xã, phường của tỉnh, tổng số cán bộ, công chức đến nay có 1.594 người đang làm việc, toàn bộ số này đã đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; còn số công chức cấp xã có 1.463 người, tất cả cũng đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ.
Hiện đại hóa hành chính
Cho đến nay, Lâm Đồng đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn tỉnh, bao gồm các khối Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn; triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến tất cả các sở, ban, ngành, cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị cấp huyện, thành và tất cả các xã, phường trong tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng đã hoàn thiện trục kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thành và cấp xã, phường, cũng như kết nối với cấp trung ương.
Trong toàn tỉnh, hiện ngành chức năng đã cung cấp khoảng 6.500 tài khoản thư điện tử công vụ cho các đơn vị, cá nhân từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh cũng đã tích hợp các trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, trong đó có yêu cầu các đơn vị công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng thông tin của mình.
Cho đến nay, tỉnh cũng đang duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; trong đó, toàn tỉnh đã có 587 TTHC trực tuyến mức độ 3 (cấp tỉnh 468, cấp huyện 107 và cấp xã 12); có 297 TTHC trực tuyến mức độ 4, chủ yếu ở cấp tỉnh (cấp tỉnh có 279 TTHC, cấp huyện có 17 và cấp xã có 1).
Tỉnh đến nay đã phối hợp với trung ương cung cấp 1.426 chứng thư số cho các cơ quan nhà nước trong cả khối Đảng và khối chính quyền từ tỉnh đến xã, nhằm sử dụng các văn bản trên mạng điện tử.
Đặc biệt, đến cuối năm 2019 này, tất cả các xã phường trong tỉnh đã hoàn thành và công bố việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong quản lý cũng như cho ứng dụng CCHC, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch trước đây. Nhiều cơ quan (21 cơ quan, đơn vị) cũng đã thực hiện việc chuyển đổi áp dụng ISO phiên bản 9001: 2008 sang phiên bản mới ISO 9001:2015.
Những nhiệm vụ chính trong năm 2020
Như đánh giá của UBND tỉnh, đến thời điểm cuối năm 2019 này, tất cả 42/42 nội dung công việc thuộc kế hoạch CCHC của tỉnh đều đã hoàn thành. Trong năm, các đơn vị chức năng đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra CCHC, kịp thời chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế được tỉnh nêu ra, đó là một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa tích cực đẩy mạnh CCHC trong đơn vị mình; nhiều đơn vị chưa phát huy, khai thác tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC; quy trình xử lý hồ sơ trên hệ thống chưa thực hiện dứt điểm; vẫn còn để hồ sơ bị trễ hạn, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường; không ít người dân và tổ chức chưa hài lòng thái độ và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC.
Trong năm 2020 này, tỉnh vẫn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân trong giải quyết hồ sơ.
Tỉnh bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho CCHC, cũng cho biết sẽ triển khai diện rộng đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công cho Bưu điện tỉnh Lâm Đồng.
GIA KHÁNH