(LĐ online) - Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nghỉ học đến hết ngày 29/3 để phòng, chống dịch Covid-19...
(LĐ online) - Trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nghỉ học đến hết ngày 29/3 để phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm giúp học sinh hệ thống lại kiến thức đã học, các trường học đã và đang tiếp tục triển khai các phương pháp hướng dẫn cho học sinh tự học trong thời gian nghỉ học
|
Học sinh hào hứng với bài tập được giao qua mạng xã hội |
Chủ động việc ôn tập
Cứ đều đặn hàng ngày từ khi nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, cô Hồ Thị Hạnh - Giáo viên chủ nhiệm lớp 5D Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt) lại gửi bài tập qua Zalo cho phụ huynh trong lớp để nhắc học sinh làm bài. Không những vậy, cô còn lên mạng tìm kiếm và chia sẻ các ứng dụng học tập phù hợp để học sinh ôn tập trong thời gian nghỉ tránh dịch. “Vì là lớp cuối cấp I nên việc ôn tập để giúp các con củng cố kiến thức là rất quan trọng. Mặt khác, học sinh tiểu học rất mau quên nên cô phải giao bài thường xuyên để các con có thói quen tự học, tự ôn tập khi ở nhà” - cô Hạnh chia sẻ.
Chiều 13/3, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã ký văn bản số 1426/UBND-VX1 đồng ý chủ trương tiếp tục cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh kéo dài thời gian nghỉ học đến hết ngày 29/3/2020. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường chỉ đạo các nhà trường chủ động có giải pháp phù hợp hướng dẫn học sinh tự ôn tập ở nhà; ứng dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn ôn tập bài từ xa qua các thiết bị điện tử và mạng internet. |
Cũng với suy nghĩ đó, ngay khi có thông báo cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, Trường THCS-THPT Đống Đa (Đà Lạt) đã thiết lập một trang web riêng với địa chỉ hoctiep.edu.vn để cho khoảng 1.300 học sinh toàn trường và 300 giáo viên đăng nhập sử dụng. Việc ôn tập, củng cố kiến thức bằng cách học online ngay tại nhà trên các thiết bị mạng đã được nhiều học sinh nhà trường lựa chọn để duy trì thói quen học tập hàng ngày trong suốt thời gian qua. “Sở dĩ trường áp dụng phần mềm này để giáo viên và học sinh thực hiện vì thời gian này các em phải được ôn tập, củng cố kiến thức. Học sinh ở từng khối lớp có thể dễ dàng truy cập vào trang web chọn môn học và lớp để xem thông tin bài tập, sau khi làm xong gửi lại cho thầy cô giáo, có thể chỉ bằng chiếc điện thoại các em cũng thực hiện được. Trang web này được sử dụng ngay cả khi học sinh đi học trở lại. Giáo viên vẫn tiếp tục giao bài để học sinh duy trì nề nếp việc học tập trên trang web. Đến nay, học sinh THPT của trường đã đi học lại và vẫn lên trang web để lấy bài giáo viên giao để ôn tập thêm. Còn học sinh THCS đang nghỉ học thì vẫn tiếp tục ôn tập từ trang web của trường” - cô Hà Nguyễn Bảo Khuyên - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đống Đa cho hay.
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạo giáo viên biên soạn bài tập để gửi đến học sinh ôn tập tại nhà thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, dù không đến trường nhưng học sinh vẫn có thể ghi nhớ và nắm vững những kiến thức đã học. Nhiều trường cũng đã yêu cầu giáo viên đưa hệ thống tài liệu lên website của trường và hướng dẫn học sinh tự học. Ngoài các trang web riêng do trường tự tạo thì mạng xã hội học tập Viettelstudy.vn và hệ thống VNPT E-Learning là địa chỉ được nhiều giáo viên và học sinh cập nhật để ôn tập trong thời gian này. Đây cũng là các ứng dụng học tập qua mạng được Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng khuyến khích lựa chọn để hướng dẫn học sinh ôn tập trong thời gian nghỉ học kéo dài.
“Sở đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức cho tất cả các khối lớp ôn tập, củng cố kiến thức đã học. Tùy thuộc điều kiện hiện có, các đơn vị có thể giao tài liệu, đề cương ôn tập cho học sinh hoặc sử dụng internet qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… để ôn tập hiệu quả. Các trường không được dạy học kiến thức mới trong thời gian tạm nghỉ” - ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
|
Học sinh chia sẻ bài tập để củng cố kiến thức |
Khó thực hiện đồng bộ
Tuy nhiên, việc cho học sinh ôn tập qua mạng xã hội cũng khó thực hiện đồng bộ bởi điều kiện của nhiều gia đình, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với Trường THCS Nguyễn Du (Di Linh), việc giao bài tập cho học sinh qua mạng xã hội chỉ thực hiện được khoảng 50%. “Giáo viên chủ nhiệm lập nhóm Zalo của lớp để gửi bài cho học sinh; đồng thời, trường cũng đưa các tài liệu ôn tập lên trang Facebook của Liên đội để học sinh tải bài xuống làm. Còn với những học sinh không sử dụng thiết bị thông minh và mạng internet, giáo viên nhờ các bạn có dùng mạng xã hội chia sẻ bài, hoặc giáo viên photo bài tập để gửi đến cho các em” - cô Phan Thị Thúy Ngân - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết.
Đây cũng là khó khăn trong việc giao bài tập cho học sinh qua mạng xã hội. Theo cô Phan Thị Uyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Như Thạch: “Việc gửi bài qua mạng xã hội cũng khó thực hiện đồng bộ cả lớp, vì không phải phụ huynh nào cũng dùng Zalo. Mặt khác, khi gửi bài có nhiều học sinh không hiểu phải gọi lại để cô giảng, nhưng việc giảng bài qua điện thoại cũng không hiệu quả lắm vì đối với học sinh cấp I nghe nhưng phải thấy, nhất là những bài toán về hình học. Tuy nhiên, đây là giải pháp phù hợp nhất trong thời điểm này để giúp học sinh không quên kiến thức”.
Cùng với các giải pháp ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh mà các trường học trong toàn tỉnh triển khai thực hiện, để việc ôn tập hiệu quả thì sự phối hợp của phụ huynh trong việc thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm cũng như nhắc nhở con em mình duy trì thói quen học tập là điều cần thiết.
Cũng trong ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020 lần 2 trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, năm học này sẽ kết thúc trước ngày 15/7/2020; kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 8 - 11/8/2020. |
TUẤN HƯƠNG