Ngành y tế đóng vai trò nòng cốt, tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp đa ngành thì dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh khó kiểm soát.
Ngành y tế đóng vai trò nòng cốt, tuy nhiên, nếu không có sự phối hợp đa ngành thì dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh khó kiểm soát.
|
Kiểm tra y tế tại Cảng hàng không Liên Khương. |
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, phải hiểu giặc COVID-19 không từ một ai, không có biên giới, vì vậy, kiểm soát dịch bệnh là điều quan trọng trong tình hình thế giới chưa thể dự đoán đỉnh dịch là khi nào, chưa có vắc xin và thuốc điều trị.
Lâm Đồng chưa xuất hiện ca bệnh dương tính với COVID-19, để giữ vững an toàn cho cộng đồng không có dịch bệnh, ngay từ Tết Nguyên đán 2020 đội ngũ cán bộ y tế ở các tuyến đã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh tại mỗi đơn vị, kiện toàn tổ cấp cứu lưu động theo chỉ đạo của Sở Y tế, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng cho biết: Hiện nay, công tác giám sát dịch thường xuyên, nắm bắt tình hình, cập nhật số liệu hàng ngày 2 lần. Đặc biệt, có sự phối hợp với ngành Công an và Du lịch cung cấp thông tin rất có giá trị cho y tế giám sát ca nghi nhiễm.
Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện giám sát người nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran… đang tạm trú trên địa bàn các huyện, thành phố.
Đối với người Trung Quốc: Qua báo cáo từ các đơn vị, các sở, ban, ngành đến ngày 9/3 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không còn trường hợp nhập cảnh, kể cả người nước ngoài nhập cảnh đến từ hoặc đi qua 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua đang được cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú, công ty (đã theo dõi giám sát 33 trường hợp, trong đó Lâm Hà 1, Bảo Lâm 2, Đà Lạt 23, Lạc Dương 1, Di Linh 2, Bảo Lộc 3, Đức Trọng 1).
Đối với người Hàn Quốc: Sở Y tế đã và đang cách ly theo dõi sức khỏe của 7 người Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1 người cách ly tại Nhà khách Bệnh xá H32 (đã hết thời gian cách ly ngày 7/3), 2 người cách ly tại cơ sở lưu trú của thành phố Đà Lạt, còn lại 4 người cách ly tại nhà gồm: thành phố Bảo Lộc 2, Lâm Hà 1, Đạ Huoai 1.
Đối với người Pháp: Hiện ngành y tế đang theo dõi, cách ly tại nhà 1 trường hợp người Pháp ở huyện Đạ Huoai.
Tính đến ngày 9/3, Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn đang thực hiện cách ly 44 trường hợp. Ngoài ra, ngành y tế cũng đang thực hiện hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà và nơi lưu trú cho 54 trường hợp.
CDC Lâm Đồng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 3 trường hợp nghi nhiễm COVID-19, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP HCM cả 3 người đều âm tính, vì vậy đã bãi bỏ các trường hợp giám sát cách ly y tế liên quan đến 3 ca nghi nhiễm này.
Khi phát hiện một ca bệnh nhiễm COVID-19, phản ứng dây chuyền là điều tra đối tượng để thực hiện giám sát cách ly y tế đến 4 vòng, nhiều địa phương hiện nay đã nâng cấp độ giám sát, giúp khoanh vùng dịch nhanh gọn hơn.
Lãnh đạo CDC Lâm Đồng cho biết: Thông tin y tế rất cần chính xác để phục vụ điều tra dịch bệnh. Điển hình vụ việc tối 9/3, được tin báo có 2 người Trung Quốc đến địa bàn Bảo Lâm, được giữ tại Phòng khám đa khoa Lộc Thành. CDC tỉnh cử cán bộ xuống ngay để nắm bắt thông tin. 2 người Trung Quốc mới đầu không hợp tác, không khai báo y tế. Qua công tác điều tra, 2 khách Trung Quốc khai đã cách ly y tế tại Campuchia, có giấy tờ chứng minh. Như vậy, hai trường hợp này nếu không khai thác thông tin đầy đủ chính xác thì sẽ áp dụng hình thức cách ly tập trung đối với họ, nghĩa là cách ly không đúng đối tượng.
Kiểm dịch y tế chỉ mới áp dụng đường hàng không, đối với đường bộ cần có giải pháp khả thi để kiểm soát dịch bệnh. Mục đích cuối cùng làm sao để ngành y tế nắm được thông tin kịp thời từ hành khách có biểu hiện nghi nhiễm để điều tra, giám sát, khoanh vùng, tránh bùng phát dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh, Sở Giao thông vận tải cần làm việc ngay với một số hãng xe lớn có thương hiệu tại Đà Lạt để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo dõi sức khỏe hành khách, cung cấp đường dây nóng y tế và thông tin kịp thời chính xác để phục vụ việc giám sát, điều tra đối tượng nguy cơ.
Ngành y tế cũng cần sự phối hợp của Sở Lao động - Thương binh và xã hội cung cấp thông tin về du học sinh, người đi xuất khẩu lao động là công dân Lâm Đồng trở về từ các vùng dịch để sớm phát hiện ca nguy cơ, giám sát cách ly kịp thời sẽ hạn chế được sự tiếp xúc của đối tượng cho nhiều người.
Bên cạnh đó, CDC Lâm Đồng đã kết nối với mạng lưới CDC toàn quốc để trao đổi thông tin về đối tượng nguy cơ từ tỉnh này về tỉnh khác. Có trường hợp 2 du học sinh từ tâm dịch Hàn Quốc về, CDC Lâm Đồng cử đội phản ứng nhanh đón 2 công dân ngay tại Sân bay Tân Sơn Nhất về áp dụng cách ly tập trung tại Nhà khách H 32 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã được 10 ngày.
Theo BS Nguyễn Quốc Minh: Vấn đề cung cấp thông tin của các sở, ngành cho y tế rất quan trọng trong giám sát chống dịch. Vì vậy, CDC đã tổ chức tập huấn giám sát cho lực lượng y tế và quân y, phương châm “đi từng ngõ gõ từng nhà”. Hướng tới sẽ triển khai giám sát liên ngành, thành lập đội giám sát liên ngành, như vậy mới có thể chủ động trong công tác giám sát dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, ứng dụng khai báo y tế phòng dịch bệnh COVID-19 đang triển khai trên toàn quốc, trong đó có Lâm Đồng, việc khai báo sức khỏe toàn dân nhằm hai mục tiêu là khai báo y tế và khai báo nguy cơ. Toàn dân sử dụng ứng dụng này để khai báo y tế, nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng, chống dịch một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu ứng dụng này gửi về hệ thống y tế, sẽ biết được các trường hợp nào cần chú ý để đảm bảo hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 kêu gọi toàn dân cài đặt ứng dụng khai báo y tế để kiểm soát dịch COVID-19. Một lần nữa khẳng định thông tin y tế, cụ thể là thông tin về tình trạng sức khỏe của mỗi người dân hết sức quan trọng để giám sát dịch bệnh.
Sở Giáo dục - Đào tạo đã thành lập group cán bộ quản lý toàn ngành trên mạng, hàng ngày cập nhật thông tin về tình hình sức khỏe học sinh, hiện số lượng học sinh THPT trong tỉnh đến lớp chiếm 97%. Khi có học sinh có dấu hiệu sốt, ho sẽ báo ngay cho y tế. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, tinh thần cảnh giác cao trong cán bộ, giáo viên, học sinh với dịch bệnh COVID-19. Học sinh ưu tiên học chính khóa, không tổ chức ngoại khóa, không chào cờ tập trung, chỉ chào cờ trong lớp. Sở phối hợp với ngành y tế nắm thông tin kịp thời, trường hợp nào cách ly, theo dõi sức khỏe đều thông báo.
Ngăn ngừa dịch bệnh từ cộng đồng, tổ dân phố, các chủ cơ sở lưu trú khai báo với công an tình hình tạm trú, tạm vắng, số khách lưu trú. Cảnh sát khu vực các địa phương yêu cầu cơ sở lưu trú chấp hành nghiêm việc khai báo. Lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, việc quản lý xuất nhập cảnh, nơi cư trú rất quan trọng. Thời gian qua, công an và ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ kiểm soát khách đi đến hàng ngày cụ thể. Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh từ khách cư trú tại địa phương và khách đến từ vùng dịch trong nội địa, nên phải tăng cường giám sát phòng ngừa. Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với cảnh sát khu vực nắm bắt tình hình, khai báo đầy đủ. Ngành đã chỉ đạo công an địa phương phối hợp ngành y tế đảm bảo cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình dịch bệnh ngay từ cơ sở.
Theo lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, khu dân cư phải có hệ thống thông tin đầy đủ, phát huy tính tự chủ ở địa bàn dân cư rất quan trọng để phòng, chống dịch bệnh. Cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với y tế ở địa bàn dân cư, cần có khuyến cáo thêm để người dân nắm rõ về giám sát, cách ly, phòng bệnh. Y tế và công an gắn chặt địa bàn dân cư để nắm bắt thông tin phòng, chống dịch bệnh.
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tình hình đã nâng một bước cao hơn trong phòng, chống dịch. Giai đoạn hai người dân ý thức nâng cao cảnh giác đối với dịch COVID-19. Thống kê từ Khánh Hòa trở ra các trung tâm du lịch lớn đều có ca nhiễm COVID-19, Lâm Đồng nguy cơ vì khả năng tiềm tàng lớn đối tượng ca nhiễm từ khách du lịch. Vì vậy, tăng cường kiểm tra khách sạn, homestay nếu có hành vi khai báo khách lưu trú không trung thực sẽ xử lý vi phạm mức cao nhất. Đồng thời, công an các địa phương nắm tình hình di biến động khách, dân cư đến từ cơ sở để giám sát dịch, hạn chế đối tượng bỏ sót. Kết nối thông tin tốt ở ngay cơ sở, khu dân cư, các xã, phường, thị trấn để phát hiện dịch bệnh xử lý ngay, kịp thời ngăn ngừa sớm, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
AN NHIÊN