Tổ quốc nhìn từ biển (Bài 2)

06:03, 18/03/2020

Là một phần máu thịt của Tổ quốc, nhìn từ khơi xa, các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) giống như những con tàu hiên ngang giữa trùng khơi sóng nước. 

[links()]
Hiên ngang đảo chìm
 
Là một phần máu thịt của Tổ quốc, nhìn từ khơi xa, các đảo chìm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) giống như những con tàu hiên ngang giữa trùng khơi sóng nước. 
 
Đảo chìm Đá Nam hiên ngang giữa bốn bề sóng nước
Đảo chìm Đá Nam hiên ngang giữa bốn bề sóng nước
 
Sức sống mới nơi đảo chìm
 
Trong chuyến hải trình hơn 20 ngày, cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, chúc tết quân và dân Trường Sa nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, chúng tôi may mắn được ghé thăm 2 đảo chìm Đá Nam và Đá Thị nằm phía Bắc quần đảo Trường Sa. Từ trên boong tàu KN 490, phóng tầm mắt ra xa, 2 tòa nhà ở đảo chìm Đá Nam như những con tàu hiên ngang giữa trùng khơi sóng vỗ. Đó là những lá chắn “thép” với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới che chở cho cán bộ, chiến sĩ ngày đêm làm nhiệm vụ giữ đảo, canh biển.
 
Từ ngôi nhà cấp 1 chật hẹp được Nhân dân 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chung tay đóng góp xây dựng vào năm 1995, giờ đây thêm 1 ngôi nhà mới khang trang đã được chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đóng góp kinh phí xây dựng tặng quân, dân Trường Sa đã mọc lên ở Đá Nam. Ngôi nhà 4 tầng, với nhiều chức năng như phòng tập thể dục, phòng karaoke, thư viện, phòng truyền thống đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị đã đáp ứng các điều kiện nghỉ ngơi, giải trí của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Những diện tích xung quanh đảo, đều được cán bộ, chiến sĩ tận dụng để trồng rau và nuôi thêm gà, vịt cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thượng úy Hoàng Văn Nhuận - Chính trị viên đảo Đá Nam, chia sẻ: “Trước đây, rau xanh, nước ngọt luôn là những thứ thiếu thốn thường trực của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhưng giờ đây, cuộc sống ở đảo chìm đã thay da đổi thịt, chiến sĩ đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, karaoke để giải trí. Rau xanh được trồng quanh đảo, bể chứa nước ngọt được xây dựng rộng lớn hơn, hệ thống năng lượng được nâng công suất, nhà tiếp dân xây mới khang trang... Đó là những điều kiện cần thiết, hun đúc thêm niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
 
Tương tự Đá Nam, đảo Đá Thị nằm phía Bắc quần đảo Trường Sa có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Tuy còn gặp nhiều khó khăn do địa hình nơi đóng quân phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đại úy Bùi Thanh Hải - Chỉ huy đảo Đá Thị, cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Nhân dân cả nước, đảo Đá Thị đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, vững chắc. Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt, giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin làm nhiệm vụ. Dù khó khăn, vất vả đến đâu, tất cả những người lính Hải quân chúng tôi vẫn luôn nêu cao ý chí kiên trung để học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi lại bắt tay vào những công việc hết sức đời thường và giản dị như chăm sóc vườn rau xanh tươi, vật nuôi mau lớn để cải thiện bữa ăn hàng ngày”.
 
Cán bộ, chiến sĩ nơi đảo chìm hạnh phúc khi tiếp nhận thư, thiệp chúc tết từ đất liền
Cán bộ, chiến sĩ nơi đảo chìm hạnh phúc khi tiếp nhận thư, thiệp chúc tết từ đất liền
 
Tự hào được giữ đảo
 
Nếu ai chưa một lần đến với Trường Sa, thì chắc hẳn chưa thể hình dung được đảo chìm hiện hữu như thế nào. Thực ra, đảo chìm là hòn đảo được hình thành bởi những bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Từ những bãi san hô này, các tòa nhà được đầu tư xây dựng trở thành những “pháo đài” vững chắc nằm hiên ngang giữa bốn bề sóng nước. Do đó, quanh năm ở các đảo chìm đều phải đối mặt với sóng gió khắc nghiệt nơi trùng khơi. Nhưng ở đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn tự hào và thể hiện niềm tin sắt đá khi được ra các đảo chìm làm nhiệm vụ.
 
Đóng quân tại các đảo chìm Đá Nam và Đá Thị là những chàng lính trẻ tuổi chừng mười tám, đôi mươi với làn da sạm nắng nhưng khuôn mặt luôn bừng sức sống và sự lạc quan. Tất cả họ đều gác lại những bộn bề, dự định cá nhân để tạm xa gia đình, người thân ra đảo làm nhiệm vụ nên hơn ai hết, họ hiểu rõ những khó khăn, vất vả cần phải đối diện để vượt qua.
 
Tranh thủ khoảng thời gian ngắn ngủi, các thành viên trong đoàn công tác chúng tôi cùng trò chuyện, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sự trẻ trung, thoải mái pha chút hài hước của các anh khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp và gần gũi. Chỉ dành cho nhau mấy giờ đồng hồ, từ những điều trực tiếp nhìn thấy, từ sự chia sẻ tâm tư của những người lính đảo, chúng tôi cảm nhận được phần nào những vất vả, khó khăn và sự hy sinh thầm lặng mà các anh đang ngày đêm phải đối diện. Đó là nỗi vất vả khi mùa mưa bão tới, sóng biển ôm cả căn nhà các anh đang ở; đó là sự khó khăn khi thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh... và cả hơi nóng mặn chát của gió biển khi đứng gác giữa mùa khô. Thế nhưng, các anh luôn cảm thấy tự hào khi được trở thành một phần của đảo.
 
Rau xanh trên đảo Đá Thị luôn được những người lính đảo chăm sóc tươi tốt tạo màu xanh cho đảo
Rau xanh trên đảo Đá Thị luôn được những người lính đảo chăm sóc tươi tốt tạo màu xanh cho đảo
 
Binh nhất Huỳnh Đức Vinh, đảo Đá Nam xúc động: “Lần đầu phải xa gia đình, người thân, nhận nhiệm vụ ra đảo nên bản thân tôi vẫn còn bỡ ngỡ và thỉnh thoảng lại có đôi chút nhớ nhà. Thế nhưng, được ra Trường Sa làm nhiệm vụ là niềm mong ước từ lâu của bản thân và cũng là sự tự hào của cả gia đình và dòng họ. Đây cũng là vinh dự để tôi cùng đồng đội nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự trường tồn của quần đảo Trường Sa - lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Đặc biệt, những câu chuyện mà chúng tôi được Đại úy Phan Văn Biển - đảo Đá Thị, người đã có 7 năm “ăn cơm” và tắm nước biển ở Trường Sa kể càng khiến chúng tôi khâm phục tinh thần, ý chí sắt đá của những người lính đảo chìm. “Mỗi người lính chúng tôi đều chung một niềm tin bất diệt “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Vì thế, những người lính đảo chúng tôi luôn tự ý thức phải có trách nhiệm với Tổ quốc, với những ngư dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển. Dù khó khăn, vất vả đến đâu, tất cả chúng tôi vẫn luôn tự hào khi được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm ra đảo cầm súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, Đại úy Phan Văn Biển cho biết.
 
Chia tay những chiến sĩ đảo chìm, dù biết những khó khăn vẫn còn đó, nhưng chúng tôi tin sự kiên trung và tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương, đất nước của các anh luôn là mạch nguồn vô tận không bao giờ ngừng chảy.
 
KHÁNH PHÚC