Người góp sức cho công tác cải cách hành chính tại Lâm Hà

05:08, 31/08/2020

Công tác tại UBND huyện đã trên 20 năm, trong đó có hơn 12 năm làm việc ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện, bà đã có nhiều công sức đóng góp để thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại huyện Lâm Hà trong nhiều năm nay.

Công tác tại UBND huyện đã trên 20 năm, trong đó có hơn 12 năm làm việc ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện, bà đã có nhiều công sức đóng góp để thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC) tại huyện Lâm Hà trong nhiều năm nay.
 
Bà Trương Thị Mến
Bà Trương Thị Mến
 
Đó là bà Trương Thị Mến, sinh năm 1980, chuyên viên văn phòng, hiện đang công tác tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) UBND huyện Lâm Hà.
 
Lâm Hà chính là 1 trong 4 đơn vị cấp huyện (gồm Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương và Lâm Hà) được tỉnh triển khai thí điểm chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) từng phần cho bưu chính công ích từ tháng 4/2019. Chương trình thí điểm này nhằm tạo điều kiện để Bưu điện tham gia cung cấp các dịch vụ công, góp phần vào công cuộc CCHC của tỉnh. 
 
Đến tháng 2/2020, theo sự chỉ đạo của tỉnh, Bộ phận một cửa của UBND huyện đã được chuyển sang Bưu điện huyện và Lâm Hà là huyện đầu tiên trong tỉnh Lâm Đồng thực hiện thí điểm chuyển hoàn toàn Bộ phận một cửa sang Bưu điện. Khi thực hiện công tác này, UBND huyện Lâm Hà đã cử bà Trương Thị Mến sang phụ trách tại đây.
 
Lâm Hà, một huyện rộng với dân số đông, lượng thủ tục giải quyết nhiều, trung bình mỗi tháng, theo bà Mến, Bộ phận một cửa huyện tiếp nhận cả nghìn hồ sơ, chủ yếu là hồ sơ đất đai. 
 
Với kinh nghiệm lâu năm của mình trong công tác CCHC của huyện, bà Mến không chỉ thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động của Bộ phận một cửa trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến TTHC mà bà còn tích cực hỗ trợ, trực tiếp huấn luyện các nhân viên Bưu điện trong công việc hằng ngày. 
 
Cho đến nay, qua gần nửa năm hoạt động, theo bà Mến, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại Bưu điện cơ bản đã thông suốt, theo đúng quy định. Gần như toàn bộ TTHC cấp huyện đều đã thực hiện tại đây, chỉ trừ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu khá phức tạp nên huyện còn đảm trách. Sau khi tiếp nhận, nhân viên Bưu điện sẽ bàn giao hồ sơ lại cho các phòng, ban của huyện theo quy trình, việc luân chuyển hồ sơ và nhận kết quả của các phòng, ban cũng được nhân viên Bưu điện phụ trách.
 
Là người trực tiếp phụ trách tại đây nên theo bà Mến, có rất nhiều ưu điểm trong việc chuyển giao một cửa từ UBND huyện sang Bưu điện theo chính sách thí điểm này.
 
Trước nhất, không khó để nhận thấy khi Bưu điện vận hành đã giảm được rất nhiều người làm việc so với khi UBND huyện phụ trách trước đây. “Do huyện với 11 - 12 phòng, ban có thủ tục hành chính phát sinh hằng ngày, nên mỗi ngày các phòng, ban đều cử một người trực tại Bộ phận một cửa của huyện để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Với những phòng, ban nhiều hồ sơ, có thời điểm một người làm không hết việc nhưng cũng có các phòng, ban rất ít hồ sơ, mỗi ngày chỉ chừng 1- 2 hồ sơ nhưng cũng phải cử người trực nên rất lãng phí nhân lực. Còn khi chuyển Bưu điện, chỉ cần bố trí 2 người thôi là có thể nhận tất cả các loại hồ sơ”- bà Mến cho biết.
 
Cùng đó, theo bà Mến, do nhân viên Bưu điện được đào tạo về nghiệp vụ khách hàng nên trong giao tiếp khá ân cần, hòa nhã; người dân đến đây cảm thấy thoải mái, hài lòng hơn rất nhiều so với khi phải đến làm việc tại Bộ phận một cửa của UBND huyện.
 
“Hầu như tiêu cực, nhũng nhiễu giảm hẳn, người dân chỉ đến Bưu điện và giao hồ sơ, nhận lại hồ sơ theo lịch hẹn, thậm chí có thể yêu cầu Bưu điện mang thẳng đến nhà theo địa chỉ thông qua dịch vụ, nên rất thuận tiện”- bà Mến cho biết.
 
Tất nhiên, theo bà nhận xét, cũng có không ít những khó khăn khi Bưu điện đứng ra đảm trách công việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC của huyện. Do một số thủ tục khá phức tạp, đòi hỏi phải có trình độ chuyên ngành mới tiếp nhận được, vì vậy, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, các nhân viên Bưu điện vẫn còn lúng túng. Với một số thủ tục có yêu cầu cao về mặt hồ sơ, người dân đến nay vẫn muốn gặp trực tiếp cán bộ huyện để được tư vấn và giải quyết. Nhưng theo bà, khi nhân viên Bưu điện bắt kịp được công việc thì những khó khăn này sẽ từng bước giảm dần. 
 
Khiêm tốn, ít nói về mình, tận tụy với công việc, sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp, vui vẻ giúp đỡ người dân khi cần…; bà Mến đã đóng góp không ít công sức cho công tác CCHC của huyện Lâm Hà trong nhiều năm nay. 
 
Với những đóng góp này, bà Trương Thị Mến đã vinh dự là một trong những người được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen tại Hội nghị Tổng kết Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong cuối tháng 6/2020 vừa qua.
 
GIA KHÁNH