Quản lý dạy và học bằng hệ điều hành thông minh

06:03, 15/03/2021

THPT chuyên Thăng Long Đà Lạt là một trong những ngôi trường tiên phong khi đưa hệ thống điều hành thông minh chạy trên nền tảng cấu trúc phần mềm vnEdu...

THPT chuyên Thăng Long Đà Lạt là một trong những ngôi trường tiên phong khi đưa hệ thống điều hành thông minh chạy trên nền tảng cấu trúc phần mềm vnEdu, nhằm quản lý học sinh và các hoạt động trong nhà trường. Bước đầu, mô hình đã nhận được những hiệu ứng tích cực từ phụ huynh và học sinh.
 
Thư viện thông minh tại trường cho phép các em đến học và tìm tài liệu chỉ cần thông qua chiếc thẻ từ
Thư viện thông minh tại trường cho phép các em đến học và tìm tài liệu chỉ cần thông qua chiếc thẻ từ
 
VnEdu là một trong những sản phẩm đột phá của mạng giáo dục Việt Nam về việc triển khai công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục được cung cấp bởi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). vnEdu ra đời với mục đích chính là mang đến cho nhà trường, các bậc phụ huynh, các em học sinh một môi trường thông tin, liên hệ nhanh chóng, tiện lợi, từ đó giúp nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học.
 
Được chọn là ngôi trường làm thí điểm mô hình nói trên (cùng với THPT Trần Phú (Đà Lạt) và THPT chuyên Bảo Lộc), từ đầu năm học 2021-2022, tại Trường THPT chuyên Thăng Long Đà Lạt được triển khai và áp dụng đồng bộ tới toàn thể học sinh đang theo học. 
 
Cùng với việc lắp đặt, triển khai sử dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại phục vụ cho việc dạy và học như màn hình Led 200 inchs, máy tính có màn hình tương tác thông minh 100 inchs và 10 bảng tương tác thông minh tại dãy B, sử dụng mạng internet và phòng họp trực tuyến, đến nay, 100% học sinh tại trường đều sử dụng thẻ đa năng khi bước vào cổng trường.
 
Đối với hệ thống điều hành thông minh, học sinh sẽ dùng thẻ đa năng sử dụng vào các hoạt động trong trường học như điểm danh, sử dụng khi vào thư viện, thông báo lịch công tác của nhà trường, cung cấp dữ liệu để phục vụ các công tác thi đua, quản lý của nhà trường, dữ liệu của hệ thống được chuẩn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục, đồng bộ với trang dữ liệu... 
 
Điều này không chỉ tiện ích cho học sinh đến lớp, Ban Giám hiệu dễ dàng quản lý, mà các thông tin về hoạt động của học sinh được cập nhật kịp thời và liên tục đến các phụ huynh từ khi học sinh bắt đầu đi học, đến trường, vào lớp, ăn uống, chi tiêu, tham gia các hoạt động học tập, cho đến khi kết thúc giờ học để về nhà. 
 
Thầy Nguyễn Văn Tưởng - Giáo vụ Trường chuyên Thăng Long Đà Lạt cho biết: Trước khi đưa hệ thống này vào áp dụng, việc quản lý học sinh và thông tin học tập gửi đến phụ huynh cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi việc theo dõi, đánh giá học sinh trước nay đều thực hiện theo phương pháp truyền thống nên nhà trường khó mà kiểm soát được đầy đủ. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin đến các bậc phụ huynh cũng trở nên khó khăn hơn. 
 
“Mặc dù vừa mới áp dụng mô hình quản lý này cách đây không lâu nhưng đã nhận được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh và sự đón nhận háo hức của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông minh vào trường học đã giúp định hình lại một số phương pháp giáo dục bằng cách chuyển đổi nội dung số và phương thức tiếp nhận trong quản lý của nhà trường. Ðể mô hình này triển khai thành công, Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và truyền cảm hứng, chia sẻ tầm nhìn, dẫn dắt, hỗ trợ cho các thành viên nhà trường chuyển đổi từ quản lý truyền thống sang áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin. Ðây là cơ sở quan trọng để trường nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng mô hình giáo dục thân thiện, nhiều tiện ích, phục vụ tốt công tác đào tạo và rèn luyện kỹ năng cho học sinh” - thầy Tưởng cho hay. 
 
Với những tính năng nói trên, hệ điều hành thông minh giúp Ban Giám hiệu nhà trường có sự giám sát, điều hành các hoạt động một cách nhanh chóng, tiện lợi và khoa học. Bên cạnh đó, nắm bắt được thông tin, kế hoạch của nhà trường, nhập điểm online một cách nhanh chóng qua smartphone, có SMS báo thông tin nền nếp, điểm số của học sinh cho phụ huynh và nhà trường, nắm bắt được số lượng học sinh vắng, đi trễ… 
 
“Trong thời gian tới, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục phối hợp với phụ huynh học sinh triển khai một số dịch vụ, tiện ích liên quan đến thẻ thông minh như thông báo thông tin học tập qua dịch vụ sổ liên lạc điện tử, đóng học phí và các khoản khác,… Đồng thời sẽ tiến hành áp dụng đối với giáo viên trong toàn trường để có thể quản lý tốt hơn việc dạy và học” - thầy Tưởng thông tin thêm.
 
Cách đây không lâu, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với VNPT Lâm Đồng thống nhất tiếp tục duy trì hợp tác toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương. Việc hợp tác triển khai thí điểm các mô hình dạy và học trực tuyến trên nền tảng kho dữ liệu dùng chung như: tư liệu hình ảnh, âm thanh số, sách điện tử, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, bài giảng điện tử... nhằm đổi mới mô hình tổ chức giảng dạy và quản lý, đổi mới nội dung, cách dạy và học theo hướng hiệu quả hơn. Trên cơ sở kết quả thí điểm nhằm triển khai thành công Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025, trong thời gian tiếp theo, Sở sẽ xem xét nhân rộng mô hình trên quy mô toàn tỉnh. 
 
THÂN HIỀN - LINH ĐAN