Bước chuyển mình trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Đam Rông

02:04, 09/04/2021

Xác định công tác vận động quần chúng và vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị - xã hội là vô cùng quan trọng,...

Xác định công tác vận động quần chúng và vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cùng các đoàn thể chính trị - xã hội là vô cùng quan trọng, năm 2016 Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông (khóa III) đã ban hành Nghị quyết số 05 về “Nâng cao hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đến năm 2020”. Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại Đam Rông đã có bước chuyển mình.
 
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều hoạt động chăm lo kịp thời đời sống Nhân dân.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có nhiều hoạt động chăm lo kịp thời đời sống Nhân dân.
 
Ông Nguyễn Quốc Hương - Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: “Sau nhiều nỗ lực, hiện hệ thống MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được củng cố và mở rộng với 696 chi đoàn, chi hội, tổ hội trực thuộc với trên 20.000 thành viên, hội viên. Chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì, phát động từng bước được nâng lên và phát huy tốt vai trò nòng cốt, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị ở địa phương”. 
 
Để thực sự phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, Huyện ủy Đam Rông đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, từ đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động phù hợp với thực tế tại địa phương. 
 
Và, Nghị quyết 05 là cơ sở để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, trong đó chú trọng hướng về cơ sở. Ngoài việc là cầu nối cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về với người dân, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội còn là kênh nắm bắt thông tin, tình hình tâm tư, nguyện vọng trong Nhân dân thông qua các câu lạc bộ, tổ nhóm. Những hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chú ý nhiều hơn tới tâm lý đoàn viên, hội viên, chú trọng phát huy dân chủ trực tiếp của người dân thông qua các hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư. Ngày hội đại đoàn kết hàng năm được tổ chức rộng rãi trong các khu dân cư, qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước và tình đoàn kết trong cộng đồng. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã dần chuyển cách thức tuyên truyền từ nặng lý thuyết sang phương châm “cầm tay chỉ việc”, tạo sự gần gũi trong Nhân dân.
 
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đã có nhiều hình thức mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong xã hội, trong các cộng đồng dân cư, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Các hình thức hoạt động giám sát cộng đồng, thăm dò tín nhiệm cán bộ chủ chốt ở cở sở… đã thực sự có hiệu quả và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
 
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hương, trong những năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân. Từ đó phát huy khối đại đoàn kết trong Nhân dân, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Cụ thể, Nhân dân trên địa bàn đã hưởng ứng tích cực các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Đặc biệt, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Nhân dân hưởng ứng tích cực. Người dân đã đóng góp khoảng 12 tỷ đồng, hiến hàng trăm m2 đất và hàng ngàn ngày công cho các công trình xây dựng nông thôn mới. Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả trên các lĩnh vực như: trồng dâu nuôi tằm ở khu vực ba xã Đầm Ròn, sản xuất rau công nghệ cao ở khu vực Phi Liêng, Đạ K’Nàng, khu dân cư kiểu mẫu ở xã Đạ Rsal… Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã góp phần tích cực trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo vươn lên thay đổi cuộc sống. 
 
Chuyển biến trong hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là điều đã được chứng minh rõ qua thực tiễn. Tuy vậy vẫn còn những vấn đề còn tồn tại phải nhìn nhận. Trong đó, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tuy có đổi mới song chưa nhiều, nội dung hoạt động còn dàn trải. Tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên ở một số đoàn thể còn thấp. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình còn khó khăn. Yếu tố nắm bắt, tổng hợp tình hình trong Nhân dân có lúc chưa kịp thời. Việc xây dựng lực lượng cốt cán còn hình thức nên chưa thực sự phát huy được vai trò tại các thôn, buôn... 
 
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05 cho thấy, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Đam Rông đã có những bước chuyển mình tích cực. Song, trước những vấn đề còn tồn tại, Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc chỉ đạo, thời gian tới MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận phù hợp với thực tiễn địa phương và điều kiện tình hình mới. Trong đó, chú trọng việc vận động Nhân dân chăm lo phát triển sản xuất, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 
 
NGỌC NGÀ