(LĐ online) - Năm học mới nữa lại đến. Đây là năm học lần thứ 21 trong cuộc đời giáo viên của tôi và là năm thứ 11 với vai trò của một hiệu trưởng...
(LĐ online) - Năm học mới nữa lại đến. Đây là năm học lần thứ 21 trong cuộc đời giáo viên của tôi và là năm thứ 11 với vai trò của một hiệu trưởng. Dù đã gắn bó nhiều năm với nghề giáo, nhưng với tôi, những ngày đầu thu này có cảm xúc khó tả. Vui, vì sắp sửa được gặp lại những cô cậu học trò chân chất, thân thương; nhưng cũng lo lắng, trăn trở với hàng tá công việc cần triển khai, bảo đảm thích ứng với môi trường dạy và học mới.
|
Nhà trường sẽ tận dụng thời gian vàng để học sinh được đến lớp nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt |
Khi những năm học mới bắt đầu trong trạng thái bình thường, tràn đầy trên các mặt báo là hình ảnh học sinh vui vẻ, háo hức tựu trường, khuôn mặt rạng ngời trong ngày khai giảng. Nhưng có một hình ảnh đã lưu định trong tâm trí tôi, một cô giáo ôm cậu học sinh nhỏ tuổi để “kéo” vào trường. Nhìn và giật mình, sao giống trường mình thế! Rồi tự nhiên cười trong nước mắt.
CHUYỆN CŨ
Trường chúng tôi là Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở, học sinh đều đến từ các xã khó khăn của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; huyện có hơn 70% bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các em 11 tuổi đã đến học và ăn, ở tại trường. Điều này luôn là nỗi băn khoăn mỗi khi đến năm học mới. Nhiều học sinh khi đăng ký học ở trường với tâm thế rất hớn hở vì được đi học ở một nơi khác, trường ở trung tâm huyện. Nhưng khi rời xa gia đình, bà con buôn làng để đến trường, lúc cha mẹ rời đi là những tiếng khóc, tiếng gào thét, bấu víu… Hình ảnh đó tôi đã được chứng kiến rất nhiều lần và day dứt mãi.
Tôi từng huy động giáo viên và bảo vệ nhà trường ôm một học sinh để đưa vào trường, khi em gào thét, vùng vẫy trước giờ chia tay cha mẹ. Nhưng em đã tuột khỏi vòng tay chúng tôi, chạy một mạch ra đường bám theo xe máy của cha mẹ. Các bạn khác kìm nén cảm xúc, lấm lét nhìn theo. Và rồi thấy thầy cô chạy theo, em gạt nước mắt trở lại trường. Thương cu cậu 11 tuổi đã phải xa vòng tay gia đình để đến ngôi trường mới, môi trường mới; thầy cô, bè bạn… tất cả đều xa lạ.
Và những ngày tiếp theo là “cuộc chiến” tâm lý với 50 học sinh lớp 6. Hàng ngày khi lên lớp, những tiếng khóc vẫn rỉ rả phát ra từ lớp đầu cấp này, giáo viên bộ môn không dạy được, chúng tôi phải tách học sinh ra để dụ dỗ. Lúc đầu là cô chủ nhiệm, cô tổng phụ trách, đến thầy hiệu phó, cô hiệu trưởng. Dụ dỗ đủ thứ, từ bánh kẹo, hứa gọi bố mẹ lên thăm, sẽ cho ngủ với anh chị là bà con họ hàng, rồi học nửa năm sẽ cho chuyển về nhà...
Sau ngày trên lớp, buổi tối là một trận chiến ác liệt hơn. Khi màn đêm buông xuống, nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, chị em tự nhiên bị đánh thức. Một em khóc, hai em khóc, cả phòng khóc lây lan sang cả phòng khác và đồng loạt khối học sinh đầu cấp khóc. Cũng may là tiếng mưa rừng đã làm dịu nhẹ bản hòa ca nước mắt.
Tôi rất khâm phục các thầy cô, cô chú phục vụ tại ngôi trường này. Họ đã lắng nghe, vỗ về, dỗ dành để các em giảm bớt áp lực của sự lạ lẫm. Cùng với những lời động viên, an ủi, ủ ấp của anh chị lớp trước, các em nhỏ dễ thương đầu cấp đã có niềm tin, từng ngày thích nghi với môi trường mới.
Còn rất nhiều kỷ niệm cười trong nước mắt ở ngôi trường thân thương của chúng tôi. Xin được kể một chút chuyện cũ trước khi bước vào năm học mới, năm học dự báo sẽ có nhiều ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
THÍCH ỨNG TÌNH HÌNH MỚI
Mùa hè năm nay, dù Lạc Dương là “vùng xanh”, nhưng các em học sinh của trường tôi cũng đành “cắm bản”, không ra khỏi buôn làng để phòng chống dịch theo quy định. Mùa hè không có kỳ nghỉ hè. Gần bốn tháng trôi qua, cô trò chưa được gặp nhau ở ngôi trường thân thương phía chân núi Mẹ Langbiang. Niềm vui bất ngờ đến với tôi trong một chiều mưa, qua Mesenger, Liêng Hót K’Thúy, cô học trò òa khóc khi chia tay cha mẹ để đến trường mới, gọi cho tôi: Niêm să pugru! (Chào cô giáo - tiếng K’Ho). Sau câu chào, em tỉ tê tâm sự chuyện buôn làng, chuyện phòng chống dịch, rồi chuyện học ở nhà. “Em nhớ thầy cô, nhớ các bạn lắm. Sao lâu quá chưa được đi học hả cô?” - K’Thúy hỏi. “Sắp được đến trường vui đùa rồi, lần này chắc không khóc đâu nhỉ?” - tôi ghẹo K’Thúy. Câu chuyện cứ thế kéo dài. Rồi Ly Đơ, K’Liên, K’Brin… nữa, chính những học sinh khóc lóc, vùng vằng không muốn đến trường và nhiều học sinh khác cứ nhắn tin, gọi điện cho tôi hỏi ngày được đến trường. Tôi vui lắm. Chuyện vận động học sinh ra lớp đã khó, nay nhận được những thông tin như thế chúng tôi thật sự ấm lòng.
Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, niềm vui đến cùng sự lo lắng. Năm nay, nỗi lo không chỉ ở học sinh mới nhập trường, mà chính là nỗi lo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Dù những năm gần đây, các phòng học của trường đã được lắp đặt hệ thống máy chiếu, ti vi cỡ lớn, máy tính kết nối mạng internet và những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại, giúp giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức, tạo nên những tiết học sinh động. Nhưng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, trong điều kiện của nhà trường, hoàn cảnh gia đình phụ huynh ở các buôn làng, việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn.
Song, chúng tôi xác định, chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài, mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu bảo đảm chất lượng. Qua những cuộc họp hội đồng nhà trường, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần “chuyển đổi và thích ứng”. Căn cứ kế hoạch, hướng dẫn của địa phương, của ngành giáo dục, Trường chúng tôi đã xây dựng hai phương án cho năm học mới linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Thứ nhất, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì học sinh sẽ tựu trường, khai giảng và đi học đúng theo khung thời gian năm học do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành. Ngược lại, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp mà phải tổ chức học trực tuyến, chúng tôi sẽ triển khai phương án hai. Khi đó, nhà trường phải thực hiện khảo sát gia đình học sinh có điện thoại thông minh, máy vi tính, đường truyền intenet... Đồng thời, phải hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách học trực tuyến. Đây là điều khá khó khăn với điều kiện của nhà trường và hoàn cảnh gia đình phụ huynh chúng tôi. Nhưng tôi tin, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể Trường Phổ thông DTNT - THCS huyện Lạc Dương, chúng tôi sẽ triển khai thành công.
Nhà trường sẽ phối hợp với UBND các xã có con em theo học tại trường để chuyển sách giáo khoa, học phẩm theo chế độ đến tận tay học sinh. Cùng với đó, đề nghị xã hỗ trợ, hướng dẫn cho học sinh cách thức học trực tuyến và kiểm tra việc học tập của con em, giải quyết những khó khăn về vật chất khi học sinh và gia đình có thể gặp phải.
Tôi hi vọng, cả thầy và trò chúng tôi đều có thể thích ứng nhanh với hoàn cảnh mới, môi trường dạy và học mới. Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa “thời gian vàng” để các em được đến trường, được gặp thầy cô, bè bạn và tận hưởng niềm vui khi những cánh tay giơ lên trong những tiết học sinh động trên lớp.
HOÀNG THỊ CÚC HUYỀN
Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT - THCS huyện Lạc Dương