Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển

06:12, 21/12/2021

(LĐ online) - Đó là nội dung hội thảo chuyên đề do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào chiều 21/12 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2021) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số. 

(LĐ online) - Đó là nội dung hội thảo chuyên đề do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào chiều 21/12 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày dân số Việt Nam (26/12/1961 – 26/12/2021) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số. 
 
Các đồng chí chủ trì điều hành tham luận tại hội thảo
Các đồng chí chủ trì điều hành tham luận tại hội thảo
 
Hội thảo với sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đào Thành Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh, Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Đà Lạt, lãnh đạo UBND các huyện Bảo Lâm, Cát Tiên.
 
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Mỵ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Dân số luôn được xác định là một lĩnh vực quan trọng, vừa cấp thiết và lâu dài đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Động thái dân số thường đặt ra những cơ hội cũng như thách thức, luôn liên hệ chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi giai đoạn phát triển. Ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 216/CP, về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Đến Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, xác định “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển”. Đây là bước chuyển có tính cách mạng, đánh dấu giai đoạn mới của chính sách dân số ở Việt Nam. 
 
Đồng chí Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thị Mỵ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn hội thảo
 
Quán triệt, thực hiện các chính sách dân số, Lâm Đồng đã và đang đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2012, Lâm Đồng bước vào thời kỳ dân số vàng và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2025; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68,3% tổng dân số năm 2020. Kết quả về công tác dân số đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương trên địa bàn tỉnh. 
 
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề
Toàn cảnh hội thảo chuyên đề
 
Tuy nhiên, Lâm Đồng đang trong thời kỳ dân số vàng song; đồng thời, lại phải đối mặt với quá trình già hóa dân số. Năm 2020, tỉnh chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Dự báo trên bình diện Quốc gia, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tổ chức bộ máy về công tác dân số có nhiều thay đổi, chưa được điều chỉnh phù hợp, các nội dung về dân số và phát triển thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan nhưng chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ… là rào cản cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Từ thực tế đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là cần đánh giá việc thực hiện các chính sách dân số trên các mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. 
 
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận; đồng thời, trao đổi ý kiến, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện các chính sách dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Những thách thức và trở ngại trong việc tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số và phát triển trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay; các nội dung về dân số và phát triển thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan nhưng chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ; những khó khăn, bất cập và giải pháp để lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giải pháp hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số phục vụ quá trình xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dân số; giải pháp phát huy lợi thế dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số trên địa bàn tỉnh; giải pháp tăng cường truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về dân số và phát triển; những thuận lợi và khó khăn của mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp của tỉnh hiện nay… Qua đó, là cơ sở để các cấp, các ngành thấy được nguyên nhân, những khó khăn thách thức đặt ra; từ đó, xác định được những nội dung, giải pháp về công tác dân số và phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. 
 
TUẤN HƯƠNG