Lâm Đồng chuẩn bị tình huống 10.000 ca Covid-19

03:12, 17/12/2021

(LĐ online) - Ngày 17/12, tại hội nghị liên ngành phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2021 tổ chức tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, các đại biểu đã tập huấn về triển khai mô hình trạm y tế lưu động, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà, xử lý thi hài người tử vong do mắc Covid-19 và công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

(LĐ online) - Ngày 17/12, tại hội nghị liên ngành phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2021 tổ chức tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Lâm Đồng, các đại biểu đã tập huấn về triển khai mô hình trạm y tế lưu động, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà, xử lý thi hài người tử vong do mắc Covid-19 và công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
 
Các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng
Các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng
 
Hiện, toàn tỉnh ghi nhận tổng số 6.402 ca Covid-19; trong đó, đang điều trị 2.818 bệnh nhân. Để đáp ứng các tình huống số lượng ca bệnh tăng cao, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kịch bản thu dung, điều trị 10.000 ca Covid-19 trên địa bàn. 
 
Khảo sát đến 18 giờ ngày 16/12 của Sở Y tế Lâm Đồng, về phân bố điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế như sau: Tầng 1 có 2.753 ca (tỷ lệ 98,15%, so với phân tầng điều trị của Bộ Y tế là 83,6%); tầng 2 có 52 ca (tỷ lệ 1,85%, so với phân tầng điều trị của Bộ Y tế là 11,2%); tầng 3 có 14 ca (tỷ lệ 0,5%, so với phân tầng điều trị của Bộ Y tế là 5,2%).
 
Căn cứ tỷ lệ phân tầng điều trị người bệnh tại tỉnh hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã tính toán về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng với kịch bản thu dung, điều trị 10.000 ca mắc Covid-19. Theo trình bày của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kim Hải - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế Lâm Đồng về khả năng đáp ứng của tỉnh Lâm Đồng trong tình huống có 10.000 ca Covid-19 như sau: Đảm bảo nhân lực y tế phòng, chống dịch tại địa phương huy động 5.305 cán bộ (trong ngành y tế 3.920 người; cán bộ y tế tư nhân, sinh viên và hưu trí 1.385 người). Đồng thời, đảm bảo giường cách ly tập trung. Toàn tỉnh có 193 khu cách ly tập trung với 14.433 giường, 3.233 phòng; các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các địa điểm phù hợp làm nơi cách ly tập trung phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Các khu cách ly tập trung này sẵn sàng chuyển thành khu thu dung điều trị bệnh nhân F0 khi có tình huống 10.000 ca Covid-19.
 
Duy trì cơ sở thu dung, điều trị F0. Tổ chức điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 mức độ nhẹ, không triệu chứng đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn cách ly, điều trị F0 tại nhà theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 50 cơ sở thu dung và điều trị Covid-19 với 5.435 giường. 
 
Số lượng máy thở toàn tỉnh hiện có 258 máy thở. Trong đó, bố trí tại tầng 2 và 3 của tháp điều trị (Bệnh viện Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng) là 184 máy thở (24 máy thở chức năng cao, 27 máy thở xâm nhập, 13 máy thở không xâm nhập, 120 máy thở  ô xy dòng cao (HFNC). 
 
Với mô hình nhóm bệnh nhân theo phân tầng như hiện tại của Lâm Đồng (tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải thở ô xy, thở máy khoảng 2,2%), 2 cơ sở điều trị bệnh nhân tầng 2 và 3 sẽ đáp ứng được máy thở để điều trị người bệnh. Dự tính trong trường hợp số hiện mắc là 10.000 ca thì có 65 trường hợp phải thở máy.
 
Đảm bảo ô xy y tế hiện tại toàn tỉnh có 1.199 bình ô xy các loại, 5 bồn ô xy lỏng (dung lượng 45 m3); trong đó, bố trí tại tầng 2 và 3 của tháp điều trị là 35 m3; tổng sức chứa tối đa quy đổi ra lít khí 46.894.000 lít ô xy. Có thể đáp ứng nhu cầu ô xy trong khoảng 5 ngày cho tình huống dịch 10.000 ca Covid-19 cùng 1 thời điểm.
 
 Huy động phương tiện xe ô tô cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân 83 xe (trong ngành 56 xe, vận chuyển cấp cứu tư nhân 27 xe).
 
 Thuốc điều trị Covid-19, Molnupiravir 200mg có 134.000 viên thuốc từ các nguồn dự kiến điều trị cho 3.350 bệnh nhân. Từ ngày 17/11 đến nay đã sử dụng điều trị cho 320 bệnh nhân với 12.800 viên, hiện còn 121.200 viên (tương ứng với 3.120 bệnh nhân). Favipiravir 200mg có 12.000 viên để điều trị cho 260 bệnh nhân, hiện chưa sử dụng. Thuốc tiêm Remdesivir 100mg với 10.600 lọ thuốc, đã sử dụng điều trị cho 124 bệnh nhân, hiện còn 10.161 lọ để sử dụng cho khoảng 1.643 bệnh nhân có triệu chứng nặng.
 
 Tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR tại 8 đơn vị để đáp ứng số lượng mẫu xét nghiệm trung bình 2.058 mẫu/ngày và số lượng mẫu tối đa 6.000 mẫu/ngày. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch thiết lập 144 trạm y tế lưu động phòng chống dịch Covid-19 tại 12 huyện, thành phố. Đội phản ứng nhanh có tổng số 29 đội tại 6 bệnh viện và 12 trung tâm y tế huyện, thành phố. 
 
Thành lập bổ sung các Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động thực chất, hiệu quả. Huy động lực lượng xung kích, tình nguyện tham gia công tác tiếp nhận thông tin của người dân liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh để hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết; cấp cứu, tư vấn tâm lý; tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ vận chuyển, cung cấp hàng hoá, lương thực, thực phẩm vào khu vực cách ly, phong tỏa… Vận động Nhân dân tham gia phòng chống dịch.
 
Theo phương án, kịch bản chống dịch mới này, tỉnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Quân khu 7 hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị… khi Lâm Đồng có số ca mắc vượt 15.000 ca và ca bệnh ở tầng 3 vượt mốc 500 ca.
 
AN NHIÊN