Sức khỏe học đường cần cả nhà trường và xã hội hóa

05:12, 17/12/2021

Bữa ăn học đường kết hợp hoạt động thể lực, hướng đến cải thiện sức khỏe trẻ em luôn cần sự đồng hành từ nhà trường đến xã hội...

Bữa ăn học đường kết hợp hoạt động thể lực, hướng đến cải thiện sức khỏe trẻ em luôn cần sự đồng hành từ nhà trường đến xã hội. Và mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. 
 
Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi thực hiện mô hình Sức khỏe học đường
Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi thực hiện mô hình Sức khỏe học đường
 
•  MÔ HÌNH BỮA ĂN HỌC ĐƯỜNG
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã tổng kết triển khai mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam. Mô hình thực hiện theo Quyết định số 41 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 41), triển khai trong giai đoạn 2018-2025. Năm 2020 mới thực hiện và là mô hình đầu tiên có sự kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực nhằm giải quyết bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam. Đó là tình trạng thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi, hay thừa dinh dưỡng (thừa năng lượng do hoạt động thể lực ít) dẫn đến thừa cân, béo phì. Năm học 2020-2021, mô hình điểm triển khai thí điểm tại 10 trường của 10 tỉnh, thành phố thuộc 5 khu vực sinh thái khác nhau; trong đó, tỉnh Lâm Đồng được chọn và thực hiện tại Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Đà Lạt. 
 
Đánh giá mô hình của Đề án 41, các nhà quản lý cho biết, 100% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, nhân viên y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn; 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng đó, hoạt động giáo dục dinh dưỡng và thể chất đã góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thói quen ăn uống, vận động thể lực của học sinh với trên 95% cán bộ quản lý, nhân viên bếp, phụ huynh đánh giá hài lòng. Đặc biệt, 95,4% phụ huynh học sinh đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ, ít nhất 60 phút/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
 
Bài học đúc kết từ thực hiện mô hình ở Trường Tiểu học Lê Lợi: Bên cạnh cung cấp những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, việc định hình thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh cho học sinh đóng vai trò quan trọng. Công tác giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh ở độ tuổi tiểu học ngày càng được chú trọng. Thông tin được minh họa sinh động bằng hình ảnh, giúp các em dễ tiếp thu và ghi nhớ. Giáo viên có thể linh hoạt tổ chức các hoạt động tương tác như hỏi và đáp, trò chơi đố vui... để các em học sinh tiếp thu tốt hơn. Hiểu rõ những lợi ích của thực phẩm đối với sức khỏe giúp các em dần thay đổi thói quen ăn uống... Ngoài những thuận lợi, trường vẫn còn khó khăn như: Một số phụ huynh chưa hiểu được những lợi ích của thực đơn đảm bảo dinh dưỡng nên thường cho các trẻ ăn theo sở thích và thói quen. Mặt khác, nguồn kinh phí thu từ hoạt động bán trú quá eo hẹp, nên khó tuyển được nhân viên nấu ăn có trình độ theo đúng chuyên ngành; diện tích phòng ăn, phòng ngủ còn quá tải.
 
•  CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA DOANH NGHIỆP 
 
Một thực tế nữa ở Trường Tiểu học Lê Lợi qua Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Mạnh cho biết là: Để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh như mong muốn, mô hình yêu cầu mức ăn tối thiểu từ 27.000 đồng trở lên/ngày đối với mỗi học sinh bán trú. Năm học 2020-2021, trường chỉ thu từ phụ huynh 18.000 đồng/mỗi học sinh/ngày và sau khi thực hiện mô hình thu thêm 4.000 đồng; hỗ trợ từ mô hình một hộp sữa/học sinh/ngày, tương đương 6.000 đồng. Nhà trường dành tất cả yêu thương vì học sinh, nhưng thực sự khó khăn để đạt yêu cầu về dinh dưỡng như mong muốn. Thực tế nhiều trường vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, chúng tôi nhận thấy, với điều kiện chăm sóc trẻ của phụ huynh còn khó khăn thì giáo dục dinh dưỡng lại càng là bài toán khó giải. Với Trường Tiểu học Lê Lợi, năm học 2020-2021, có 25 lớp với 1.106 học sinh, trong đó có 550 học sinh bán trú, chiếm tỷ lệ 49,7%. Thầy giáo Mạnh cho biết: “Năm học 2021-2022, do áp dụng dạy học trực tuyến nên trường không tổ chức được bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo tôi, Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh vừa rồi chỉ cho tối đa mỗi ngày ăn của học sinh bán trú là 25.000 đồng thì quả thực là khó khăn về chất lượng giáo dục dinh dưỡng”. 
 
Mô hình về dinh dưỡng kết hợp thể lực học đường cần được nhân rộng bằng việc đào tạo, truyền thông sâu rộng cho toàn xã hội đồng tình, đặc biệt là hai đối tượng giáo viên, cán bộ dinh dưỡng và phụ huynh. Để mô hình thành công, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành, địa phương, các chuyên gia, không thể thiếu vai trò đồng hành có trách nhiệm của doanh nghiệp bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa. Ví dụ việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm hàng tháng của Hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương đối với học sinh Trường Mầm non xã Đưng K’Nơh là một điển hình rất cần biểu dương và học tập. 
 
Ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Chương trình nhằm mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Ở tỉnh Lâm Đồng, ngày 3/12/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 8851/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra, bao gồm các nội dung như: Chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường; ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh trong trường học. Để thực hiện, kế hoạch nêu lên 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đối với ngành giáo dục, các sở, ngành liên quan và cả xã hội cùng chung tay thực hiện.
 
MINH ĐẠO